Ngày 14-12, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Phần Lan Sauli Niinsto về tình hình căng thẳng ở biên giới Nga - Ukraine gần đây, bên cạnh những vấn đề liên quan tới quan hệ song phương.
Theo thông cáo của Điện Kremlin về sự kiện, ông Putin cho biết ông muốn đối thoại thẳng thắn và ngay lập tức với NATO và Mỹ nhằm thiết lập "một sự đảm bảo về mặt pháp lý" cho an ninh của Nga.
Tổng thống Nga Vladimir Putin tham dự một sự kiện ở thủ đô Moscow hồi tháng 12-2019. Ảnh: THE MOSCOW TIMES
Ông cũng yêu cầu NATO phải ngừng việc mở rộng hiện diện quân sự về phía đông và ngừng triển khai khí tài tới các nước xung quanh Nga, bao gồm cả Ukraine. Nhà lãnh đạo Nga còn lên tiếng chỉ trích việc giới lãnh đạo Ukraine gần đây liên tục sử dụng khí tài hạng nặng chống lại phe ly khai ở khu vực Donbass.
Ông Putin tiếp tục bác bỏ mọi thông tin từ phương Tây và Ukraine cho rằng việc Nga tập trung binh sĩ ở biên giới với Ukraine là nhằm chuẩn bị cho một đợt tấn công vào nước này vào đầu năm sau. Ông cho rằng chính NATO mới là bên đang leo thang căng thẳng và những hành động của Nga chỉ là phản ứng lại.
Ông Putin sau đó cùng ngày tiếp tục có điện đàm với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và cũng nhắc lại yêu cầu mở đàm phán với Mỹ và NATO về đảm bảo an ninh cho Nga.
Trước đó, nhà lãnh đạo Nga cũng đưa ra yêu cầu tương tự trong cuộc hội đàm trực tuyến với Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 7-12 và trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Anh Boris Johnson ngày 13-12, hãng thông tấn TASS cho hay.
Tuy vậy, theo Đại sứ Nga tại Anh Andrei Kelin, rất khó có chuyện diễn ra đối thoại theo ý nguyện của ông Putin - nhất là khi các thành viên NATO ở Đông Âu sẽ nỗ lực để đảm bảo rằng toàn khối sẽ thống nhất chung quan điểm không nhượng bộ Nga.
Ông Kelin cũng không loại trừ việc các nước riêng rẽ trong NATO có thể tự thiết lập các căn cứ quân sự ở Ukraine. Đơn cử, lãnh đạo Anh và Ukraine hồi tháng 11 đã ký một thỏa thuận khung cho phép Anh đặt hai căn cứ hải quân ở Ukraine, đổi lại Kiev sẽ mua hai tàu phá mìn từ London.
"Cách mà Anh đang làm tương tự cách Mỹ đặt căn cứ ở châu Á - Thái Bình Dương. Tuy nhiên, hành động như vậy cần phải đi kèm thái độ kiềm chế để tránh leo thang thêm căng thẳng trong khu vực. Không phải nước nào trong NATO cũng đồng tình với Anh và sẽ cho rằng cách tiếp cận như vậy là không thể phù hợp cho an ninh châu Âu" - ông Kelin nhận định.