Bình luận về các cuộc biểu tình đang diễn ra tại Belarus, Tổng thống Nga Vladimir Putin nhấn mạnh tình hình tại nước này đang ổn định, theo hãng tin Sputnik.
Tổng thống Putin cho hay Nga đã thành lập một lực lượng dự bị đặc biệt gồm các binh sĩ thực thi pháp luật theo yêu cầu của Tổng thống Belarus Alexander Lukashenk và lực lượng này sẽ được triển khai khi cần thiết.
Ông Putin cáo buộc lực lượng nước ngoài không xác định đang cố gắng tìm kiếm lợi thế chính trị từ tình trạng hỗn loạn tại Belarus.
Chưa cần triển khai lực lượng an ninh Nga ở Belarus
“Không cần phải che giấu điều gì. Có một số điều khoản liên quan quy định rằng tất cả quốc gia thành viên của các tổ chức nên cung cấp hỗ trợ lẫn nhau và bảo vệ chủ quyền, biên giới bên ngoài và bảo vệ sự ổn định. Về vấn đề này, chúng tôi có nghĩa vụ với Belarus và ông Lukashenko đặt ra vấn đề là ông ấy muốn chúng tôi hỗ trợ ông ấy nếu cần thiết. Tôi nói rằng Nga sẽ thực thi tất cả nghĩa vụ của mình” – ông Putin nhấn mạnh khi trả lời phỏng vấn đài Rossiya 24 hôm 27-8.
Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: TASS
“Trong các cuộc trao đổi giữa chúng tôi với ông Lukashenko, chúng tôi đi tới kết luận rằng hiện giờ không cần thiết phải như vậy và tôi hy vọng sẽ không cần như vậy. Do đó, chúng tôi sẽ không triển khai lực lượng dự bị này” – nhà lãnh đạo Nga nói thêm.
Bên cạnh đó, ông Putin cho hay lực lượng an ninh Nga sẽ không được triển khai miễn sao những phần cử cực đoan tại Belarus không vượt qua bất kỳ biên giới nào.
“Họ sẽ không được triển khai cho tới khi những phần tử cực đoan núp sau các khẩu hiệu chính trị, vượt qua các biên giới nhất định, đơn giản như cướp bóc, đốt xe, nhà cửa, ngân hàng, cố chiếm các tòa nhà hành chính…” – ông Putin nhấn mạnh.
Theo hãng tin TASS, tính đến nay, ông Putin và ông Lukashenko đã thảo luận về tình hình tại Belarus bốn lần qua điện thoại. Ngoài ra, nhà lãnh đạo Nga còn thảo luận các sự kiện hiện tại tại Belarus với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel.
Tiến trình ở Belarus bị bên ngoài tác động
Cũng trong cuộc trả lời phỏng vấn đài Rossiya 24, Tổng thống Putin cho hay các nhân tố bên ngoài tìm cách tác động tới các tiến trình tại Belarus vì mục đích chính trị của riêng họ.
“Họ tìm cách tác động tới các tiến trình này và đạt được một số quyết định mà họ tin là phục vụ cho các lợi ích chính trị của họ” – ông Putin nhấn mạnh.
Tổng thống Lukashenko cũng bình luận về các cuộc biểu tình tại nước này, vốn nổ ra sau khi ông tuyên bố chiến thắng nhiệm kỳ thứ 6 trong cuộc bầu cử hôm 9-8.
Binh sĩ Nga và Belarus tham gia tập trận quân sự chung năm 2017. Ảnh: Ramil Nasibulin/BELTA/TASS
Ông lưu ý rằng năm nay đã mang đến rất nhiều khó khăn, chẳng hạn như đóng cửa nhiều thị trường, ngừng lưu thông hàng hóa và đồng vốn do đại dịch COVID-19 và giờ là tình hình chính trị khó khăn tại Belarus.
Theo như ông nói, tình hình hiện tại bị rung chuyển cả từ bên ngoài lẫn bên trong.
Ông Lukashenko có những bình luận trên trong bối cảnh biểu tình nổ ra nhằm phản đối kết quả bầu cử kể từ ngày 9-8. Kết quả bầu cử cho thấy đương kim Tổng thống Lukashenko chiến thắng với hơn 80% phiếu bầu, trong khi phe đối lập khẳng định bà Svetlana Tikhanovskaya - ứng cử viên tổng thống của phe đối lập mới là người thắng cử.
Vài ngày nổ ra biểu tình, cảnh sát đã đàn áp những người biểu tình nhưng sau đó đã dừng việc sử dụng vũ lực quá mức. Hơn 6.700 người bị bắt trong vài ngày đầu biểu tình.
Theo Bộ Nội vụ Belarus, ba người đã thiệt mạng và hàng trăm người khác bị thương trong thời gian đó, trong đó có hơn 120 sĩ quan an ninh.
Hôm 14-8, phe đối lập thành lập Hội đồng Điều phối với mục đích chuyển giao quyền lực trong hòa bình phù hợp với Hiến pháp Belarus.
Tuy nhiên, chính phủ Belarus khẳng định rằng Hội đồng này đang tìm cách nắm quyền vi hiến và gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia.
EU trừng phạt 20 quan chức Belarus
Theo kênh Fox 23 News, tại cuộc họp ở Berlin (Đức) hôm 27-8, các ngoại trưởng Liên minh châu Âu (EU) dự kiến phê duyệt danh sách gồm 15-20 quan chức Belarus sẽ bị áp lệnh trừng phạt. Các quan chức này sẽ đối mặt với việc bị cấm đi lại tại châu Âu và đóng băng các tài sản của họ. Trong khi đó, Lithuania đang yêu cầu đưa 118 người vào danh sách đen.
Phụ nữ xuống đường biểu tình phản đối hành vi bạo lực của cảnh sát tại thủ đô Minsk (Belarus). Ảnh: DW
Trong nỗ lực nhằm câu giờ, thay vì gây sức ép và đe dọa người biểu tình, Tổng thống Lukashenko đã cam kết cải cách hiến pháp vốn có thể chứng kiến một cuộc bầu cử mới sau này.
Phát biểu tại một cuộc họp trước các quan chức hôm 27-8, Tổng thống Lukashenko nói rằng ông sẽ hoan nghênh các cuộc thảo luận về thay đổi hiến pháp với các đại diện của công nhân nhà máy, nông dân và sinh viên. Tuy nhiên, ông loại trừ khả năng nói chuyện với những người biểu tình mà ông mô tả là côn đồ xuống đường và la hét muốn đối thoại.