Hãng tin AFP ngày 26-3 cho biết các nhà lãnh đạo thế giới trong nhóm G20 (nhóm các nền kinh tế lớn, chiếm 80% GDP thế giới) đã họp từ xa về COVID-19 và hứa bơm 5.000 tỉ USD để ngăn chặn kinh tế toàn cầu sụp đổ do đại dịch.
Sự gia tăng ca nhiễm COVID-19, những con số thất nghiệp mới nhất đã phá vỡ các kỷ lục, các nền kinh tế lớn nhất thế giới bị đang bị ảnh hưởng nặng nề… là bối cảnh chính của cuộc họp trực tuyến kéo dài hai tiếng, do Saudi Arabia chủ trì.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Charles Michel trong phiên họp G20 ngày 26-3. Ảnh: AP
Các nhà lãnh đạo của G20 cam kết tạo ra một "mặt trận thống nhất" nhằm chống lại sự bùng phát đại dịch, cùng với đó là bơm hơn 5.000 tỉ USD để thúc đẩy nền kinh tế.
"Virus SARS-CoV-2 gây ra dịch COVID-19 không có biên giới. Chúng tôi sẽ bơm hơn 5.000 tỉ USD vào nền kinh tế toàn cầu, như là một phần của các chính sách tài khóa, biện pháp kinh tế và là các kế hoạch bảo đảm nhằm chống lại các tác động đối với xã hội, kinh tế và tài chính do đại dịch” - tuyên bố của các nhà lãnh đạo thế giới nêu rõ.
Quốc vương Salman bin Abdulaziz Al Saud của Saudi Arabia chủ trì cuộc họp trực tuyến ngày 26-3. Ảnh: REUTERS
Ngoài ra, G20 cũng cam kết hỗ trợ mạnh mẽ cho các quốc gia đang phát triển và những khu vực mà COVID-19 đe dọa bùng phát dữ dội như từng xảy ra tại Trung Quốc và bây giờ là châu Âu và Mỹ.
Anh - quốc gia có nhiều đóng góp chính trong các cuộc thảo luận đã đề nghị ủng hộ thêm 210 triệu bảng Anh (hơn 255 triệu USD) để tăng tốc phát triển vaccine. Với khoản tài trợ này, Anh trở thành quốc đóng góp lớn nhất cho liên minh quốc tế tìm kiếm và phát triển vaccine ngừa COVID-19.
Tại cuộc họp, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tập trung vào những vấn đề trong rào cản thương mại với Mỹ, hơn là kích thích tài khóa trong nước của Trung Quốc, theo Guardian. Ông Tập cũng kêu gọi các thành viên G20 nên cắt giảm thuế quan, loại bỏ các rào cản và tạo điều kiện cho dòng chảy thương mại không bị cản trở. Đó là các biện pháp mạnh mẽ nhất để thúc đẩy nền kinh tế thế giới, theo ông Tập.
Thủ tướng Anh Boris Johnson tham dự cuộc họp trực tuyến của G2 hôm 26-3. Ảnh: REUTERS
Theo The Guardian, trước cuộc họp, các nhà lãnh đạo G20 đã bị chỉ trích vì không phản ứng nhanh trước đại dịch COVID-19.
Theo The Guardian, tính đến sáng 27-3 (giờ Việt Nam), toàn thế giới ghi nhận 529.591 ca nhiễm COVID-19, với 23.969 ca tử vong. Đã có hơn 121.285 người đã được chữa khỏi COVID-19.
Từ New York đến Paris hay New Delhi, cuộc sống của khoảng 2 tỉ người đang bị bó hẹp trong nhà do cách ly xã hội, khi các chính phủ các nước đang tăng tốc để kiềm chế sự lây lan đại dịch.