Các lãnh đạo hàng đầu của Viện Virus học Vũ Hán (TP Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc) khẳng định họ tuân thủ các tiêu chuẩn an toàn sinh học và không làm lây lan dịch bệnh ra bên ngoài, báo South China Morning Post đưa tin.
Phòng thí nghiệm an toàn sinh học cấp độ 4 ở Vũ Hán bị Mỹ và nhiều nước phương Tây cáo buộc là nơi làm lây lan virus SARS-CoV-2, gây ra đại dịch COVID-19.
Trả lời phóng viên báo Science & Technology Daily của Bộ Khoa học và công nghệ Trung Quốc, ông Viên Chí Minh - Giám đốc Phòng thí nghiệm an toàn sinh học quốc gia Vũ Hán khẳng định: "Chúng tôi đã áp dụng một loạt biện pháp để đảm bảo không có virus nào có thể lọt khỏi phòng thí nghiệm".
Hai nhà nghiên cứu thực hiện quy trình an toàn trước khi vào làm việc trong phòng thí nghiệm của Viện Virus học Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. Ảnh: TÂN HOA XÃ
Ông Viên cho biết phòng thí nghiệm luôn tuân thủ hệ thống quản lý chặt chẽ, bao gồm các quy trình nghiêm ngặt về xử lý chất thải và mẫu vật nhiễm khuẩn.
Các quy trình an toàn sinh học trong phòng thí nghiệm ở Vũ Hán
Theo quy định, tất cả nhà nghiên cứu muốn làm việc trong phòng thí nghiệm này đều phải vượt qua các bài đánh giá sức khỏe thể chất và tâm lý hằng năm. Họ cũng phải nhận được giấy phép dành cho nghiên cứu viên ở phòng thí nghiệm an toàn sinh học cấp độ 4 trước khi làm việc ở đó.
Các nhân viên hỗ trợ cũng phải tuân thủ chặt chẽ các quy trình trước và sau khi vào phòng thí nghiệm và đảm bảo các chỉ số sức khỏe như huyết áp và thân nhiệt của họ bình thường. Mỗi khi ra hoặc vào phòng thí nghiệm, những người này phải ký giấy đăng ký và thông báo cho trung tâm quản lý.
Ông Viên cho biết bất kỳ ai muốn vào phòng thí nghiệm phải luôn có ít nhất một người khác làm việc cùng và một khi họ đã ở bên trong phòng thí nghiệm, mọi liên lạc với bên ngoài (nếu phát sinh) phải thông qua trung tâm quản lý.
Quần áo bảo hộ của các nhân viên và nhà nghiên cứu phải được khử trùng và sau đó được rửa lại bằng nước sạch khi các những người này rời khỏi phòng thí nghiệm.
Ông Viên cũng cho biết phòng thí nghiệm sử dụng công nghệ áp suất âm để đảm bảo luồng không khí có thể mang theo mầm bệnh bên trong phòng không thoát ra ngoài.
Hệ thống xử lý không khí tiến hành hai lần lọc trước khi thải khí ra ngoài để tiêu diệt hết các mầm bệnh. Nước thải được đưa qua hệ thống xử lý chuyên biệt ở nhiệt độ cao.
Các chất nhiễm khuẩn khác phải được xử lý trong các máy sử dụng nhiệt độ và áp suất cao trước khi được đưa đến xử lý tại các nhà máy được cấp phép xử lý chất thải y tế.
Tổ hợp các phòng thí nghiệm, trong đó có phòng thí nghiệm an toàn sinh học cấp độ 4, ở TP Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. Ảnh: AFP
Các dụng cụ được sử dụng trong phòng thí nghiệm cũng được các tổ công tác kiểm tra định kỳ mỗi năm một lần.
Phòng thí nghiệm ở Vũ Hán đang làm gì?
Ông Quan Vũ Tường, Phó Giám đốc Viện Virus học Vũ Hán, cho biết các nhà nghiên cứu đang tăng thời gian làm việc để nghiên cứu vaccine phòng ngừa và thuốc đặc trị COVID-19.
Ông Quan cho biết các nghiên cứu đã bắt đầu được tiến hành từ ngày 30-12, khi những trường hợp "viêm phổi không rõ nguồn lây nhiễm" (sau được xác định là các trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2) đầu tiên xuất hiện và được điều trị ở bệnh viện Kim Ngân Đàm (Vũ Hán).
Có 12 nhóm nghiên cứu khác nhau, với sự tham gia của tổng cộng hơn 120 nhà khoa học, đang nghiên cứu về chủng virus này.
Các nhóm này làm việc trong phòng thí nghiệm trong khoảng 6 giờ liền. Trong thời gian đó, họ không thể ăn uống hay thậm chí là đi vệ sinh.
Viện Virus học Vũ Hán đã thử nghiệm 6.500 mẫu và đang phát triển một loại vaccine tiềm năng ở giai đoạn thử nghiệm lâm sàng đầu tiên.
Ông Quan cũng cho biết phòng thí nghiệm an toàn sinh học cấp độ 4 - mức độ quản lý an toàn sinh học cao nhất ở Trung Quốc - được xây dựng ở Vũ Hán sau đại dịch SARS năm 2003 để cải thiện khả năng theo dõi các bệnh truyền nhiễm.
Phòng thí nghiệm được cấp phép nghiên cứu các loại mầm bệnh nguy hiểm nhất hiện nay như virus Ebola, virus Lassa vùng Tây Phi hay virus sốt xuất huyết vùng Crimea-Congo.
Mỹ là nước thường xuyên bình luận về khả năng virus SARS-CoV-2 rò rỉ từ phòng thí nghiệm này. Ngày 5-5, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho hay Mỹ sẽ sớm báo cáo về nguồn gốc của COVID-19 nhưng không nêu thời gian cụ thể.
Phản ứng trước các cáo buộc làm bùng phát dịch COVID-19, chính phủ Trung Quốc và giới khoa học nước này liên tục phủ nhận các cáo buộc này, trong đó có trích dẫn các nghiên cứu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).