COVID-19 thế giới: Châu Âu dần giảm ca chết, Mỹ xấu kịch tính

24 giờ qua, trong khi các nước châu Âu bắt đầu chứng kiến đà giảm người chết thì tình hình ở Mỹ xấu kịch tính, cả số người chết và người nhiễm đều tăng.

Trung Quốc vẫn đứng đầu thế giới với 81.285 ca nhiễm, 3.287 người chết. Số ca nhiễm mới ở Trung Quốc ngày 25-3 có tăng (67 ca) so với 47 ca ngày 24-3 nhưng vẫn ít hơn 87 ca của ngày 23-3. Số ca tử vong mới trong ngày 25-3 là 4.

Tuy nhiên có một thông tin đáng ngại là nhiều bác sĩ ở Vũ Hán nói có khoảng 3%-10% bệnh nhân hồi phục ở TP này tiếp tục dương tính với virus gây dịch COVID-19. Một số bác sĩ ở Vũ Hán cũng đang có kế hoạch nghiên cứu về ảnh hưởng của COVID-19 đến khả năng sinh sản của nam giới.

Bệnh nhân COVID-19 bình phục tạm biệt những người cùng phòng trước khi xuất viện tại một bệnh viện ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc). Ảnh: THX

Trung Quốc đã dỡ bỏ phong tỏa với tỉnh Hồ Bắc và sẽ áp dụng điều này với TP Vũ Hán từ ngày 8-4. Một nghiên cứu của tạp chí y khoa The Lancet cho rằng việc Trung Quốc duy trì phong tỏa Vũ Hán đến tháng 4 sẽ giúp kéo dài làn sóng lây nhiễm thứ hai đến cuối năm, giúp các hệ thống y tế có nhiều thời gian hơn để đáp ứng, giảm bớt mất mát nhân mạng. Vì vậy các nhà nghiên cứu đề nghị các nước phương Tây học hỏi Trung Quốc, kéo dài các biện pháp kiềm chế đà lây.

Ý vẫn là nước có dịch nghiêm trọng thứ hai thế giới và thứ nhất châu Âu với 74.348 ca nhiễm (tăng 5.172 ca so với ngày trước), 7.503 người chết (tăng 683 người).

Số người chết trong ngày 25-3 ở Ý (683) ít hơn số người chết trong ngày trước đó (743) nhưng vẫn nhiều hơn ngày trước nữa (601).

Ngày 26-3, Thủ tướng Giuseppe Conte nói cả châu Âu sẽ bị suy thoái nặng nề, nghiêm trọng vì dịch và cần phải có biện pháp đặc biệt để phục hồi.

Mỹ hiện có 68.581 ca nhiễm với 1.036 người chết. Số ca nhiễm mới trong ngày 25-3 ở Mỹ tăng kịch tính tới gần 16.400 ca. Số người chết cũng tăng cả 361 người, mức cao nhất từ đầu dịch tới giờ. Có thể thấy số ca nhiễm ở Mỹ đang tiến đến rất sát số ca nhiễm của nước có dịch nghiêm trọng thứ hai thế giới - Ý và nước có dịch nghiêm trọng nhất thế giới - Trung Quốc.

Bang New York vẫn là tâm dịch của Mỹ với 30.800 ca nhiễm. Trong đó, TP New York đã có tới hơn 20.000 ca nhiễm và 280 người chết - chiếm hơn 1/4 tổng số người chết cả nước. Dù tình hình vẫn đang rất căng nhưng Thống đốc bang New York - ông Andrew Cuomo cho rằng đã có dấu hiệu cho thấy đà lây lan dịch sẽ chậm lại. Đó là tỉ lệ người nhập viện ở New York chậm lại trong những ngày gần đây. Cụ thể, số người nhập viện các ngày 22, 23, 24-3 liên tục giảm dần.

Di chuyển một bệnh nhân COVID-19 vào bệnh viện ở quận Manhattan, TP New York, bang New York (Mỹ) ngày 25-3. Ảnh: REUTERS

Trong khi đó, TP New Orleans ở bang Lousianna có nguy cơ trở thành tâm dịch kế tiếp của Mỹ, khi tỉ lệ tử vong ở đây thuộc hàng cao nhất thế giới. Tính tới chiều 25-3, cả bang Lousianna có 1.750 ca nhiễm, trong đó New Orlands chiếm tới 70%. Đáng chú ý, số ca nhiễm mới ở New Orleans trong 24 giờ qua tăng tới 30%.

Khuya 25-3, Thượng viện Mỹ thông qua gói giải cứu trị giá 2.000 tỉ USD để giúp người dân, doanh nghiệp và hệ thống y tế đương đầu COVID-19. Đây là gói cứu trợ lớn nhất trong lịch sử Mỹ, lớn hơn tổng giá trị gói giải cứu các ngân hàng chịu tác động của cuộc đại suy thoái năm 2008 và các chính sách thúc đẩy hồi phục kinh tế năm 2009 cộng lại. Các lãnh đạo Dân chủ hy vọng dự luật sẽ được Hạ viện thông qua trong ngày 27-3 (giờ Mỹ).

Tây Ban Nha hiện có 56.188 ca nhiễm, trong đó 4.089 người chết.

Số người chết trong ngày 25-3 là 655, đã giảm hơn con số 728 ngày trước đó - mức kỷ lục từ đầu dịch. Tuy nhiên, số ca nhiễm trong ngày 25-3 tới gần 8.600, cho thấy tình hình dịch nước này vẫn rất đáng ngại.

Xe chở xác người chết vì COVID-19 đến một sân trượt băng được trưng dụng làm nhà xác ở Madrid (Tây Ban Nha) ngày 26-3. Ảnh: REUTERS

Đức hiện có 36.508 ca nhiễm (tăng gần 5.000 ca so với ngày trước), 198 người chết (tăng 50 người so với ngày trước).

Có thể thấy tỉ lệ tử vong ở Đức không cao bằng các nước trên. Theo nhà nghiên cứu về virus người Đức Christian Drosten ngày 26-3, điều này nhờ chính phủ Đức thực hiện xét nghiệm quy mô lớn, nhận diện các ca nhiễm nhanh kể cả các ca nhẹ, từ đó điều trị kịp thời. Trung bình Đức thực hiện 500.000 xét nghiệm mỗi tuần.

Xe cấp cứu chở bệnh nhân COVID-19 đến bệnh viện ở Leipzig (Đức) ngày 25-3. Ảnh: REUTERS

Anh hiện có 9.529 người nhiễm với 465 người chết.

Hệ thống y tế Anh sẽ được bổ sung 8.000 máy trợ thở trong tuần tới. 8.000 máy trợ thở đang được đặt hàng.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm