COVID-19 lan sang Mỹ Latin, thế giới chạy đua kiềm dịch

Dịch COVID-19 đã khiến hơn 2.700 người tử vong và ít nhất 80.000 người nhiễm tại 34 quốc gia trên thế giới.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 26-2, số ca nhiễm mới ghi nhận gần đây bên ngoài Trung Quốc còn nhiều hơn cả trong lãnh thổ quốc gia này. Nhiều chuyên gia y tế cũng cảnh báo đà lây của chủng virus này dù có giảm bên trong lãnh thổ Trung Quốc đại lục nhưng lại lây lan rất mạnh trên toàn cầu.

Ngày 26-2 dịch COVID-19 đã lan đến khu vực Mỹ Latin với việc Brazil thông báo có ca nhiễm đầu tiên - một người từng đi sang cùng Lombardy của Ý, theo hang tin AFP.

Tại châu Âu đã có 13 quốc gia có ca nhiễm COVID-19. Hầu hết ca nhiễm tại châu lục này có liên quan đến điểm nóng COVID-19 ở miền Bắc nước Ý.

“Tất cả quốc gia thành viên cần thông báo cho chúng tôi về kế hoạch chuẩn bị đối phó với COVID-19, nên tránh việc lệch hướng trong giải quyết dịch bệnh trên toàn châu Âu. Dịch vụ y tế công cộng tại các nước thành viên phải luôn sẵn sàng cho mọi tình huống” - Ủy viên Y tế Liên minh châu Âu (EU) Stella Kyriakides nói với báo giới hôm 26-2.

Ủy viên Y tế EU Stella Kyriakides. Ảnh: AP

EU đang tìm cách trấn an sự sợ hãi của người dân vì dịch bệnh lây lan nhanh chóng.

"Đây là một tình huống đáng lo ngại nhưng chúng ta không được hoảng loạn" - Ủy viên Y tế EU Stella Kyriakides nói với báo giới hôm 26-2 - "Chúng ta cũng phải cảnh giác với các thông tin giả hoặc sai sự thật”.

Theo AFP, trước mắt chính phủ các nước châu Âu đã ra cảnh báo, khuyến cáo công dân không du lịch đến Ý - tâm dịch ở miền Bắc nước này với 400 ca nhiễm và 12 người chết vì COVID-19.

Trong khi đó tại Trung Đông, dịch COVID-19 đã cướp đi 19 sinh mạng ở Iran, quốc gia có số ca tử vong cao thứ hai sau Trung Quốc. Cảnh sát mạng Iran ngày 26-2 nói rằng 24 người đã bị bắt vì lan truyền tin đồn về dịch bệnh COVID-19. Iran cũng ban bố lệnh hạn chế đi lại trong nước đối với những người đã nhiễm bệnh hay nghi ngờ nhiễm bệnh thay vì cách ly toàn bộ các TP, theo AFP. Một số quốc gia vùng Vịnh đã công bố tạm thời cắt “đi lại” với Iran nhằm ngăn chặn lây lan COVID-19.

Nhân viên sân bay ở Sau Paolo, Brazil. Nước này xác nhận ca nhiễm COVID-19 đầu tiên là người đàn ông vừa trở về từ Ý. Ảnh: AP

Tại Pakistan, Bộ Y tế nước này xác nhận có hai ca đầu tiên nhiễm COVID-19.

"Cả hai trường hợp đang được chăm sóc theo quy chuẩn lâm sàng và hiện ổn định. Không cần phải hoảng sợ, mọi thứ đã được kiểm soát" - ông  Zafar Mirza - cố vấn sức khỏe của Thủ tướng Imran Khan cho biết.

Đầu tuần này Pakistan đã cách ly ít nhất 270 người gần biên giới Iran sau khi một nhóm người hành hương trở về và sống cùng với nhiều người khác trong cộng đồng.

Hiện, quốc gia này đã đóng cửa biên giới đất liền với Iran nhưng vẫn duy trì các chuyến bay đến và đi từ Trung Quốc bởi Trung Quốc là nguồn cung thương mại và kinh tế lớn đối với Pakistan.

Tuy nhiên, theo AFP, với biên giới lỏng lẻo, bệnh viện có chất lượng thấp và tỉ lệ dân số mù chữ lớn, Pakistan đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng lớn từ dịch COVID-19.

Các binh sĩ Pakistan đeo khẩu trang, kiểm soát và được lệnh đóng cửa biên giới với Iran do lo ngại dịch COVID-19. Ảnh: AFP

Mỹ đang có gần 60 ca nhiễm. Các cơ quan y tế nước này cảnh báo COVID-19 khả năng sẽ lây lan nhanh trong nước. Hôm 26-2, Tổng Donald Trump đã tổ chức một cuộc họp báo về tình hình dịch COVID-19. Ông Trump tuyên bố bổ nhiệm Phó Tổng thống Mike Pence làm người chỉ huy các phản ứng của Mỹ đối với COVID-19. Chủ nhân Nhà Trắng còn nhấn mạnh Mỹ đã sẵn sàng phản ứng ở "quy mô lớn hơn nhiều" nếu dịch bệnh tiếp tục lây lan.

Tại Hàn Quốc - nước có dịch lớn thứ hai sau Trung Quốc, tính đến sáng 27-2 số ca nhiễm lên gần 1.600 người. Hầu hết ca nhiễm đều có liên đến nhà thờ giáo phái Shincheonji. Hôm 26-2, Hàn Quốc tuyên bố hơn 200.000 thành viên của giáo phái này sẽ phải kiểm tra các triệu chứng của COVID-19.

Nhân viên y tế phun thuốc khử trùng tại một bến xe buýt ở Seoul, Hàn Quốc. Ảnh: AP

Với các diễn biến này, WHO kêu gọi các quốc gia hãy “chuẩn bị cho khả năng bùng phát đại dịch toàn cầu” mặc dù ghi nhận các ca mắc mới và tử vong ở Trung Quốc đã tiếp tục giảm.

Nhiều chuyên gia cũng cho rằng thế giới phải khẩn trương ngăn chặn đà lây trước khi quá trễ. WHO cũng đưa ra cảnh báo về nguy cơ bùng phát dịch tại các quốc gia nghèo, làm dấy lên lo ngại việc các nước ở Mỹ Latin và châu Phi sẽ gặp không ít khó khăn khi đối phó với COVID-19 nếu bùng phát thành đại dịch toàn cầu.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm