Mỹ lo Trung Quốc hiện diện ở Campuchia để ảnh hưởng biển Đông

Lượng khách du lịch và đầu tư của Trung Quốc đổ vào Campuchia đang tăng lên kéo theo nghi ngờ về việc Trung Quốc đang xây dựng lực lượng quân sự ở nước này để nâng tầm ảnh hưởng của mình ở Đông Nam Á.

Dara Sakor là một khu nghỉ mát ven biển mới được Trung Quốc đầu tư ở tỉnh Koh Kong, nằm cách thủ đô Phnom Penh khoảng 400 km về phía tây nam. Khu nghỉ mát này chiếm gần 20% bờ biển của Campuchia.

Các nhà đầu tư Trung Quốc đã ký hợp đồng thuê đất 99 năm từ chính phủ Campuchia và được phép sử dụng 36.000 ha đất trong tỉnh. Điều này đặt ra câu hỏi về ý định của Trung Quốc tại Campuchia.

Công trường xây dựng một khu resort ở Dara Sakor. Ảnh: Bloomberg

Washington đã nhiều lần nêu lên mối quan ngại của mình về vấn đề này với lãnh đạo của Campuchia.

Hãng tin ABS-CBN cho biết vào tháng 11 năm ngoái, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence đã viết thư cho Thủ tướng Campuchia Hun Sen nêu mối lo ngại về sự hiện diện của Trung Quốc và việc quyền sử dụng đất đai ở Koh Kong được trao cho Tập đoàn Union.

Phó trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Joseph Felter cũng như Nghị sĩ Mỹ Steve Chabot cũng bày tỏ quan ngại về sự hiện diện của Trung Quốc tại Campuchia.

Tuy nhiên, cả chính phủ Campuchia và công ty Trung Quốc đều phủ nhận các cáo buộc và tuyên bố rằng không có dự án khác nào ẩn đằng sau dự án lớn này.

Ông Wang Chao, Phó Chủ tịch của Union Group, cho biết dự án trị giá 3,8 tỉ USD này là một phần của "Sáng kiến Một vành đai - Một con đường" của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ông cũng nói dự án này dùng hoàn toàn cho mục đích thương mại và du lịch.

"Dự án này hoàn toàn dành cho mục đích thương mại và du lịch. Tôi có thể đảm bảo với bạn rằng nó hoàn toàn không được xây dựng cho bất kỳ mục đích quân sự nào. Chúng tôi luôn chào đón những người muốn đến đây tham quan để làm rõ điều này" - ông Wang nói.

ABS-CBN cho biết sân bay quốc tế Dara Sakor có đường băng dài 3 km sẽ được khai trương vào tháng 10 năm sau. Sau khi hoàn thành, đây sẽ là sân bay lớn nhất ở Campuchia và sân bay này sẽ có khả năng tiếp nhận các máy bay Boeing 747 và Airbus A380.

Theo thống kê của Campuchia, 2 triệu trong số 6,2 triệu khách du lịch nước ngoài đến thăm Campuchia năm 2018 là người Trung Quốc.

Bộ trưởng Du lịch Campuchia Thong Khon cho biết Campuchia dự kiến sẽ đón 3 triệu khách du lịch Trung Quốc vào năm tới, 5 triệu khách vào năm 2025 và 8 triệu khách vào năm 2030.

Mỹ lo ngại rằng sự hiện diện của Trung Quốc ở đây sẽ tăng khả năng thực thi các yêu sách lãnh thổ và lợi ích kinh tế ở biển Đông của Trung Quốc. 

Dẫn lời một quan chức giấu tên của Mỹ, tờ The Wall Street Journal tháng trước cho rằng Trung Quốc đã ký một thỏa thuận bí mật với Campuchia. Thỏa thuận này cho phép Bắc Kinh sử dụng căn cứ hải quân Ream nằm ở vị trí chiến lược ở phía nam Campuchia.

Theo The Wall Street Journal, quan chức Mỹ đã nhìn thấy một dự thảo ban đầu của thỏa thuận này. Thỏa thuận sẽ cho phép Trung Quốc sử dụng căn cứ này trong 30 năm và được gia hạn tự động sau mỗi 10 năm. Bên cạnh đó, Trung Quốc sẽ có thể gửi nhân viên quân sự, lưu trữ vũ khí để tàu chiến vào neo đậu.

Căn cứ hải quân Ream nằm cách sân bay Dara Sakor không xa. Một số hình ảnh tại sân bay cho thấy dường như nơi đây chuẩn bị xây dựng các lối rẽ đường băng cần thiết để máy bay quân sự cất cánh và hạ cánh nhanh, tờ The Wall Street Journal cho biết.

Ông Phay Siphan, phát ngôn viên chính của chính phủ Campuchia, cũng bác bỏ cáo buộc này. "Thành thật mà nói, Trung Quốc không thể có sự hiện diện quân sự như vậy ở Campuchia vì nó đi ngược lại nguyên tắc ASEAN và Hiến pháp nước này" - ông Phay Siphan nói với Kyodo News.

"Thật không thông minh nếu Campuchia cho phép Trung Quốc làm như vậy. Do đó sẽ không để điều này xảy ra" - ông nói thêm.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm