Khủng hoảng Ukraine có thể khiến Mỹ tái tăng cường hiện diện quân sự ở châu Âu

Trong thời gian tới, 8.500 lính Mỹ có thể sẽ được triển khai tới Đông Âu nhằm mục đích củng cố sự hiện diện quân sự của Mỹ ở lục địa này sau nhiều thập niên suy giảm từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc.

Các GS Khoa học Chính trị Michael A Allen, Carla Martinez Machain và Michael E Flynn tại ĐH Boise State và ĐH Kansas State (Mỹ) có chung bài bình luận trên trang tin The Conversation (Úc) về việc sự vụ Ukraine có thể khiến Mỹ quay trở lại tăng cường hiện diện ở châu Âu sau nhiều thập niên giảm bớt.

Trong cuộc họp báo ngày 19-2, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã báo hiệu rằng Mỹ sẽ tăng cường hiện diện quân đội tại các nước thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở Đông Âu nếu Nga động binh với Ukraine.

Lính Mỹ triển khai đến Ba Lan hồi năm 2014. Ảnh: REUTERS

Vài ngày sau đó, ông chỉ đạo Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đặt hàng nghìn lính Mỹ trong tình trạng cảnh giác cao độ về khả năng được triển khai tới Đông Âu. Động thái này được coi như việc Washington đang thực hiện nghĩa vụ bảo vệ an ninh của các đồng minh NATO.

Dù ông Biden thừa nhận Ukraine không phải là thành viên của NATO, song ông nhấn mạnh các quốc gia láng giềng Ukraine là Ba Lan và Romania chính là thành viên của liên minh và Mỹ có nghĩa vụ bảo vệ họ. Để làm được điều đó, rất có thể Mỹ và NATO sẽ thực hiện một đợt triển khai quân đội lớn đến hai quốc gia này.

Trước đây, Mỹ và Nga luôn thận trọng trong việc bố trí quân đội. Theo đó, hai bên sẽ không bố trí quân ở những nơi được coi là khiêu khích với bên còn lại, và thường tránh phạm vi ảnh hưởng của nhau. Tuy nhiên, vì nhiều nước thành viên NATO ở Đông Âu từng là các quốc gia vệ tinh của Liên Xô, nên cả Mỹ và Nga đều coi khu này nằm trong phạm vi ảnh hưởng của chính họ.

NATO mở rộng trong thời kỳ hậu chiến tranh lạnh

Kể từ khi Thế chiến thứ hai kết thúc, Mỹ đã triển khai hàng trăm nghìn quân đến châu Âu. Những đợt triển khai này có ý nghĩa quan trọng không chỉ trong việc ổn định khu vực Tây Âu, mà còn trong việc tăng cường ảnh hưởng của Mỹ trong giai đoạn hậu chiến tranh.

Tương tác giữa Mỹ và các nước châu Âu trong thời kỳ này chủ yếu liên quan đến việc tạo ra một loạt các thể chế giúp đưa ra các quy tắc trong quan hệ quốc tế. Theo bài viết của ba tác giả trên The Conversation, các tổ chức này hiện vẫn tồn tại một phần là nhờ những cam kết an ninh của Mỹ đối với các quốc gia thừa nhận và thúc đẩy chúng. NATO, một liên minh quân sự được thành lập vào năm 1949 nhằm ngăn Liên Xô mở rộng ảnh hưởng, là trung tâm của những nỗ lực này.

Vào cuối những năm 1950, Mỹ hiện diện rất mạnh ở châu Âu, khoảng 430.000 quân đóng ở những nơi như Tây Đức và Anh. Sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, NATO đã tìm cách xác định lại sứ mệnh của mình, từ việc chú ý những động thái quân sự của Nga sang tập trung vào sự ổn định của châu Âu một cách tổng thể hơn.

Cùng với sự thay đổi sứ mệnh, NATO cũng mở rộng tư cách thành viên cho các nước Trung và Đông Âu, chẳng hạn như Hungary và Ba Lan, và các nước Baltic như Estonia, Latvia và Litva. Theo đó, Mỹ đã triển khai quân đến đóng ở các quốc gia này.

NATO cũng đã tìm cách mở rộng quan hệ với các quốc gia không phải là thành viên trên khắp Đông Âu và Trung Âu thông qua Kế hoạch Hành động Tư cách thành viên NATO (MAP), cố vấn và hỗ trợ cho các nước muốn gia nhập NATO.

Chiến lược “Đông tiến” này đã vấp phải sự phản đối của Nga trong những năm 1990, khi Moscow từ lâu đã bày tỏ lo lắng về an ninh khu vực biên giới phía tây đất nước. Hiện nay, Nga vẫn chú ý về chiến lược mở rộng về phía Đông châu Âu của NATO, thể hiện qua việc Tổng thống Nga Vladimir Putin yêu cầu NATO rút quân khỏi các quốc gia thuộc Liên Xô.

Xoay trục khỏi châu Âu

Ngày 11-9-2001, các cuộc tấn công khủng bố đã khiến Mỹ chuyển hướng việc triển khai quân đội và mối quan tâm an ninh ra khỏi châu Âu. Theo đó, Washington lúc bây giờ đã xoay trục sang khu vực Trung Á và Trung Đông, bắt đầu từ cuộc đưa quân vào Afghanistan năm 2001 và sau đó là Iraq năm 2003.

Vào năm 1989, Mỹ có 248.621 quân thường trực đóng ở Tây Đức, 27.639 ở Anh, 15.706 ở Ý và 3.382 ở Hy Lạp. Đến tháng 9-2021, quân số của Mỹ đã giảm xuống còn 35.457 ở Đức, 9.563 ở Anh, 12.434 ở Ý và chỉ còn 429 ở Hy Lạp. Mặc dù quy mô các đợt triển khai quân của Mỹ tới châu Âu đã giảm đáng kể kể từ thời kỳ Chiến tranh Lạnh, nhưng chúng vẫn rất lớn so với hầu hết các đợt triển khai khác của nước này. 

Căng thẳng gia tăng với Nga trong thời gian gần đây đã khiến các tổng thống Mỹ phải dành thêm viện trợ và triển khai quân sự đến Ba Lan và các nước Baltic. Xu hướng này có vẻ sẽ tiếp tục nếu Lầu Năm Góc thực sự triển khai hàng nghìn binh sĩ tới Đông Âu nếu Nga tấn công Ukraine.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm