COVID-19 Mỹ: Hơn 1.000 ca, Dân chủ hoãn chiến dịch tranh cử

Các ứng cử viên đảng Dân chủ là ông Joe Biden và Bernie Sanders đã phải hủy các cuộc vận động bầu cử hôm 10-3 vì lo ngại dịch COVID-19, đảng này cũng cho biết cuộc tranh luận tiếp theo giữa hai ứng cử viên sẽ không có khán giả, theo hãng tin Reuters.

Các cuộc vận động tranh cử đối đầu giữa cựu Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden và thượng nghị sĩ bang Vermont Bernie Sanders, được cho là sự kiện tranh cử lớn đầu tiên trong đợt bầu cử năm nay đã bị hủy bỏ vì sự bùng phát của dịch COVID-19 tại Mỹ.

Cựu Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden và thượng nghị sĩ bang Vermont Bernie Sanders. Ảnh: NBC

“Cuộc chiến” giữa hai ông đang được thổi bùng tại khu vực Trung Tây của Mỹ, vài ngày trước khi cuộc bầu cử sơ bộ được tổ chức đồng loạt tại sáu tiểu bang trong ngày 10-3, bao gồm Michigan, Missouri, Washington, Mississippi, Idaho và Bắc Dakota.

Trong đó, bang được dự kiến sẽ trở thành “chiến trường khốc liệt” giữa hai ông Biden và Sanders chính là Michigan, vì sẽ góp đến 125 đại biểu trong số ít nhất 1.991 phiếu đại biểu để có thể đại diện Dân chủ ra tranh cử tổng thống với đương kim Tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc bầu cử vào ngày 3-11 tới.

Ủy ban Quốc gia đảng Dân chủ hôm 10-3 còn cho biết rằng cuộc vận động tranh cử tổng thống tiếp theo tại Arizona vào ngày 15-3 tới sẽ không có khán giả trực tiếp vì những lo ngại về dịch bệnh.

Ông Kate Bedingfield, Giám đốc truyền thông của ứng cử viên Joe Biden, cho biết cuộc mít-tinh vận động tranh cử sẽ bị hủy bỏ theo hướng dẫn từ các quan chức công cộng. Thay vào đó, ông Biden đã lên kế hoạch nói chuyện với các phóng viên ở Philadelphia. Hai ứng cử viên tranh cử cho biết họ sẽ tham khảo ý kiến quan chức y tế về các sự kiện trong tương lai.

Trước đó vài giờ, Thống đốc bang Ohio Mike DeWine cũng đã kêu gọi người dân tránh các cuộc tụ họp đông người. Bang Washington hôm 10-3 cũng đã tiến hành bỏ phiếu qua thư chứ không đến các điểm bỏ phiếu trực tiếp như mọi khi.

Nhiều bang tuyên bố tình trạng khẩn cấp

Thống đốc bang Massachusetts Charlie Baker đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp, sau khi số ca nhiễm ở tiểu bang này bất ngờ tăng từ 51 trường hợp lên 92. Trong đó, có 70 trường hợp liên quan đến một cuộc họp được tổ chức bởi công ty công nghệ sinh học Biogen tại một khách sạn ở trung tâm TP Boston vào tháng trước.

Một người Mỹ đeo khẩu trang tại Quảng trường Union, TP New York. Ảnh: GETTY

Thống đốc bang New York tuyên bố ông sẽ gửi Vệ binh quốc gia đến chà rửa những nơi công cộng và chuyển thêm lương thực, thực phẩm đến vùng ngoại ô New York, nơi được biết đang bùng phát dịch bệnh này.

Các động thái được đưa ra trong cuộc chiến ngăn chặn virus lây lan mạnh mẽ. Nhiều trường học và đại học đã phải đóng cửa. Các sự kiện tập trung đông người như các buổi hòa nhạc, hội nghị, sự kiện thể thao đều bị hủy. Các công ty cho nhân viên làm việc tại nhà.

Liên Hiệp Quốc tuyên bố họ sẽ đóng cửa trụ sở tại New York. MGM Resorts International, một trong những nhà điều hành khu nghỉ dưỡng lớn nhất ở Las Vegas, cho biết họ sẽ đóng cửa các bữa tiệc tại tất cả sòng bạc ở Las Vegas để đề phòng dịch lây lan.

Tính đến trưa 11-3, dịch bệnh này đã lây lan cho hơn 1.000 người Mỹ, chủ yếu ở bang Washington. Số bệnh nhân tăng gần gấp đôi chỉ trong vòng ba ngày qua.

Kể từ khi phát hiện công dân đầu tiên nhiễm virus gây bệnh COVID-19 vào ngày 21-1, cơ quan y tế Mỹ đến nay đã ghi nhận 31 ca tử vong. Phần lớn bệnh nhân thuộc nhóm người cao tuổi và có nhiều vấn đề khác về sức khỏe.

Những bang có số ca nhiễm cao nhất cả nước là Washington (271 trường hợp), New York (173), California (159) và Massachusetts (92). Theo Anthony Fauci, Giám đốc Viện Bệnh dị ứng và truyền nhiễm quốc gia, số ca nhiễm sẽ tiếp tục tăng trước khi chính phủ Mỹ có thể khống chế được dịch bệnh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm