Mỹ loại trừ khả năng thêm Ấn Độ, Nhật vào liên minh AUKUS

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tờ The Economic Times ngày 23-9 đưa tin Mỹ mới đây đã loại trừ việc sẽ bổ sung Ấn Độ hoặc Nhật vào quan hệ đối tác an ninh ba bên mới với Úc và Anh - AUKUS - nhằm đối phó những thách thức của thế kỷ 21 ở khu vực chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Trao đổi với báo giới tại cuộc họp báo hôm 22-9, Thư ký Báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho biết: "Việc công bố AUKUS vào tuần trước không phải là một dấu hiệu, và tôi nghĩ đây là thông điệp mà Tổng thống cũng đã gửi tới Tổng thống Pháp Emmanuel Macron rằng không có ai khác sẽ tham gia vào an ninh ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương".

Thư ký Báo chí Nhà Trắng Jen Psaki. Ảnh: FOXNEWS

Phát ngôn của bà Psaki được đưa ra sau câu hỏi rằng nếu các quốc gia như Ấn Độ và Nhật, vốn nhà lãnh đạo của hai nước này trong tuần này sẽ đến Washington để tham dự Hội nghị thượng đỉnh của nhóm "Bộ Tứ an ninh" (QUAD) trực tiếp đầu tiên, có thể trở thành một phần của liên minh an ninh AUKUS hay không.

"Vào ngày 24-9 ... Úc sẽ có mặt ở đó (để tham dự hội nghị thượng đỉnh Bộ tứ). Nhưng tiếp đó cũng có Ấn Độ và Nhật. Bà có hình dung cho hai quốc gia này một loại vai trò quân sự nào tương tự như cách đã xác định với Úc không?" - một nhà báo hỏi.

Trả lời câu hỏi trên, bà Psaki cho hay: "AUKUS? Nó sẽ trở thành gì? JAUKUS? JAIAUKUS?".

Theo The Economic Times, Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ chủ trì hội nghị thượng đỉnh trực tiếp đầu tiên của QUAD - gồm Ấn Độ, Mỹ, Nhật và Úc - tại Nhà Trắng vào ngày 24-9.

Trước đó, ngày 15-9, Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Úc Scott Morrison và Thủ tướng Anh Boris Johnson đã cùng thông báo về việc thành lập liên minh an ninh ba bên AUKUS.

Liên minh AUKUS, được coi là nỗ lực để đối phó Trung Quốc ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, sẽ cho phép Mỹ và Anh lần đầu tiên cung cấp cho Úc công nghệ phát triển tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân.

Trung Quốc đã chỉ trích mạnh mẽ liên minh ba bên này, nói rằng nhóm độc quyền như vậy không có tương lai và sẽ phá hoại nghiêm trọng sự ổn định của khu vực, làm trầm trọng thêm cuộc chạy đua vũ trang và làm tổn hại các nỗ lực không phổ biến vũ khí hạt nhân quốc tế.

Động thái này cũng khiến Pháp, một đồng minh châu Âu của Mỹ, tức giận khi cho biết họ đã bị "đâm sau lưng" và đã công khai bày tỏ sự phẫn nộ với liên minh AUKUS.

Paris đã triệu hồi đại sứ của mình tại Mỹ và Úc sau khi thỏa thỏa thuận AUKUS được công bố. Nước này cũng mất một hợp đồng béo bở để đóng tàu ngầm thông thường cho Úc.

Trong khi đó, trong nỗ lực hàn gắn mối quan hệ, Tổng thống Biden và người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron hôm 22-9 đã đồng ý về việc "tham vấn cởi mở".

Ông Biden và ông Macron đã quyết định mở một quá trình tham vấn sâu, nhằm tạo điều kiện đảm bảo lòng tin và đề xuất các biện pháp cụ thể hướng tới các mục tiêu chung, theo tuyên bố chung được đưa ra sau cuộc họp của hai nhà lãnh đạo.

"Tất nhiên, đó là một chủ đề quan trọng trong các cuộc trò chuyện với phía Pháp, trong bối cảnh một loạt quốc gia có lợi ích trực tiếp trong khu vực" - bà Psaki cho biết trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng hôm 22-9.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm