Ngày 17-5, Quốc hội Israel đã thống nhất thành lập một chính phủ đoàn kết mới do Thủ tướng Benjamin Netanyahu và “đối thủ cũ” của mình - ông Benny Gantz thay nhau lãnh đạo, theo hãng tin AFP.
Sau hơn 500 ngày không có một chính phủ ổn định với ba cuộc bầu cử không đi đến hồi kết, hôm 17-5, các nhà lập pháp tại Quốc hội gồm 120 ghế của Israel đã chính thức phê chuẩn một chính phủ liên minh ba năm với tỉ lệ 73 phiếu thuận và 46 phiếu chống (một thành viên vắng mặt).
Thủ tướng đương nhiệm Benjamin Netanyahu và "Thủ tướng thay thế" Benny Gantz tại Quốc hội Israel hôm 17-5. Ảnh: THE TIMES OF ISRAEL
Theo thỏa thuận liên minh, Thủ tướng Netanyahu sẽ tiếp tục nhiệm kỳ thứ năm của mình trong 18 tháng tới, còn lãnh đạo đảng Xanh và Trắng Benny Gantz sẽ là "Thủ tướng thay thế" - một vị trí mới trong chính phủ Israel và giữ chức bộ trưởng Quốc phòng.
Đến ngày 17-11-2021, ông Netanyahu và ông Gantz sẽ hoán đổi vai trò với nhau.
AFP cho biết các chức vụ trong nội các đã được giao cho Công đảng, đảng Xanh và Trắng, đảng Likud và các lãnh đạo thuộc các đảng Do Thái bảo thủ.
Những việc chính phủ mới cần giải quyết
Sau khi được thành lập, chính phủ mới của Israel sẽ phải đối mặt với các khủng hoảng nghiêm trọng trong những tuần tới. Đó là sự tổn hại kinh tế do đại dịch COVID-19 gây ra và các vấn đề liên quan đến việc sáp nhập phần lớn lãnh thổ bị chiếm đóng ở Bờ Tây, theo AFP.
Thủ tướng Netanyahu chủ trì cuộc họp nội các đầu tiên của chính phủ mới hôm 17-5. (Ảnh cắt từ clip của THE TIMES OF ISRAEL)
"Nhiệm vụ đầu tiên là giải quyết khủng hoảng sức khỏe do đại dịch COVID-19. Virus vẫn còn tồn tại cho đến khi nào có vaccine" - ông Netanyahu phát biểu trong cuộc họp nội các đầu tiên ngay sau khi chính phủ mới được thành lập.
Theo thống kê từ trang Worldometer, tính đến cuối ngày 17-5 (giờ địa phương), Israel đã ghi nhận 16.617 ca nhiễm và 272 ca tử vong vì COVID-19.
Tờ The Times of Israel cho biết nhiệm vụ trọng tâm thứ hai mà chính phủ mới cần làm là thông qua ngân sách nhà nước và khôi phục kinh tế do khủng hoảng vì đại dịch COVID-19.
Tiếp đến là cuộc đối đầu với Iran và việc xử lý các cuộc điều tra của Tòa án Hình sự quốc tế về cáo buộc Israel có liên quan đến tội ác chiến tranh với người Palestine.
Vấn đề sáp nhập các lãnh thổ của người Palestine ở Bờ Tây
Một trong những việc quan trọng nhất mà chính phủ mới của Israel phải giải quyết đó là các vấn đề ngoại giao xung quanh việc sáp nhập các khu vực mà nước này chiếm đóng ở Bờ Tây, theo AFP.
"Đã đến lúc thực thi luật pháp Israel và viết thêm một chương mới vinh quang khác trong lịch sử của chủ nghĩa Zion (Chủ nghĩa Phục quốc Do Thái - PV)” - ông Netanyahu khẳng định.
Ông Netanyahu nói thêm rằng: “Việc sáp nhập không buộc chúng ta phải xa rời hòa bình, mà nó sẽ mang chúng ta gần nhau hơn”.
Hiện nay có gần ba triệu người Palestine và khoảng 400.000 người Israel sống trong các khu định cư bị coi là “bất hợp pháp” theo luật quốc tế.
Thủ tướng Netanyahu phát biểu trước Quốc hội về thành lập chính phủ mới và vấn đề sáp nhập khu vực bị chiếm đóng ở Bờ Tây. Ảnh: AFP
Trong thỏa thuận liên minh giữa ông Netanyahu và ông Gantz, từ ngày 1-7 tới, chính phủ có thể bắt đầu thực hiện “Kế hoạch hòa bình” do Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra.
Theo “Kế hoạch hòa bình” của ông Trump, vốn bị người Palestine phản đối, Washington cho phép Israel sáp nhập các khu định cư của người Do Thái và các lãnh thổ khác ở Bờ Tây.
Động thái trên được xem là có thể gây thêm căng thẳng ở Bờ Tây và cho cộng đồng quốc tế, theo AFP.
Đại diện cấp cao phụ trách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell nói rằng EU sẽ “sử dụng tất cả năng lực ngoại giao của mình để ngăn cản chính phủ sắp tới của Israel tiến hành việc sáp nhập”.
Thêm vào đó, Jordan tuyên bố nước này có thể rút khỏi “Thỏa thuận hòa bình” năm 1994 với Israel nếu Tel Aviv cố gắng sáp nhập các khu vực biên giới chiến lược quan trọng tại thung lũng Jordan.
Vài ngày trước, trả lời phỏng vấn một tạp chí của Đức, quốc vương Jordan Abdullah II nói: "Nếu Israel thực sự sáp nhập Bờ Tây vào tháng 7 tới đây, chắc chắn sẽ dẫn đến một cuộc xung đột lớn với Jordan".
Thế giới chúc mừng Israel
Ngay sau khi chính phủ đoàn kết Israel được thành lập, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã gửi lời chúc mừng và nói rằng ông sẽ tiếp tục "chính sách tăng cường quan hệ thân thiện và hợp tác cùng có lợi" giữa Nga và Israel.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã đăng những dòng trạng thái trên Twitter bằng cả tiếng Anh và tiếng Do Thái chúc mừng ông Netanyahu và ông Gantz.
Dòng Twitter chúc mừng chính phủ mới của Israel từ Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo. Ảnh: TWITTER
Trong khi đó, đại diện đồng minh thân cận của Israel là Mỹ, Ngoại trưởng Mike Pompeo đã đăng một dòng Twitter chúc mừng với nội dung:
“Chúng tôi nồng nhiệt chúc mừng việc thành lập chính phủ mới của Israel. Chúng tôi vô cùng may mắn khi có những đối tác mạnh mẽ và giàu kinh nghiệm như vậy. Chúng ta sẽ cùng nhau thúc đẩy an ninh và thịnh vượng của các dân tộc”.
Trước đó, trong chuyến đi ngắn ngày đến Israel tuần qua, ông Pompeo nói rằng việc sáp nhập lãnh thổ phụ thuộc vào chính phủ Israel. Ông Pompeo cũng nhấn mạnh muốn tìm hiểu xem chính phủ mới của Israel sẽ hành động như thế nào với việc sáp nhập lãnh thổ.
Đại sứ Mỹ tại Israel - ông David Friedman cũng viết trên Twitter: “Chúc mừng Thủ tướng Netanyahu và ông Benny Gantz. Mỹ mong muốn được làm việc với Israel để tăng cường mối quan hệ bền chặt và không thể phá vỡ của chúng ta”.