17 năm sau khi Hội chứng hô hấp cấp tính nghiêm trọng (SARS) bùng phát và bảy năm kể từ khi Hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS) lần đầu tiên xuất hiện, đến nay vẫn chưa có vaccine phòng bệnh. Vậy nỗ lực để điều chế gấp loại vaccine cho COVID-19 liệu có thành công, báo South China Morning Post (SCMP) đặt câu hỏi.
Chạy đua tìm kiếm vaccine
Hai đợt bùng phát virus Corona trước đó là SARS và MERS. Hiện các nhà khoa học vẫn chưa tìm ra vaccine cho hai loại trên.
Đối với dịch SARS bùng phát vào năm 2003, phải đến tháng 12-2004 thì thử nghiệm vaccine đầu tiên trên cơ thể người mới được tiến hành tại Bắc Kinh. Nhưng vào thời điểm đó, dịch bệnh đã kết thúc và nghiên cứu về các bệnh khác được ưu tiên hơn, nên việc tìm kiếm vaccine cho bệnh SARS được hoãn lại.
COVID-19 có nguồn gốc ở miền Trung Trung Quốc vào tháng 12-2019. Chỉ trong vòng chưa đầy hai tháng, COVID-19 đã lây nhiễm cho gần 80.000 người và cướp đi hơn 2.000 mạng sống. Hiện các viện nghiên cứu và các công ty trên khắp thế giới đang chạy đua tìm ra vaccine tiềm năng ngừa COVID-19.
Với COVID-19, giai đoạn đầu của quá trình lây lan nhanh hơn nhiều so với SARS và MERS. Các nhà nghiên cứu Trung Quốc đã nhanh chóng phân lập chủng và trình tự bộ gen rồi chuyển cho cộng đồng khoa học vào ngày 10-1, trước khi chính phủ Trung Quốc tuyên bố loại virus này có thể lây truyền giữa người vào ngày 21-1.
Vaccine chống COVID-19 sẽ được thử nghiệm trên người vào cuối tháng 4. Ảnh: GENENGNEWS
Vì phải chịu áp lực rất lớn trong việc kiểm soát dịch bệnh, nền kinh tế bị kìm hãm trong nhiều tuần, Trung Quốc sẵn sàng huy động mọi nguồn lực cần thiết cho nghiên cứu khoa học để nhanh chóng dập tắt dịch, theo SCMP. Một lực lượng đặc nhiệm đã được thành lập để phối hợp đối phó với dịch bệnh và việc phát triển vaccine được cho là nhiệm vụ hàng đầu.
"Chúng tôi đã tập hợp tất cả các đơn vị tốt nhất trong cả nước để cùng nhau thúc đẩy phát triển vaccine" - ông Zhang Xinmin, Giám đốc Trung tâm Phát triển công nghệ sinh học thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ Trung Quốc, nói với truyền thông vào ngày 15-2.
Không chỉ nội bộ Trung Quốc, Liên minh đổi mới phòng chống dịch bệnh (CEPI) - một tổ chức được Quỹ Bill & Melinda Gates (Mỹ), tổ chức Wellcome Trust (Anh) hỗ trợ cũng đang tăng tốc để phát triển vaccine cho COVID-19.
Đã bắt đầu đưa vào thử nghiệm vaccine trên động vật
Trên lý thuyết, để xử lý dịch bệnh truyền nhiễm phải hạn chế lây lan kèm với việc tìm ra vaccine. Tuy nhiên, việc phát triển vaccine cần có thời gian vì chúng phải trải qua các thử nghiệm để đảm bảo độ an toàn và hiệu quả.
Chưa đầy hai tháng sau khi COVID-19 mới được xác định vào ngày 7- 1, một số viện nghiên cứu ở Trung Quốc, Mỹ và châu Âu đã bắt đầu thử nghiệm trên động vật.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), năm loại vaccine tiềm năng đã đạt đến giai đoạn tiền lâm sàng, bao gồm nuôi cấy tế bào và thử nghiệm trên động vật.
Trung Quốc vừa tiến hành thử nghiệm vaccine chống COVID-19 trên động vật. Ảnh: XINHUA
Theo thông tin mới nhận, Trung Quốc bắt đầu lên kế hoạch thử nghiệm vaccine trên cơ thể người vào cuối tháng 4. Một nhóm nghiên cứu tại Trường Cao đẳng Hoàng gia London (Anh) cho biết họ hy vọng sẽ bắt đầu thử nghiệm trên người vào mùa hè.
Tiến độ phát triển vaccine kể trên được cho là nhanh chưa từng có. Trong quá khứ, phải mất vài năm để đến giai đoạn thử nghiệm trên cơ thể người.
Như trước đây, trong số 33 ứng viên thử nghiệm vaccine phòng bệnh SARS, chỉ có hai đạt được thử nghiệm lâm sàng trên người, phần còn lại dừng ở giai đoạn tiền lâm sàng. Đối với MERS, chỉ có ba trong số 48 ứng viên vaccine đã đi đến bước thử nghiệm lâm sàng trên người, trong khi những ứng viên khác chỉ thực hiện đến giai đoạn tiền lâm sàng.
Một trở ngại không nhỏ nữa là chi phí cho việc nghiên cứu vaccine cũng rất tốn kém. Theo ông Michael Osterholm, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và chính sách bệnh truyền nhiễm tại Đại học Minnesota (Mỹ), để nghiên cứu thành công vaccine COVID-19 thì chi phí có thể lên đến 1 tỉ USD, bao gồm chi phí phát triển, cấp phép, sản xuất vaccine.