Bác sĩ tuyến đầu chống COVID-19: Không chúng tôi thì là ai?

Lực lượng nhiều rủi ro nhất trong cuộc chiến chống dịch COVID-19 hiện nay không ai khác chính là những bác sĩ, nhân viên y tế ở tuyến đầu cứu chữa bệnh nhân. Và đã có nhiều hy sinh, mất mát.

Hàng ngàn bác sĩ, nhân viên y tế bị lây nhiễm

Tại Ý - nước có dịch nặng nhất châu Âu và thứ hai thế giới, số bác sĩ, nhân viên y tế bị lây nhiễm đã lên kỷ lục: 6.414. Đã có 51 bác sĩ không qua khỏi, đài CNN dẫn số liệu từ Hiệp hội Bác sĩ Ý. 

Các nhân viên y tế trong một cái lều dựng bên ngoài Bệnh viện Cremona (Ý). Ảnh: AP

Tại Trung Quốc - nước xuất hiện dịch đầu tiên đã có 3.300 bác sĩ, nhân viên y tế nhiễm. 13 người đã không qua khỏi, theo số liệu từ báo Business Insider .

Ngày 22-3, Hiệp hội Bác sĩ Indonesia (IDI) cho biết nước này cũng đã có 6 bác sĩ tử vong do nhiễm COVID-19, nhưng không đề cập đến số nhân viên y tế nhiễm bệnh.

Tại Mỹ - nơi hiện đang dẫn đầu thế giới với hơn 100.000 ca nhiễm, nhân viên y tế cũng đang trong tình trạng báo động về nguy cơ bị lây nhiễm.

Thiếu trầm trọng thiết bị bảo hộ cá nhân

Lý do chính khiến lực lượng nhân viên y tế ở tuyến đầu bị lây nhiễm là vì thiếu thiết bị bảo vệ cá nhân.

Mỹ - nước giàu nhất thế giới cũng đang báo động không chỉ về nhân lực y tế mà cả thiết bị bảo vệ cá nhân. Sản xuất vật tư PPE tại nước này hiện không theo kịp nhu cầu sử dụng của các nhân viên y tế. Mặt khác, sự thiếu hụt ngày càng trầm trọng khi người dân mua vật tư tích trữ trong bối cảnh dịch bệnh đang tràn lan.

Bác sĩ Filippo Anelli, Chủ tịch Hiệp hội Bác sĩ Indonesia, gần đây đã kêu gọi cung cấp thêm trang thiết bị bảo vệ cá nhân (PPE) cho các bác sĩ đang chữa trị cho bệnh nhân COVID-19 để tránh các rủi ro nghề nghiệp mà họ dễ mắc phải.

"Điều đầu tiên cần làm là bảo vệ nhân viên chăm sóc sức khỏe, đảm bảo họ không phải là những người lây truyền virus. Các bác sĩ của chúng ta hiện nay như đang được gửi vào chiến trường mà không có vũ trang” - ông Anelli nói với tờ Financial Times trong một bài báo hôm 26-3.

Hai nhân viên y tế Tây Ban Nha động viên nhau bên ngoài phòng chăm sóc đặc biệt dành cho các bệnh nhân COVID-19. Ảnh: REUTERS

Hiện chính quyền các nước đang cố gắng giải quyết tình trạng khan hiếm thiết bị bảo vệ cá nhân bằng cách tăng cường sản xuất cũng như chuyển đổi và các thiết bị cần thiết khác như máy thở trong đại dịch.

Tại Mỹ, hôm 16-3, Công ty Fanatics, nhà sản xuất đồng phục chính thức cho đội bóng chày Major League, hôm 16-3 cho biết nhà máy tại bang Pennsylvania đã bắt đầu sản xuất khẩu trang và áo bệnh nhân nhằm nỗ lực giúp nhân viên y tế có đủ nguồn cung cấp PPE.

Là nguồn động viên duy nhất của bệnh nhân

Trên khắp nước Mỹ, các chuyên gia chăm sóc sức khỏe đều được huy động để điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19i, và tất cả họ đang phải đối mặt với cái chết của bệnh nhân mỗi ngày.

Một số nhân viên y tế chia sẻ họ đang phải đối mặt với các khủng hoảng chưa từng có bên trong bệnh viện. Một số nói với đài CNN rằng họ bị sốc, và một số khác thì cho biết cảm thấy sợ hãi khi ngày ngày phải đối mặt với rất nhiều cái chết cũng như đối diện với người nhà bệnh nhân.

“Vô cùng đau lòng. Số lượng bệnh nhân COVID-19 tăng nhanh mỗi ngày và tất cả chúng tôi đều lo sợ mọi thứ sẽ trở nên tồi tệ. Khi tôi đang làm việc trong đơn vị chữa trị cho bệnh nhân COVID-19, một số y tá thậm chí không muốn ăn uống trong suốt 12 giờ liền vì họ sợ phải tháo đồ bảo hộ ra rồi sau đó phải mặc lại” - một y tá làm việc tại Bệnh viện Đại học Y khoa Chicago nói với CNN.

Bác sĩ gây mê Cory Deburghgraeve tại Đại học Illinois ở Chicago cho biết ông đã làm việc 94 giờ trong tuần này. Công việc của ông thường tiếp xúc rất gần bệnh nhân. Tuy thế, rủi ro bị lây nhiễm chưa phải là điều ông quan tâm nhất.

"Điều tàn khốc đối với tôi là một số người mà chúng tôi vừa biết đây sẽ không còn nữa. Và họ chỉ có một mình, không ai được đến thăm họ. Tôi có thể sẽ là người cuối cùng mà họ nhìn thấy và nghe thấy” - bác sĩ Cory nói.

"Vì vậy, mặc dù bận rộn... Tôi luôn cố gắng thể hiện lòng trắc ẩn, thật nhiều cảm thông với bệnh nhân, cố gắng nắm tay họ càng nhiều càng tốt để (có thể) tạo sự kết nối giữa người với người, mặc dù thực tế là tôi đang mặc một “bộ đồ không gian”" - bác sĩ Cory nói thêm.

Nếu không phải chúng tôi thì là ai?

Bác sĩ  Sean Thum, 28 tuổi, một trong những bác sĩ ở tuyến đầu điều trị bệnh nhân COVID-19 tại Bệnh viện Permai ở thủ phủ Johor Baru, bang Johor  (Malaysia), nói anh ý thức rõ rủi ro mình đang đối mặt khi anh và các đồng nghiệp tiếp xúc với những bệnh nhân nhiễm COVID-19.

Tuy nhiên, bất chấp điều đó, bác sĩ Thum xem đây là cơ hội để giúp đỡ đất nước vào lúc cần thiết, giống như nhân vật ông yêu thích - nữ tướng huyền thoại Hoa Mộc Lan của Trung Quốc, người đã giả trai thay cha tòng quân đánh giặc.

Bác sĩ Sean Thum ướt đẫm mồ hôi trong bộ đồ bảo hộ cá nhân. Ảnh: CNA

“Những nam nhân được lệnh đi chiến đấu cho đất nước của họ và Mộc Lan đã đứng lên. Tương tự như vậy, tôi xem đây là cơ hội để thể hiện rằng tôi yêu đất nước mình nhiều đến nhường nào và tôi muốn phục vụ người dân mình nhiều đến mức nào” - kênh Channel News Asia (CNA) dẫn lời bác sĩ Thum.

Các bác sĩ khác cũng chia sẻ sự lạc quan tương tự khi họ được điều đi trực tiếp chữa trị cho các bệnh nhân COVID-19.

Bác sĩ Calvin Koh hiện làm việc tại Bệnh viện Sungai Buloh - trung tâm điều trị COVID-19 chính của Malaysia nói với CNA rằng đã nhiều ngày rồi ông không gặp vợ mình, song nói rằng sự hy sinh này sẽ rất đáng giá.

Giống như bác sĩ Thum, bác sĩ Koh ban đầu làm việc tại Bệnh viện Sultanah Ismail ở bang Johor Bahru và đã được chuyển tới Selangor hồi tuần trước, để vợ ở lại Johor Bahru. 

Bác sĩ 29 tuổi này là một trong hàng trăm bác sĩ trẻ trên khắp Malaysia được điều tới Bệnh viện Sungai Buloh.

Các bác sĩ ở Johor Bahru - thủ phủ của bang Johor (Malaysia) chuẩn bị kiểm tra các bệnh nhân nghi nhiễm COVID-19. Ảnh: CNA

Bác sĩ Koh nói rằng mặc dù ông không tình nguyện nhận nhiệm vụ đó, nhưng ông cảm thấy “vinh dự” khi làm việc này và đã giúp chữa trị cho những người Malaysia nhiễm COVID-19.

“Khi tôi điều trị cho các bệnh nhân, tôi khá căng thẳng bởi vì virus này dễ lây lan. Nhưng tôi cố gắng tập trung vào công việc của mình và thực hiện các biện pháp phòng ngừa cần thiết” - bác sĩ Koh nói.

“Chúng tôi là bác sĩ thế hệ tiếp theo của đất nước này và chúng tôi phải bước lên. Nếu không phải chúng tôi thì là ai?” - bác sĩ 29 tuổi nói thêm.

"Hãy ở nhà vì chúng tôi”

Nhiều bác sĩ ở Malaysia cũng đăng tải những bức ảnh của chính họ cùng với dòng chú thích kêu gọi người dân Malaysia kiên nhẫn không ra khỏi nhà và tuân thủ yêu cầu kiểm soát đi lại của chính phủ. Lệnh cấm này ở Malaysia kéo dài tới ngày 14-4.

Bác sĩ Thum nói rằng trong khi các bác sĩ và những nhân viên y tế khác như ông đang làm việc cật lực để kiểm tra và điều trị bệnh nhân thì mọi người “hãy ở nhà vì chúng tôi và vì sự an toàn của mọi người”.

Thứ trưởng Y tế Malaysia Noor Azmi Ghazali (hàng trên, ở giữa) và các nhân viên y tế cầm những tấm biển kêu gọi người dân Malaysia tuân thủ yêu cầu kiểm soát đi lại. Ảnh: CNA

“Chúng tôi đang làm nhiệm vụ của mình tại bệnh viện. Chúng tôi hy vọng mọi người cũng sẽ làm phần việc của họ” - bác sĩ Thum nói.

Bác sĩ Thum cũng kêu gọi người Malaysia tiến hành giữ khoảng cách xã hội, vệ sinh tay sạch sẽ và ho đúng cách.

Bác sĩ Koh cũng đưa ra lời kêu gọi tương tự.

“Tôi thật sự hy vọng tất cả người dân Malaysia tuân thủ các hướng dẫn của chính phủ. Nếu họ có triệu chứng, vui lòng đảm bảo họ tìm tới điều trị khẩn cấp” - bác sĩ Koh nói.

“Tất cả chúng ta phải làm phần việc của mình” - bác sĩ Koh kêu gọi.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm