Tờ Manila Bulletin ngày 25-2 dẫn lời Đại sứ Anh tại Philippines Daniel Pruce nhấn mạnh rằng Anh và các nước khác có “nghĩa vụ” tuân thủ luật pháp quốc tế và quyền tự do hàng hải ở Biển Đông.
Phát ngôn của ông Pruce được đưa ra trong bối cảnh Anh dự định sẽ triển khai tàu sân bay HMS Queen Elizabeth đến khu vực này trong năm nay.
“Chúng tôi có lập trường vững chắc và ngoại trưởng của chúng tôi gần đây đã tái khẳng định rằng tất cả chúng ta có nghĩa vụ tuân thủ luật pháp quốc tế, trong trường hợp này rõ ràng là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS), và nguyên tắc tự do hàng hải, tự do hàng không” – ông Pruce cho biết.
Đại sứ Anh tại Philippines Daniel Pruce. Ảnh: TWITTER/MANILA BULLETIN
Tuy chính phủ Anh tuyên bố nước này không đứng về bên nào trong tranh chấp ở Biển Đông, song ông Pruce đã kêu gọi tất cả các bên liên quan tham gia vào “các cơ chế hòa bình và hợp pháp” để không làm trầm trọng thêm tình hình.
“Anh không đứng về bên nào liên quan đến phạm vi tranh chấp tại Biển Đông và mở rộng ra ngoài Philippines. Chúng tôi kêu gọi tất cả các bên giải quyết mọi tranh chấp một cách hòa bình và tiến hành điều đó trong các cơ chế pháp lý hiện có” - ông Pruce nói.
Ông Pruce cũng nhấn mạnh tất cả các bên nên kiềm chế bất kỳ hoạt động nào có thể làm gia tăng căng thẳng như cải tạo đất, quân sự hóa, xây dựng và những hoạt động khác.
“Điều thực sự quan trọng là các nước phải kiềm chế và quan trọng hơn cả là phải cư xử có trách nhiệm. Tất cả những điều này đều theo các nghĩa vụ quốc tế… tất cả đều nằm trong khuôn khổ pháp lý quốc tế” – ông Pruce nói.
Trước đó, hãng thông tấn Kyodo News (Nhật) ngày 2-1 đưa tin Anh sẽ đưa tàu sân bay HMS Queen Elizabeth cùng một số tàu hộ tống tập trận cùng hải quân Mỹ và Nhật tại Biển Đông và quần đảo Senkaku (theo cách gọi của Nhật)/Điếu Ngư (theo cách gọi của Trung Quốc) trong năm nay. Tin tức này đã khiến Bắc Kinh phản ứng dữ dội.
Cùng ngày, Bộ Quốc phòng Trung Quốc tuyên bố sẽ có “biện pháp cần thiết” để bảo vệ chủ quyền, cảnh báo kế hoạch điều tàu chiến, bao gồm tàu sân bay mới nhất HMS Queen Elizabeth, đến Biển Đông của Hải quân Anh.
Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc Tan Kefei hôm 2-1 cho biết: "Quân đội Trung Quốc sẽ thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo vệ chủ quyền, an ninh và lợi ích của mình cũng như hòa bình và ổn định ở Biển Đông. Phía Trung Quốc tin rằng Biển Đông không nên trở thành một vùng biển cạnh tranh giữa các cường quốc bằng sự thống trị của vũ khí và tàu chiến".
Tàu sân bay HMS Queen Elizabeth bắt đầu hoạt động từ năm 2017, trọng tải 65.000 tấn, nhỏ hơn nhiều so với các tàu chiến hạt nhân của Mỹ. HMS Queen Elizabeth có thể mang theo 60 máy bay các loại gồm cả máy bay chiến đấu lên thẳng F-35B.
Yêu sách chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông, hay còn gọi là “đường lưỡi bò” đã bị Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ở The Hague (Hà Lan) bác bỏ vào năm 2016.
Trong tuyên bố, Tòa cho biết "đường chín đoạn" của Trung Quốc là không có cơ sở pháp lý, đồng thời Trung Quốc "không có quyền lịch sử" tại Biển Đông. Tuy nhiên Trung Quốc cho đến nay luôn phủ nhận và không tuân thủ theo phán quyết.