Tổ chức phi chính phủ về quyền động vật Liên hiệp Bảo tồn Tự nhiên và Hệ sinh thái (NABU – Đức) đang quy trách nhiệm cho hải quân nước này về cái chết của ít nhất 18 chú cá heo quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng ở biển Baltic sau một đợt tập trận chung của NATO tại vùng biển này hồi tháng 8.
Trong cuộc tập trận này hải quân Đức đã cho nổ 42 quả mìn từ thời chiến tranh thế giới thứ hai, theo NABU. 39 trong 42 nổ nên trong một khu vực bảo tồn thiên nhiên ở Vành đai Fehmarn – một eo biển hẹp nằm giữa Đan Mạch và Đức, nơi 18 chú cá heo được phát hiện chết sau đó.
“Từng quả mìn nổ tạo ra một cái hố rộng 5m và sâu 1,5m ở trong khu vực được bảo vệ nghiêm ngặt. Mọi động vật nằm trong khu vực 10-30m xung quanh từng quả mìn này đều bị giết”, báo Deutsche Welle (Đức) dẫn lời Giám đốc NABU Leif Muller nói.
Ít nhất 18 chú cá heo quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng ở biển Baltic sau một đợt tập trận chung của NATO. Ảnh: SPUTNIK
Theo ông Muller, sự cố không thể chấp nhận được này “cho thấy sự thiếu kiến thức của hải quân Đức về luật bảo vệ tự nhiên và thiếu các tiêu chuẩn môi trường, cũng như sự thất bại hoàn toàn của các chính trị gia trong giải quyết vấn đề về đạn dược của các cuộc chiến cũ”.
Theo NABU, quân đội Đức đã không tham vấn các cơ quan bảo vệ môi trường trước cuộc tập trận, và việc này có thể xem như hành vi vi phạm luật bảo vệ động vật.
Bộ Quốc phòng Đức đang điều tra sự việc. Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Đức Frank Faehnrich nói với báo chí rằng “tới giờ vẫn chưa xác định được mối liên hệ trực tiếp nào” giữa việc hải quân cho nổ mìn và cái chết của những chú cá heo. Ông Faehnrich nói thêm nếu thực sự có mối liên hệ nào được tìm thấy thì “chúng tôi rõ ràng lấy làm tiếc về điều đó”.
Chính phủ Đức rất chú ý việc vô hiệu hóa mìn, ngư lôi từ các cuộc chiến tranh cũ vốn là một đe dọa với giao thông hàng hải ở Vành đai Fehmarn, nơi trung bình có 40.000 tàu qua lại mỗi năm.