Xu hướng các quốc gia Đông Nam Á từ chối làm bãi rác của phương Tây đã tiếp tục với Indonesia. Nước này vừa tuyên bố rằng họ sẽ chuyển tám thùng rác trở lại Úc, đài RT đưa tin.
"Lô hàng" này trước đó được chuyển từ thành phố Brisbane, Úc đến thành phố Surabaya, lớn thứ hai của Indonesia vào giữa tháng 6. Ban đầu, nó được cho là chỉ chứa chất thải giấy để tái chế nhưng các thanh tra viên phát hiện ra rằng nó được trộn lẫn với nhiều loại rác khác nhau, bao gồm rác thải sinh hoạt, điện tử, dầu, chai nhựa và cả tã lót.
Luật pháp Indonesia quy định rằng các lô hàng được tìm thấy có chứa chất gây ô nhiễm phải được gửi trở lại nước xuất xứ. Ảnh: REUTERS
Luật pháp Indonesia quy định rằng các lô hàng được tìm thấy có chứa chất gây ô nhiễm phải được gửi trở lại nước xuất xứ. Một quan chức thông báo tại một sự kiện hôm 9-7 rằng số rác này được coi là quá ô nhiễm để được tái chế và sẽ ngay lập tức được gửi trở lại Úc, sau khi giấy tờ được xử lý.
"Chúng tôi đã kiểm tra cẩn thận số hàng hóa nhập khẩu đáng ngờ và phát hiện ra rằng chúng bao gồm cả chất thải độc hại" - ông Bas Basuki Suryanto của Văn phòng Hải quan và Tiêu thụ đặc biệt Indonesia cho biết.
Indonesia tuần trước thông báo sẽ gửi trả 49 container rác cho Pháp và các nước phát triển. Hồi tháng 5, Malaysia thông báo đã trả 450 tấn rác thải nhựa cho các nước Australia, Bangladesh, Canada, Trung Quốc, Nhật Bản, Arab Saudi và Mỹ. Philippines trả lại khoảng 69 container rác cho Canada vào tháng trước, chấm dứt những tranh cãi ngoại giao giữa hai nước.
Vấn đề vận chuyển chất thải từ nước này sang nước khác đã trở nên phổ biến trong năm qua sau khi Trung Quốc cấm nhập khẩu chất thải nhựa nước ngoài trong một động thái khiến nhiều quốc gia phương Tây phát triển phải vật lộn để tìm nơi gửi rác. Phần lớn chất thải được gửi đến các quốc gia ở Đông Nam Á nhưng sự phản đối nhanh chóng xuất hiện.