Chiều 2-3, SVBG phối hợp Đại sứ quán Việt Nam tại Thụy Sĩ, và Phòng Thương mại và Công nghiệp bang Geneve (CCIG) tổ chức hội thảo trực tuyến bàn về tình hình kinh tế thị trường ở Việt Nam, nhân dịp kỷ niệm 50 năm quan hệ Việt Nam-Thụy Sĩ (1971-2021).
Chương trình hội thảo có sự tham gia của Đại sứ Việt Nam tại Thụy Sĩ - bà Lê Linh Lan, Chủ tịch sáng lập SVBG Nguyễn Thị Thục, Giám đốc CCIG Vincent Subillia, Tham tán Thương mại Nguyễn Đức Thương và Cố vấn kinh doanh quốc tế công ty tư vấn Dezan Shira & Associates Filippo Bortoletti.
Chương trình hội thảo kéo dài trong hai tiếng. Các đại biểu nói về các ngành kinh doanh chủ chốt và khả năng gia nhập thị trường Việt Nam của các nhà đầu tư nước ngoài, với sự tham gia lắng nghe và đặt câu hỏi của nhiều thính giả quan tâm.
Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp bang Geneve, Thụy Sĩ (CCIG) Vincent Subillia. Ảnh: CCIG
4 yếu tố thúc đẩy hợp tác Việt Nam - Thụy Sĩ
Đại sứ Lê Linh Lan đã trình bày tình hình kinh tế, đầu tư hiện nay của Việt Nam trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang hoành hành, cũng như nêu ra bốn yếu tố tác động đến nền kinh tế Việt Nam và tương lai tiếp tục hợp tác với Thụy Sĩ.
Theo đó, bà Linh Lan khẳng định Việt Nam đã thành công trong việc kiểm soát dịch bệnh và vẫn giữ được nền kinh tế phát triển, tăng hơn 2,9% so với năm 2020 trong khi thế giới vẫn đang rơi vào khủng hoảng. Đây cũng là một trong bốn yếu tố chính tác động đến nền kinh tế của nước nhà.
Ba yếu tố còn lại là quá trình hội nhập kinh tế quốc tế ở Việt Nam đang có những chuyển biến tốt; Việt Nam có tiềm năng trở thành điểm đến mới cho các nhà đầu tư và sản xuất trên toàn cầu; Khả năng số hóa nền kinh tế với sự phát triển công nghệ cao và lực lượng lao động trí thức của Việt Nam.
Đại sứ Việt Nam tại Thụy Sĩ - bà Lê Linh Lan tại Lễ ra mắt Nhịp cầu kinh doanh Việt Nam-Thụy Sĩ (SVBG). Ảnh: TTXVN
Bà Lan cũng đánh giá cao ý nghĩa của việc thành lập SVBG. Theo Đại sứ, đây là lần đầu tiên ra đời một nhịp cầu kinh doanh do người Việt tại Thụy Sĩ sáng lập với mục đích kết nối giao thương giữa hai đất nước. Điều này mang ý nghĩa quan trọng, đặc biệt trong năm kỷ niệm 50 năm quan hệ Việt Nam-Thụy Sĩ.
Bà Lan cũng biểu dương những nỗ lực của Ban lãnh đạo SVBG. Người đứng đầu Đại sứ quán Việt Nam tại Thụy Sĩ khẳng định sẽ luôn đồng hành, ủng hộ các hoạt động của SVBG hiện nay và trong tương lai.
Việt Nam - điểm đến an toàn của đầu tư nước ngoài
Nói về cơ hội đầu tư ở Việt Nam của các doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt là Thụy Sĩ, ông Nguyễn Đức Thương cho biết tốc độ tăng trưởng GDP ở Việt Nam vẫn giữ ở mức cao trong năm 2020 dù phải chịu những ảnh hưởng từ dịch bệnh, cũng như mức độ xuất nhập khẩu vẫn trên đà gia tăng.
Ngoài ra, việc Việt Nam có nhiều khu công nghiệp ở toàn đất nước và khả năng hội nhập kinh tế quốc tế mạnh mẽ cùng mạng lưới kết nối kinh tế lớn với hơn 50 đối tác quan trọng đã đưa Việt Nam trở thành địa điểm thu hút đầu tư nước ngoài.
Ông Nguyễn Đức Thương còn viện dẫn số liệu cho thấy có tới 100 tập đoàn, công ty Thụy Sĩ đang có trụ sở ở Việt Nam, với mức tổng đầu tư lên đến gần 2 tỉ USD và giúp tạo nhiều việc làm cho người dân.
Cố vấn kinh doanh quốc tế công ty tư vấn Dezan Shira & Associates Filippo Bortoletti. Ảnh: DEZSHIRA
Để bổ sung thêm, cố vấn kinh doanh quốc tế Dezan Shira & Associates - ông Bortoletti tiết lộ có tới 112 quốc gia đang đầu tư ở Việt Nam, và cơ hội đang ngày càng tăng cao khi Việt Nam tiếp tục phát triển thêm nhiều ngành nghề khác nhau: từ công nghệ điện tử, hóa chất cho đến sản xuất vật liệu.
Tuy nhiên, ông Bortoletti cũng nhắc đến những khó khăn mà các doanh nghiệp nước ngoài gặp phải suốt năm qua trong bối cảnh đại dịch hoành hành.
Ông Nguyễn Chí Toàn, Giám đốc Marketing Khu công nghiệp Việt Nam – Singapore (VSIP), cũng đưa ra những lý do vì sao Việt Nam là một quốc gia phù hợp để các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào. Theo ông Toàn, Việt Nam là một quốc gia ổn định về chính trị, có thị trường lớn và lực lượng lao động trẻ được đào tạo chuyên môn cao.
Ngoài ra, xu hướng tiêu dùng ở Việt Nam cũng đang dần chuyển sang nền tảng trực tuyến, với nhiều trang thương mại điện tử, góp phần nâng cao quá trình số hóa ở nước nhà.
Ông Will Mackereth - Giám đốc Chuỗi cung ứng, Công Ty Nestle Việt Nam. Ảnh: NESTLE
Hoạt động của các doanh nghiệp Thụy Sĩ ở Việt Nam
Để đưa ra ví dụ về hoạt động của các doanh nghiệp Thụy Sĩ ở Việt Nam, ông Will Mackereth - Giám đốc Chuỗi cung ứng, Công Ty Nestle Việt Nam - cho hay hiện có tới gần 4.000 nhân viên đang làm việc cho công ty này ở Việt Nam. Nestle Việt Nam nằm trong top ba cơ sở quốc tế hoạt động tốt của tập đoàn này, với tổng cộng sáu trụ sở công ty tọa lạc ở Việt Nam.
Ông Mackereth còn chia sẻ rằng Nestle đã đem lại cuộc sống hạnh phúc và sức khỏe tốt hơn cho người dân Việt Nam, phát triển cộng đồng và quản lý tài nguyên một cách hiệu quả cho thế hệ tương lai.
Nói riêng về thương hiệu Nestle cà phê, ông Mackereth chia sẻ công ty này đã trồng hơn 46.000 ha cà phê, giảm lượng phân bón hóa học và giúp tăng thu nhập cho nông dân.
“Việt Nam hiện là trung tâm sản xuất, xuất khẩu và nhập khẩu ở châu Á” - ông Mackereth khẳng định.
Logo công ty sản xuất ống hút từ nguyên liệu sạch The Happy Turtle Straw. Ảnh: GOOGLE
Bên cạnh đó, hai nhà đồng sáng lập công ty sản xuất ống hút từ nguyên liệu sạch The Happy Turtle Straw - ông Axel Armellin-Nguyen và ông Nhật Vượng cho biết xu hướng sử dụng các sản phẩm sạch ở Việt Nam đang ngày càng gia tăng, tạo điều kiện để công ty này phát triển thêm các mặt hàng sạch khác như giày, khẩu trang làm từ bã cà phê, ống hút hay bát, nĩa làm từ tre.
Đôi nét về Hiệp hội phi lợi nhuận với tên gọi “Nhịp cầu kinh doanh Việt Nam - Thụy Sĩ” Hiệp hội phi lợi nhuận với tên gọi “Nhịp cầu kinh doanh Việt Nam - Thụy Sĩ” (tên chính thức SwissVietnamese Business Gateway, gọi tắt là SVBG) được thành lập theo Điều 60 và các điều khoản tiếp theo của Bộ luật Dân sự Thụy Sĩ. SVBG mong muốn thúc đẩy trao đổi, hợp tác thương mại và đầu tư giữa doanh nghiệp Thụy Sĩ và Việt Nam trong khuôn khổ lợi ích kinh tế chung của hai nước và làm sâu sắc thêm mối quan hệ hữu nghị giữa hai dân tộc.
Với vai trò quảng bá, kết nối và hỗ trợ, SVBG tập trung vào các hoạt động sau: - Thông tin cho doanh nghiệp hai nước về tiềm năng kinh tế và cơ hội kinh doanh thương mại và đầu tư của nhau bằng hình thức hội thảo, diễn đàn và các bản tin nội bộ; - Tư vấn, hướng dẫn và hỗ trợ doanh nghiệp bằng mọi biện pháp được cho phép nhằm giúp doanh nghiệp thành công khi đầu tư, giao thương ở nước ngoài; - Phát triển các liên kết, tạo kênh dẫn thuận lợi cho việc hợp tác chuyển giao công nghệ và cải tiến kỹ thuật mang tính chất thương mại giữa các doanh nghiệp và tổ chức của hai nước; - Giới thiệu chuyên gia, kỹ sư lành nghề, nhân công có tay nghề và các dịch vụ thuê ngoài theo nhu cầu của doanh nghiệp; - Tương tác, góp ý và vận động các cơ quan chức năng hai nước tạo môi trường kinh doanh với các điều kiện đầu tư và hoạt động tối ưu cho nhà đầu tư và doanh nghiệp của nhau; - Tổ chức các hoạt động văn hóa, xã hội nhằm hỗ trợ cho các mục tiêu nói trên. |