Giới phân tích ở Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng khi thời gian Nga chuyển giao hệ thống phòng không S-400 cho Thổ Nhĩ Kỳ đang đến gần trong bối cảnh Mỹ đe dọa trừng phạt, Ankara – đang đối mặt với nền kinh tế mong manh- có khả năng sẽ tìm cách rút lại thỏa thuận với Moscow, theo hãng tin Tân Hoa Xã ngày 26-5.
“Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ quyết tâm giải quyết vấn đề này với Mỹ bằng cách nào đó”, ông Haldun Solmazturk, một nhà phân tích an ninh và chính sách đối ngoại, nói với Tân Hoa Xã.
Chính phủ Tổng thống Donald Trump đã đe dọa áp trừng phạt nghiêm khắc vào Thổ Nhĩ Kỳ nếu thỏa thuận S-400 với Moscow được thông qua. Ankara dự kiến sẽ nhận được tổ hợp phòng không tiên tiến này vào tháng 7.
Hệ thống phòng không S-400 của Nga sẽ được chuyển tới Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng 7. Ảnh: REUTERS
Chuyên gia Solmazturk cho biết các cuộc đàm phán giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ về thương vụ S-400 đang diễn ra ở cấp độ cao nhất dưới sự chỉ thị của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan. Ông lập luận rằng Ankara không thể vướng vào một cuộc khủng hoảng toàn diện với Washington khi xét tới những vấn đề lớn mà nước này đang đối mặt về kinh tế và Syria.
Dẫn lời các quan chức giấu tên, kênh CNBC hồi đầu tuần cho hay Thổ Nhĩ Kỳ phải hủy thương vụ S-400 với Nga và mua hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot của Mỹ trước khi hết tuần đầu tiên của tháng 6, bằng không sẽ hứng trừng phạt nghiêm khắc.
Mỹ cũng đã đe dọa đóng băng việc chuyển giao bốn tiêm kích tàng hình F-35 cho Thổ Nhĩ Kỳ và loại bỏ vai trò của Ankara trong chương trình sản xuất F-35 trừ phi thỏa thuận S-400 bị hủy bỏ.
Faruk Logoglu, một nhà cựu ngoại giao cấp cao, nhận định nhiều khả năng Thổ Nhĩ Kỳ quay trở lại thỏa thuận F-35 với lập luận rằng một bước đi như vậy phù hợp hơn với các lo ngại an ninh quốc gia và nhu cầu của nước này.
“Nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ đang trong tình trạng khó khăn và cần thiện chí cũng như sự hỗ trợ của Mỹ, trong đó cần một cuộc giải cứu của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF)”, ông Logoglu nói với Tân Hoa Xã.
Nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ lún sâu vào vũng lầy nợ nần, đang đối mặt với tình trạng lạm phát cao, thất nghiệp và suy thoái kinh tế. Đất nước này cần khoảng 200 tỉ USD, trong đó gần 180 tỉ USD để giải quyết nợ ngắn hạn và điều hành nền kinh tế trong 12 tháng tới.
Bà Heather Wilson, Bộ trưởng Không quân Mỹ, tuần trước cho hay Thổ Nhĩ Kỳ có khả năng từ bỏ các hệ thống của Nga, lưu ý rằng các cuộc đàm phán giữa hai bên đang diễn ra. Tuy nhiên, Tổng tống Erdogan lần nữa loại bỏ khả năng Thổ Nhĩ Kỳ rút lại thỏa thuận S-400, nhấn mạnh đây là thỏa thuận đã hoàn tất.
Ông Solmazturk, chuyên gia tại Viện Thổ Nhĩ Kỳ thế kỷ 21 ở thủ đô Ankara, cho rằng các tuyên bố của giới chức Thổ Nhĩ Kỳ không rút khỏi thỏa thuận với Nga hoàn toàn là để xoa dịu dự luận trong nước.
Thổ Nhĩ Kỳ nhận chiếc F-35 đầu tiên tại một buổi lễ ở Forth Worth, Texas, Mỹ hôm 21-6-2018. Ảnh: GETTY
Theo những báo cáo gần đây của truyền thông địa phương, Thổ Nhĩ Kỳ có thể bán lại các tổ hợp S-400 cho một nước thứ ba hoặc trì hoãn công tác bàn giao nhằm tránh đối đầu với Mỹ.
“Hiện tại, cả Ankara và Washington đều “mạnh miệng” với nhau, đe dọa bên kia bằng biện pháp trừng phạt này biện pháp trừng phạt kia, nhưng luôn luôn chừa chỗ cho một thỏa thuận cuối cùng”, ông Logoglu cho hay. Ông thêm rằng: “Trong khi đó, các cuộc đàm phán giữa hai đồng minh vẫn đang tiếp tục”.
Cách đây vài ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Hulusi Akar cho hay Ankara có thể chặn Washington sử dụng căn cứ không quân Incirlik cũng như cơ sở radar Kurecik ở phía Đông nước này nếu chính quyền Tổng thống Trump áp trừng phạt.
Tuy nhiên, trao đổi với Tân Hoa Xã, Ilhan Uzgel – một chuyên gia về quan hệ quốc tế cho rằng: “Thổ Nhĩ Kỳ không thể thay đổi tình trạng ở căn cứ Incirlik hay Kurecik trong hoàn cảnh hiện tại”.
Thổ Nhĩ Kỳ có thể ban đầu lên kế hoạch sử dụng thương vụ S-400 làm con bài mặc cả với Mỹ, nhưng khi xét tới những khó khăn về kinh tế và chính sách ngoại giao mà Thổ Nhĩ Kỳ đang đối mặt, chính vấn đề S-400 giờ lại trở thành rào cản cho nước này, ông Uzgel nêu ý kiến.
Bên cạnh đó, hai nước đồng minh NATO đang vướng vào bất hòa xoay quanh chuyện Mỹ hỗ trợ quân sự cho lực lượng dân quân người Kurd ở Syria – lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ xem là tổ chức khủng bố và là cánh tay nối dài của Đảng Công nhân người Kurd (PKK). Thổ Nhĩ Kỳ đến nay không thể thuyết phục được Mỹ để nước này kiểm soát một khu vực an ninh được thành lập ở lãnh thổ do người Kurd kiểm soát ở Syria dọc biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ.
Tuy nhiên, không giống như ý kiến của hai chuyên gia Solmazturk và Logoglu, nhà phân tích Uzgel – đang làm việc tại ĐH Ankara – cho rằng việc Thổ Nhì Kỳ mua tổ hợp S-400 đang gần đến mức không thể quay đầu lại.
“Thổ Nhĩ Kỳ cần sự ủng hộ của Mỹ và phương Tây để chống lại Nga ở tỉnh Idlib (Syria); vì thế, Thổ Nhĩ Kỳ phải giải quyết vấn đề S-400”, ông Solmazturk nói.
Kể từ giữa năm 2016, Ankara và Moscow đã hợp tác dàn xếp chính trị trong cuộc xung đột ở Syria. Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ bị xáo trộn bởi chiến dịch quân sự của lực lượng chính phủ Syria do Nga hậu thuẫn nhằm vào các phiến quân Hồi giao ở tỉnh Idlib.
Mối quan hệ ngày càng gia tăng của Thổ Nhĩ Kỳ với Nga trong những năm gần đây đã đặt ra những lo ngại cho các đối tác NATO của Thổ Nhĩ Kỳ. Các báo cáo về sự xoay trục trong chính sách ngoại giao của Thổ Nhĩ Kỳ lần lượt xuất hiện trên truyền thông phương Tây.
“Phương Tây không còn xem Thổ Nhĩ Kỳ là một đối tác để hợp tác nữa, trong khi Thổ Nhĩ Kỳ cũng không phải là một đối tác đáng tin cậy đối với Nga”, ông Solmazturk nhận xét.
“Những ngày nay, Thổ Nhĩ Kỳ hành động giống một kẻ thù hơn là một đồng minh của NATO”, một bài báo đăng trên tờ The Wall Street Journal hôm 22-5 viết.
Tuy nhiên, không nhà phân tích nào trong số các nhà phân tích trên cho rằng có sự xoay trục trong chính sách đối ngoại của Thổ Nhĩ Kỳ.
“Không chắc xảy ra chuyện Nga làm ầm lên nếu thỏa thuận S-400 bị xếp xó, nhưng sẽ có lợi ích lớn hơn và lâu dài ở Thổ Nhĩ Kỳ” – ông Logoglu cho hay.
Trong khi đó, ông Uzgel nhận định Ankara sẽ không rút khỏi NATO bởi vị trí của Thổ Nhĩ Kỳ trong khối liên minh phương Tây này là rất sâu sắc.