Mỹ-Nga tổ chức đối thoại hạt nhân, lầu đầu sau hội nghị thượng đỉnh Geneva

Các quan chức cấp cao của Mỹ và Nga đã khởi động lại các cuộc đàm phán hạt nhân và kiểm soát rủi ro, đánh dấu bước chuyển tích cực sau khi nguyên thủ hai nước gặp nhau tại hội nghị thượng đỉnh Geneva (Thụy Sĩ) hồi tháng trước, hãng tin Reuters cho hay.

Ngày 28-7, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman và người đồng cấp Nga Sergei Ryabkov đã lần lượt dẫn đầu phái đoàn của mỗi nước gặp nhau tại Đại sứ quán Mỹ ở Geneva, tiến hành đối thoại ổn định chiến lược về “triển vọng của các biện pháp kiểm soát vũ khí và giảm thiểu rủi ro”.

Dẫn lời ông Ryabkov, hãng thông tấn TASS cho biết cuộc gặp đã có kết quả tích cực khi phía Mỹ đã cử một “phái đoàn ấn tượng, đại diện cho tất cả các bộ ngành” và “sẵn sàng” đối thoại. 

Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) và người đồng cấp Nga Vladimir Putin (phải) trong hội nghị thượng đỉnh Geneva hôm 16-6. Ảnh: REUTERS

Ông Ryabkov nói rằng Mỹ “đã giải quyết 100% chương trình nghị sự của họ”, đồng thời cho biết phía Nga không bất ngờ về cách tiếp cận của Mỹ trong đối thoại ổn định chiến lược lần này.

Cùng ngày, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price nhận xét đối thoại ổn định chiến lược với Nga tại Geneva là “chuyên nghiệp và thực chất”. Ông Price cũng thông báo rằng hai bên sẽ tổ chức các cuộc tham vấn không chính thức để xác định chủ đề cho phiên đối thoại tiếp theo, dự kiến diễn ra trong tháng 9.

Ông Price nói thêm rằng lịch trình tiếp theo của bà Sherman sẽ là tới Brussels (Mỹ) trong ngày 29-7 để thông báo với các đồng minh Khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) về kết quả đối thoại ổn định chiến lược Mỹ-Nga.

Những diễn biến tích cực trong quan hệ Mỹ-Nga đã diễn ra sau khi hai tổng thống Joe Biden và Vladimir Putin tại hội nghị thượng đỉnh Geneva (ngày 16-6) nhất trí tái khởi động đối thoại song phương nhằm “tạo cơ sở cho các biện pháp kiểm soát vũ khí và giảm thiểu rủi ro trong tương lai”.

Hôm 30-6, Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc, ông Vassily Nebenzia đã thông báo về kế hoạch tổ chức đối thoại ổn định chiến lược Nga-Mỹ ngay trong tháng 7.

Một quan chức của Bộ Ngoại giao Mỹ chia sẻ với Reuters rằng việc hai bên đồng ý ngồi lại đàm phán cho thấy cả Washington và Moscow đều hiểu rằng cần giải quyết các tranh chấp về kiểm soát vũ khí hạt nhân.

Mỹ và Nga “biết rằng chúng tôi có trách nhiệm của các quốc gia có vũ khí hạt nhân lớn nhất trong việc tìm cách cải thiện sự ổn định chiến lược để đối phó với cấu trúc kiểm soát vũ khí đang xuống cấp” - quan chức ngoại giao Mỹ nói.

Quan chức này nhắc tới việc sự ổn định chiến lược đã bị “đảo lộn” do sự xuất hiện của các công nghệ mới có thể kết hợp với hệ thống vũ khí hạt nhân như trí tuệ nhân tạo, động cơ siêu thanh (dùng cho cả vũ khí phóng từ máy bay và tàu ngầm)…

Chuyên gia Andrei Beklitskiy thuộc Trung tâm Nghiên cứu cao cấp về Mỹ tại Viện Quan hệ quốc tế quốc gia Moscow (Nga) lưu ý rằng quá trình đối thoại ổn định chiến lược Nga-Mỹ chỉ mới bắt đầu khi hai bên chỉ “gặp nhau, chào hỏi và cố gắng xây dựng một số hiểu biết cơ bản”.

Hồi tháng 2, Mỹ và Nga đã đồng ý gia hạn Hiệp ước Cắt giảm vũ khí chiến lược mới (New START) chỉ vài ngày trước khi thỏa thuận song phương này hết hiệu lực. Hiệp ước giới hạn số lượng đầu đạn hạt nhân, tên lửa và máy bay ném bom chiến lược mà Nga và Mỹ có thể triển khai. Thời gian gia hạn là 5 năm.

Tuy nhiên, Mỹ vẫn cáo buộc Nga đơn phương thử nghiệm vũ khí hạt nhân công suất thấp, vi phạm thỏa thuận song phương. Trong khi đó, Nga quan ngại việc Mỹ đã hoán cải các máy bay ném bom hạng nặng và bệ phóng để phù hợp với việc phóng tên lửa đạn đạo. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm