Tuần trước, tạp chí Defense Weekly dẫn lời ông Viktor Kladov – Giám đốc chính sách hợp tác quốc tế và khu vực của Tập đoàn quốc phòng Rostec (Nga) nói rằng trong vài tuần tới Tổng thống Nga Vladimir Putin có thể sẽ ký bán Su-57E – một biến thể dành cho xuất khẩu của mẫu máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ năm Su-57.
Khách hàng tiềm năng: Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ
Nga có thể sẽ sớm đề nghị Trung Quốc và một số nước khác như Thổ Nhĩ Kỳ mua biến thể Su-57E, hãng Sputnik cho biết. Biến thể Su-57E dự kiến sẽ được ra mắt tháng 11 này tại Dubai thuộc Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, theo chuyên san The Diplomat.
Nga nói Trung Quốc dù có máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm nhưng vẫn bày tỏ sự quan tâm đến Su-57.
“Trung Quốc gần đây đã nhận chuyển giao 24 chiếc Su-35, và trong hai năm tới Trung Quốc sẽ có quyết định có mua thêm Su-35 nữa hay không, hay phát triển và sản xuất Su-35 tại nội địa, hay mua máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 – đây có thể là một cơ hội nữa với Su-57E”, ông Kladov nói tại một cuộc họp báo ở Malaysia.
Tháng 5 năm ngoái, hãng Sputnik đưa tin Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu bày tỏ sự quan tâm đến Su-57 nếu Mỹ không bán F-35 cho nước này liên quan việc Thổ Nhĩ Kỳ muốn mua hệ thống phòng không S-400 của Nga. Gần đây nhất, mới 2 ngày trước Thổ Nhĩ Kỳ bị Mỹ phong tỏa chuyển giao các thiết bị tiêm kích tàng hình đa năng F-35.
Quan tâm đến biến thể máy bay chiến đấu tàng hình Su-57E ngoài Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ, theo báo Asia Times thì còn có Hàn Quốc, Ấn Độ, Brazil và cả Việt Nam.
Nga đang tính chào mời Su-57 đến các khách hàng Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: SPUTNIK
Giống như Su-35 Flanker-E, Su-57 được công ty sản xuất máy bay quân sự Sukhoi của Nga sản xuất. Tháng 7 năm ngoái, Thứ trưởng Quốc phòng Nga Yuri Borisov nói Nga sẽ chưa sản xuất hàng loạt Su-57, chừng nào các máy bay chiến đấu thế hệ thứ tư chưa bị mất tính cạnh tranh trên thị trường thế giới.
Đợt ra lò đầu tiên của Su-57 chỉ hơn chục chiếc, trong đó bốn chiếc được triển khai sang Syria. Hiện Sukhoi đang có 10 chiếc đang trong quá trình thử nghiệm.
“Những chiếc Su-57 PAK FA đã được phép xuất khẩu. Chính phủ đang xem xét hồ sơ liên quan việc đặt lại tên loại máy bay này từ T-50 sang Su-57”, một nguồn tin từ ngành công nghiệp hàng không nói với Sputnik cuối tuần trước.
Thổ Nhĩ Kỳ định mua Su-57 (ảnh) nếu Mỹ không bán F-35. Ảnh: SPUTNIK
Trong một cuộc họp báo hồi tháng 2, ông Alexander Pekarsh, Giám đốc Nhà máy Komsomolsk-on-Amur của Sukhoi, cho biết nhà máy “đang phát triển 2 máy bay theo hợp đồng với Bộ Quốc phòng Nga”. Một chiếc sẽ được chuyển giao trong năm nay, chiếc nữa sẽ được giao năm sau. Hai chiếc này sẽ được đưa vào phục vụ trong Lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga vào năm 2020.
Su-57 cạnh tranh với F-22 và F-35
Su-57 được cho là có thể sánh được với các loại tiêm kích chiến đấu tàng hình F-22 và F-35 của Mỹ vốn do tập đoàn Lockheed Martin sản xuất. Su-57 có thể bay chặng đường dài, được trang bị công nghệ tàng hình, hệ thống radar hoạt động tích cực và có thể thực hiện các chiến dịch tấn công cả trên không lẫn mặt đất.
Tuy thế, giá bán Su-57 chỉ bằng 40% giá của loại F-22, F-35 của Lockheed Martin, nằm từ 40-45 triệu USD/chiếc so với hơn 100 triệu USD/chiếc F-22, F-35, theo The Diplomat.
Tiêm kích tàng hình đa năng F-35 của Mỹ. Ảnh: NATIONAL INTEREST
Trên tạp chí Aerospace Knowledge hồi tháng 2, ông Wang Yongqing, nhà thiết kế trưởng của Viện Thiết kế máy bay Thẩm Dương (Trung Quốc), thừa nhận ông ấn tượng với các tính năng siêu việt của Su-57 nhưng vẫn đặt câu hỏi về khả năng tàng hình thật sự của dòng máy bay này.
Dù Nga nhận định Trung Quốc quan tâm đến dòng máy bay Su-57 nhưng nói với tờ Hoàn Cầu thời báo vào ngày 31-3, ông Xu Guangyu – cố vấn cấp cao tại Hiệp hội Kiểm soát vũ khí và Giải trừ quân bị Trung Quốc, cho rằng nếu Trung Quốc mua loại máy bay này thì chỉ có thể đơn giản vì mục đích nghiên cứu thế mạnh của nước khác.
Viện Thiết kế máy bay Thẩm Dương hiện đang phát triển các mẫu máy bay FC-31 hoặc J-31, các mẫu máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm trở thành mặt hàng máy bay chiến đấu chủ lực của Trung Quốc. Vì thế, Trung Quốc không có nhu cầu đặc biệt với Su-57.
Tiêm kích phản lực thế hệ thứ năm J-31 của Trung Quốc. Ảnh: WIKIPEDIA
Hơn nữa, chín trong 10 phiên bản hiện tại của Su-57 sử dụng động cơ Saturn AL-41F1S già cỗi, không tiết kiệm nhiên liệu như động cơ mới Saturn's Izdeliye 30 hiện vẫn đang trong quá trình phát triển, theo thông tin từ The Diplomat.
Tuy nhiên, một số nước như Ấn Độ không có máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm có thể quan tâm mua Su-57, ông Wang Yongqing - nhà thiết kế trưởng của Viện Thiết kế máy bay Thẩm Dương nhận định.