Hai người đàn ông Indonesia thú nhận với cảnh sát rằng họ đã được trả 300.000 rupiah (tương đương 21 USD) để mua bom xăng, với mục đích "đốt phá các cửa hàng Trung Quốc" ở Jakarta và "kích động cướp bóc".
Hai người này đã bị bắt giữ hôm 28-9 vì tội tàng trữ, vận chuyển và lắp ráp vật liệu nổ. Ngày 30-9, đoạn phim về hai người này được lan truyền trên các phương tiện truyền thông xã hội, trong khi đụng độ giữa hàng ngàn sinh viên và các quan chức cảnh sát vẫn đang tiếp diễn ở thủ đô Jakarta và một số thành phố lớn khác.
Tình trạng bất ổn đã làm rung chuyển Indonesia hơn một tuần qua, sau khi nước này đề xuất những dự án luật mà các nhà phê bình cho rằng có thể làm suy yếu công cuộc chống tham nhũng.
Những người biểu tình phản đối việc sửa đổi bộ luật hình sự, làm tổn hại đến quyền của phụ nữ và của các nhóm thiểu số, cũng như củng cố quyền lực cho nhóm Hồi giáo chiếm đa số trong dân cư nước này.
Bạo loạn diễn ra giữa những người biểu tình và lực lượng cảnh sát Jakarta. Ảnh: AFP
Ngày 2-10, cảnh sát Jakarta cho biết họ đã bắt giữ hơn 500 phần tử bạo loạn sau khi đụng độ bùng phát ngày 30-9, khi cảnh sát dùng đến bình xịt hơi cay để giải tán đám đông.
Hãng thông tấn nhà nước Antara dẫn lời cảnh sát cho biết những người phản đối đã tấn công bằng đá, chai nhựa, pháo và bom xăng. Khoảng 26.000 cảnh sát và binh sĩ đã được huy động tại thủ đô.
Trong hồ sơ điều tra, một người đàn ông tên Ali Udin, đến từ thành phố Bogor ở phía tây Java, cho biết: "Tôi được trả 300.000 rupiah để mua xăng để chế tạo bom nhằm tấn công các cửa hàng Trung Quốc ở Roxy và Grogol và kích động đám đông tiến hành cướp phá, giống như cuộc bạo loạn hồi năm 1998".
Người này đề cập ITC Roxy Mas, một trung tâm thương mại ở tây Jakarta chuyên kinh doanh các loại điện thoại di động với nhiều gian hàng thuộc về nhóm thiểu số người Hoa. Còn Grogol là một quận gần đó, nơi chứng kiến cuộc bạo loạn chống Trung Quốc, dẫn đến sự sụp đổ của chính quyền Tổng thống Suharto cách đây 21 năm.
Một nghi phạm khác, tên là Yudhi Febrian, cũng thú nhận đã nhận 300.000 rupiah để chế tạo bom xăng với mục đích tương tự.
Hai nghi phạm kể trên thuộc nhóm sáu người bị bắt vào cuối tuần vừa qua vì sở hữu, tàng trữ, vận chuyển và lắp ráp vật liệu nổ, một sĩ quan cảnh sát cấp cao cho biết. Trong số đó, có một cựu Đô đốc hải quân đã về hưu, tên Sony Santoso và một giảng viên tại Viện Nông nghiệp Bogor.
Người phát ngôn cảnh sát Jakarta Argo Yuwono cho biết họ đã phát hiện 29 quả bom xăng đang được tàng trữ trong nhà giảng viên này. Trong khi đó, Santoso là ứng viên trong cuộc bầu cử lập pháp hồi đầu năm nay. Ông tham gia Berkarya, chính đảng do con trai cố lãnh đạo Suharto đứng đầu.
Các cơ quan truyền thông địa phương dẫn lời một quan chức cấp cao của đảng này tên Badaruddin Andi Picunang, xác nhận vị cựu đô đốc đã tham gia tranh cử. Tuy nhiên, Badaruddin cho biết tội danh mà Santoso đang bị điều tra là "vấn đề cá nhân của ông ấy, không phải với tư cách thành viên của đảng".
Năm 1998, hơn 1.000 người đã bị giết hại khi bạo loạn nổ ra ở Jakarta, trong bối cảnh khủng hoảng tài chính châu Á làm tê liệt nền kinh tế Indonesia, khiến hàng triệu người bị mất việc.
Nhóm người Hoa là mục tiêu tấn công của những phần tử bạo loạn khi họ cướp bóc, đốt phá và giết chóc một cách điên cuồng. Một số người phải trốn khỏi đất nước, còn nền kinh tế địa phương cũng bị tê liệt.
Những cuộc biểu tình mới nhất ở Indonesia bùng phát chỉ vài tuần trước khi Tổng thống Joko Widodo tuyên thệ nhậm chức nhiệm kỳ thứ hai. Trong hai tuần qua, dù một số cuộc biểu tình vẫn diễn ra trong không khí ôn hòa, đã có hai sinh viên thiệt mạng và hàng trăm người bị thương vì bạo loạn.