Mỹ sắp mở văn phòng liên lạc ở Triều Tiên?

Báo The Wall Street Journal dẫn thông tin từ một quan chức chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 18-2 cho biết Mỹ đang cân nhắc mở một văn phòng liên lạc ở Triều Tiên - một bước đi nữa tiến tới bình thường hóa quan hệ trong khi hai bên đang thương lượng giải trừ hạt nhân bán đảo Triều Tiên.

Theo quan chức này, ý tưởng mở văn phòng liên lạc chỉ là một nội dung trong gói đề xuất thương lượng được bàn tới khi ông Stephen Biegun - Đặc phái viên Mỹ về Triều Tiên gặp người đồng cấp Triều Tiên ở thủ đô Hà Nội của Việt Nam trước khi cuộc gặp thượng đỉnh giữa ông Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un diễn ra.

Một số cựu quan chức chính phủ Mỹ cho rằng việc mở văn phòng liên lạc có thể là một cách cải thiện quan hệ mà không phải giảm áp lực kinh tế mà chính quyền Trump muốn duy trì lên Triều Tiên, đến chừng nào nước này từ bỏ các kho vũ khí hạt nhân và tên lửa. Tháng trước, Đặc phái viên Biegun đã khẳng định chuyện Mỹ dỡ bỏ trừng phạt sẽ chỉ xảy ra một khi Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân.

“Chừng mực nào đó, đây là một cử chỉ biểu tượng nhằm cho thấy quan hệ chúng ta đã được cải thiện. Về thực tế thì đây là một ý tưởng tốt vì nếu chúng ta đưa các thanh sát viên sang Triều Tiên thì họ cần có một trụ sở để hoạt động”, theo ông Gary Samore từng là quan chức cấp cao Cơ quan An ninh Quốc gia chuyên về vấn đề vũ khí hủy diệt hàng loạt dưới thời chính quyền của Tổng thống tiền nhiệm Barack Obama.

Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (giữa) thăm các lực lượng vũ trang nước này đầu tháng 2, sẽ gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump vào tuần sau tại Hà Nội. Ảnh: KCNA

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (giữa) thăm các lực lượng vũ trang nước này đầu tháng 2, sẽ gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump vào tuần sau tại Hà Nội. Ảnh: KCNA

Ý tưởng mở văn phòng liên lạc không phải là mới. Năm 1994, chính quyền của Tổng thống Bill Clinton và Triều Tiên từng bàn đến chuyện mở văn phòng liên lạc ở hai nước, khi cùng thương lượng để Triều Tiên phong tỏa, tiến đến phá hủy khả năng sản xuất plutonium để chế tạo bom hạt nhân. Tuy nhiên, kế hoạch này không thành khi các cơ quan an ninh Triều Tiên nói sẽ không cho phép Mỹ dùng chút lợi ích ngoại giao để mang vào Triều Tiên các vật liệu và tài liệu không được thẩm tra, ông Samore nhớ lại.

Ông Robert Einhorn, cựu quan chức cấp cao Bộ Ngoại giao Mỹ từng tham gia thương lượng với Triều Tiên về chương trình tên lửa nước này, cho rằng các văn phòng đại diện “sẽ có giá trị với cả hai bên, nhưng tôi không chắc lần này Triều Tiên có tiếp nhận ý tưởng này chứ không như trước kia không”.

Hiện Bộ Ngoại giao Mỹ và Triều Tiên chưa bình luận về thông tin này. Nếu điều này diễn ra sẽ là bước thuận lợi để Triều Tiên mở một văn phòng liên lạc tại Mỹ. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa rõ Triều Tiên có ủng hộ kế hoạch này hay không, tờ The Wall Street Journal dẫn nguồn tin quan chức Mỹ cho biết.

Thời gian qua, ông Trump từng nhiều lần nói về quan hệ ấm áp mà ông đã thiết lập được với ông Kim, dù tiến trình đàm phán giải trừ hạt nhân bán đảo Triều Tiên giữa hai bên không có nhiều tiến triển kể từ sau cuộc gặp đầu tiên giữa hai lãnh đạo tại Singapore năm ngoái.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm