COVID-19 Mỹ: 8.444 ca chết, 310.233 ca nhiễm, kinh tế chịu đòn

Trang tin Worldometer dẫn nguồn các cơ quan y tế Mỹ ghi nhận tính đến tối 4-4 (giờ địa phương) nước này có 310.233 ca nhiễm COVID-19, tăng kỷ lục 33.072 người so với ngày trước đó. Mỹ tiếp tục là nước có số bệnh nhân COVID-19 cao nhất thế giới.

Trong khi đó, số người chết ở nước này trong 24 giờ qua tăng 1.040, đưa tổng số ca tử vong vì COVID-19 ở Mỹ lên 8.444.

Về tình hình ở các địa phương, New York vẫn là bang dịch diễn biến phức tạp nhất khi số người nhiễm tăng gần 10.000 trong 24 giờ qua, lên mức 113.704. Đây là khu vực duy nhất số người dương tính với virus SARS-CoV-2 cán mốc sáu con số. Người tử vong vì COVID-19 ở New York tăng 375 người lên 3.565 trường hợp.

Theo sát New York là hai bang New Jersey (34.124 ca nhiễm, 846 ca tử vong) và Michigan (14.225 ca nhiễm, 540 ca tử vong). Đến nay trên khắp nước Mỹ chỉ có Wyoming là bang duy nhất chưa ghi nhận trường hợp tử vong nào. 

Tổng thống Donald Trump trong họp báo về tình hình COVID-19 ở Mỹ ngày 4-4. Ảnh: AP

Ông Trump cảnh báo sẽ còn người chết

Họp báo tại Nhà Trắng ngày 4-4, Tổng thống Donald Trump cảnh báo Mỹ sắp bước vào giai đoạn "khốc liệt nhất" và sẽ có nhiều người tử vong nữa trong nhiều tuần nữa. Ông kêu gọi người dân chuẩn bị tinh thần để đương đầu với khó khăn, theo tờ The New York Times.

Dù vậy, nhà lãnh đạo Mỹ chia sẻ chính phủ liên bang đã cho xây một loạt bệnh viện dã chiến mới tại một số bang và một bệnh viện đã sẵn sàng tiếp nhận bệnh nhân ở New York. Ông Trump cũng cam kết cung cấp đầy đủ và kịp thời trang thiết bị giúp chính quyền các bang chống dịch. 

Để tăng cường lực lượng cho hệ thống y tế đang quá tải tại New York, Tổng thống Trump cho điều thêm 1.000 binh sĩ đến hỗ trợ nỗ lực chống dịch ở đây.

"Theo chỉ đạo của tôi, 1.000 lính Mỹ sẽ được triển khai tới New York để hỗ trợ những nơi họ cần nhất. Đó là điểm nóng nhất trong tất cả điểm nóng của đại dịch" - ông Trump nhấn mạnh, đồng thời cho biết có thể cân nhắc tăng giảm nhân sự tuỳ diễn biến dịch.  

Ông Trump cũng không quên nhấn mạnh một số báo đài trong nước không nên "tạo tin đồn giả gây hoang mang và lo lắng trong dư luận xã hội". 

Trước tình hình mới, Giám đốc Viện Các bệnh dị ứng và truyền nhiễm quốc gia Mỹ - Tiến sĩ Anthony Fauci khuyến nghị người dân nên tiếp tục chấp hành nghiêm chỉnh các quy định về giãn cách xã hội, gọi đây là "công cụ quan trọng nhất của Mỹ". 

"Tôi thật lòng khẩn cầu người dân Mỹ. Dù tình hình hiện này rất khó khăn và buồn tẻ nhưng những gì chúng ta làm đang có tác dụng, do đó chúng ta phải tiếp tục (giãn cách xã hội - PV)" - ông Fauci nhấn mạnh.  

Đồng quan điểm, điều phối viên lực lượng phản ứng COVID-19 Nhà Trắng - bác sĩ Deborah Birx cho biết hai tuần tới sẽ là thời gian quyết định trong nỗ lực kiểm soát dịch ở Mỹ. 

"Đây không phải là lúc để đi mua hàng hóa hay đi tới tiệm thuốc mà là lúc làm mọi thứ để tự bảo vệ các vị và gia đình các vị. Do vậy, mọi người nên giữ khoảng cách tối thiểu 1,8 m và rửa tay thường xuyên" - bà Birx phát biểu.

Chuyên gia Birx dẫn dự đoán của Viện Đánh giá và Thẩm định Sức khỏe Mỹ rằng các điểm nóng COVID-19 như Detroit, New York và Louisiana nhiều khả năng sẽ chạm đỉnh dịch trong khoảng sáu đến bảy ngày tới. 

Kinh tế Mỹ thiệt hại nặng nề vì đại dịch

Báo cáo mới đây của Bộ Lao động Mỹ đã vẽ ra một bức tranh ảm đạm về nền kinh tế nước này từ khi dịch bùng phát, theo hãng tin Reuters

Cụ thể, tỉ lệ thất nghiệp tăng mạnh thêm 0,9% vào tháng 3, lên mức 4,4%. Đây là mức tăng lớn nhất trong vòng một tháng kể từ năm 1975. Trong hai tuần cuối tháng 3 có 10 triệu người Mỹ xin trợ cấp thất nghiệp, cao kỷ lục từ khi Bộ Lao động Mỹ bắt đầu theo dõi số liệu này (năm 1967) và nhiều gấp khoảng 10 lần so với tuần cao nhất của thời kỳ khủng hoảng tài chính (2007-2009).

Các dịch vụ lưu trú và vui chơi, giải trí là những lĩnh vực đầu tiên chịu tác động của các biện pháp hạn chế đi lại nhằm ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan, với 459.000 việc làm bốc hơi. Các lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, bán lẻ và kinh doanh cũng chịu tổn thất lớn. 

Trước đó, Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ (CBO) dự báo tỉ lệ thất nghiệp ở nước này trong quý II-2020 sẽ vượt 10%, cao hơn đáng kể so với dự báo hiện tại của cơ quan này là 3,5%.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm