Nhật tăng cường nhân lực an ninh mạng nhằm đối phó Nga, Trung Quốc

Tờ Asia Nikkei đưa tin Bộ Quốc phòng Nhật có kế hoạch tăng cường nhân lực phụ trách lĩnh vực an ninh mạng, gồm cả việc thuê từ khu vực tư nhân, nhằm đối phó các cuộc tấn công mạng ngày càng tinh vi của Trung Quốc, Nga và các nước khác.

Trước đây, tấn công mạng thường liên quan việc virus máy tính xâm nhập vào hệ thống mạng và đánh cắp thông tin, nhưng tin tặc những năm gần đây ngày càng trở nên tinh vi hơn và các cuộc tấn công mạng cũng đang gia tăng tại Nhật.

Nhật tăng cường nhân lực an ninh mạng nhằm đối phó Nga, Trung Quốc. Ảnh: NIKKEI ASIA

Theo Asia Nikkei, một cuộc tấn công vào mạng lưới liên lạc của Lực lượng Phòng vệ Nhật (SDF) có thể làm gián đoạn hoặc ngừng hoạt động của các đơn vị đóng quân trên khắp Nhật. Thông tin mật liên quan quốc phòng cũng có thể lọt vào tay kẻ xấu. Những tình huống như vậy sẽ tác động lớn đến an ninh quốc gia Nhật.

Do đó, Bộ Quốc phòng Nhật đang tăng cường năng lực phòng thủ mạng cả về số lượng và chất lượng.

Tính đến cuối năm 2020, SDF có khoảng 660 nhân viên trong lĩnh vực này, chịu trách nhiệm bảo vệ toàn bộ hạ tầng mạng của SDF và các lực lượng không quân, hải quân. Kế hoạch của Nhật nhắm đến mục tiêu tăng nguồn nhân lực này lên 800 người tới tháng 3-2022 và hơn 1.000 người vào năm 2023.

Một đơn vị giám sát hoạt động phòng thủ mạng cho toàn bộ SDF sẽ ra mắt vào năm 2022 thông qua việc cơ cấu các đơn vị cho từng nhánh, qua đó giúp nâng cao hiệu quả.

Đầu năm tài chính này, một khóa học về an ninh mạng đã được giới thiệu tại trường kỹ thuật của Lực lượng Phòng vệ Mặt đất, được thiết kế để đào tạo nhân viên an ninh mạng thông qua chương trình giảng dạy các kiến thức cơ bản như ngôn ngữ lập trình.

Bộ Quốc phòng Nhật cũng sẽ tìm kiếm chuyên gia bên ngoài để tăng cường công tác chuẩn bị đối phó các cuộc tấn công ngày càng tinh vi.

Trong tháng này, Bộ Quốc phòng Nhật đã thuê một cố vấn giám sát an ninh mạng từ Nippon Telegraph and Telephone và một cố vấn khác từ công ty an ninh mạng LAC. Các chuyên gia này sẽ làm việc tại Bộ từ hai đến ba ngày một tuần, song song với công việc tại các công ty của họ.

Theo Asia Nikkei, Nippon Telegraph and Telephone có hơn 300.000 nhân viên. Để bảo vệ một tổ chức với quy mô lớn như vậy khỏi các cuộc tấn công mạng đòi hỏi mỗi nhân viên phải có ý thức về các mối đe dọa, đồng thời các giám đốc điều hành và quản lý phải có kiến thức liên quan.

SDF, với hơn 200.000 nhân sự, sẽ xem xét thiết lập một chương trình đào tạo dựa trên kinh nghiệm của NTT trong lĩnh vực này.

Ngoài các chương trình phái cử nhân viên SDF ra đào tạo ở nước ngoài hiện nay, SDF sẽ học cách đối phó các cuộc tấn công mạng từ các chuyên gia có kiến thức và kỹ năng cao.

Tuy khoản ngân sách cho kế hoạch trên không được tiết lộ, song Bộ Quốc phòng Nhật đã chi 180.000 USD trong ngân sách năm tài khóa 2021 để thuê các cố vấn.

Nhật cũng đang tăng cường hợp tác với các đồng minh như Mỹ trong lĩnh vực này. Lực lượng Phòng vệ Hàng hải Nhật (MSDF) hồi tháng 6 đã tiến hành các cuộc tập trận tấn công mạng trên tàu sân bay trực thăng Izumo với quân đội Mỹ.

Các tàu chiến khi ra khơi phải liên tục duy trì kết nối mạng, do đó, bất kỳ lỗ hổng nào trong khâu liên lạc trên biển đều làm tăng nguy cơ nhiễm virus. Virus cũng có thể xâm nhập vào hệ thống thông qua ổ đĩa flash được sử dụng trong quá trình bảo trì tàu thuyền, chẳng hạn tác động đến hệ thống định vị của tàu.

Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế của Anh được công bố hồi tháng 6, năng lực không gian mạng của Nhật được đánh giá ở "Bậc 3", thấp nhất trong thang điểm ba bậc.

Trung Quốc và Nga ngày càng tập trung vào việc kết hợp các cuộc tấn công vật lý của các lực lượng trên không, trên biển và trên bộ với các cuộc tấn công mạng và xung điện từ.

Trung Quốc được cho là có 30.000 nhân viên trong các đơn vị tấn công mạng. Điều này đã làm tăng tính cấp thiết trong nỗ lực của SDF nhằm bổ sung thêm nhân lực và tăng cường năng lực cho các đơn vị không gian mạng của mình cũng như hợp tác với Mỹ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm