FDA Mỹ cảnh báo tình trạng uống nhầm nước rửa tay

Số liệu từ Hệ thống Dữ liệu Ngộ độc Quốc gia Mỹ cho thấy số vụ ngộ độc vì uống nước rửa tay trong tháng 3 vừa qua tăng 79% so với cùng kỳ năm ngoái. Một phần lớn trong số đó là trẻ em dưới năm tuổi, theo FDA.

Trước tình trạng này, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đã ra cảnh báo và yêu cầu các nhà sản xuất phải thêm một số thành phần gây khó chịu khiến người dùng không thể uống được, theo hãng tin Reuters.

TS Stephen Hahn - Giám đốc Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) phát biểu trong một cuộc họp báo tại Nhà Trắng. Ảnh: REUTERS

Ngoài ra, FDA còn kêu gọi các nhà sản xuất nên thêm cồn biến tính (denatured alcohol) vào trong các sản phẩm nước rửa tay. Thêm cồn biến tính sẽ khiến cho nước rửa tay có vị đắng nhằm ngăn nhiều người, đặc biệt là trẻ em, uống phải.

Cơ quan này cũng khuyến nghị, trên các sản phẩm nước rửa tay, nhà sản xuất cần dán nhãn cảnh báo và thông tin an toàn cho trẻ em cũng như có thông tin về các trợ giúp y tế trong các trường hợp sự cố xảy ra.

Nhằm ngăn ngừa nguy cơ có người uống thuốc rửa tay với suy nghĩ nó có thể chữa COVID-19, ngày 27-4, TS Stephen Hahn - Giám đốc FDA cảnh báo: "Không có bất kỳ chứng nhận là nước rửa tay trị được COVID-19. Nó giống như các sản phảm dùng ngoài da khác, không được dùng để uống, hít hay là tiêm vào tĩnh mạch”.

Sản phẩm nước rửa tay khô gần như hết hàng tại một cửa hàng của nhà bán lẻ CVS. Ảnh: REUTERS

Nhu cầu sử dụng nước rửa tay tăng nhanh sau khi chính phủ và các cơ quan y tế Mỹ khuyên người dân thường xuyên rửa tay để tránh lây nhiễm COVID-19.

Tháng 3-2019, FDA đã nới lỏng các quy tắc cho phép dược sĩ được bán nước rửa tay mà không toa. Việc này được xem là một biện pháp để đảm bảo nguồn cung sản phẩm đến tay người tiêu dùng.

Hiện đã có trên 1.500 nhà sản xuất nước rửa tay có cồn tại Mỹ đã đăng ký với FDA để nâng cao tính an toàn và đảm bảo nguồn cung giữa mùa đại dịch COVID-19 này, theo Reuters.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm