Hình ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy vụ nổ làm rung chuyển thủ đô của Iran hôm 26-6 có liên quan đến một hệ thống đường hầm ngầm bí mật được cho là địa điểm sản xuất tên lửa, không phải là một cơ sở cất trữ khí đốt như Bộ Quốc phòng nước này xác định trước đó, báo South China Morning Post đưa tin.
Nhiều nghi vấn xung quanh vụ nổ gần thủ đô Tehran
Hiện nguyên nhân vụ nổ chưa được làm rõ. Tuy nhiên, phản ứng bất thường của chính phủ Iran sau đó đặt ra nhiều nghi vấn về nơi xảy ra vụ nổ. Vị trí này được cho là gần khu vực các thanh sát viên quốc tế từng cho là nơi Iran đã thử nghiệm chất nổ để kích hoạt vũ khí hạt nhân cách đây hai thập niên.
Hình ảnh từ vệ tinh chụp nơi xảy ra vụ nổ hôm 26-6. Ảnh chụp màn hình báo SOUTH CHINA MORNING POST/AP
Hình ảnh vệ tinh chụp khu vực xảy ra vụ nổ cho thấy địa điểm này nằm cách thủ đô Tehran khoảng 20 km về phía đông. Vụ nổ khá lớn đã tạo ra một quả cầu lửa sáng rực trong bầu trời đêm, làm rung chuyển nhiều ngôi nhà lân cận và thiêu rụi cây cối trong phạm vi hàng trăm mét.
Truyền hình nhà nước sau đó đã phát sóng một đoạn video cho thấy khu vực nơi vụ nổ xảy ra. Đoạn video cho thấy một trong những nhà báo đứng trước một khu vực rộng lớn với nhiều bình chứa khí gas màu đen. Mặc dù vậy, máy quay chỉ quay tập trung vào một vị trí mà không quay chi tiết những hình ảnh khác xung quanh khu vực xảy ra vụ nổ.
Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Iran Davood Abdi nói rằng vụ nổ là do rò rỉ khí gas và không liên quan đến địa điểm quân sự. Ông cho biết thêm rằng ngọn lửa nhanh chóng được kiểm soát và không có bất kỳ thương vong nào.
Ông Abdi còn mô tả nơi xảy ra vụ nổ là “khu vực công cộng”. Tuy nhiên, sau khi vụ nổ xảy ra, rất nhiều quân đội được điều đến hiện trường thay vì lính cứu hỏa dân sự. Điều này khiến nhiều người nghi ngờ, đặt nghi vấn rằng vụ nổ có thực sự xảy ra tại một cơ sở khí đốt bình thường hay không.
Thêm vào đó, khu vực mà Iran nói là cơ sở cất trữ khí đốt nằm gần cơ sở sản xuất tên lửa Khojir của Iran.
"Vụ nổ dường như đã tấn công một cơ sở của Tập đoàn công nghiệp Shahid Bakeri, nơi chế tạo tên lửa nhiên liệu rắn" - AP dẫn lời ông Fabian Hinz, nhà nghiên cứu tại Trung tâm nghiên cứu không phổ biến vũ khí James Martin, thuộc Viện nghiên cứu quốc tế Middlebury ở TP Monterey, bang California, Mỹ.
Vụ nổ có thể là một vụ thử tên lửa
Trung tâm Nghiên cứu chiến lược Quốc tế có trụ sở tại Washington (Mỹ) xác định rằng Khojir là địa điểm có nhiều đường hầm và có thể trong số đó có một vài đường hầm dùng để lắp ráp vũ khí. Hình ảnh vệ tinh chụp các tòa nhà công nghiệp lớn tại khu vực này cũng cho thấy việc lắp ráp tên lửa đang được tiến hành tại đây.
Vụ nổ xảy ra ở khu vực cách thủ đô Tehran khoảng 20 km. Ảnh: IRIB TV
Cơ quan Tình báo quốc phòng Mỹ (DIA) cho biết Iran là nước có mạng lưới cơ sở ngầm lớn nhất ở Trung Đông. Hầu hết quá trình sản xuất tên lửa đạn đạo của Iran đều diễn ra bên dưới mạng lưới cơ sở ngầm này, DIA cho biết vào năm 2019.
Bản thân các quan chức Iran cũng xác định địa điểm này nằm ở làng Parchin, nơi từng bị nghi ngờ là địa điểm thử nghiệm các vụ nổ liên quan đến vũ khí hạt nhân.
Mặc dù Iran từ lâu đã phủ nhận việc mình nghiên cứu vũ khí hạt nhân nhưng đây vẫn là mối lo ngại của các nước phương tây. Đến năm 2018, Tổng thống Donald Trump đã đơn phương Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran JCPOA vì cho rằng Iran không tuân thủ những cam kết có trong thỏa thuận. Vụ việc sau đó đã dẫn đến một loạt các cuộc tấn công leo thang giữa Mỹ và Iran và cuối cùng Tehran đã từ bỏ giới hạn làm giàu Uranium theo thỏa thuận trước đó.
Các chương trình tên lửa và không gian của Iran đã phải chịu một loạt vụ nổ trong những năm gần đây. Đáng chú ý nhất là vào năm 2011, một vụ nổ xảy ra tại căn cứ tên lửa gần Tehran, làm thiệt mạng Tướng Hassan Tehrani Moghaddam, một chỉ huy của Quân đoàn Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran, cùng 16 người khác.