Liên Hiệp Quốc (LHQ) đã cảnh báo rằng việc nhóm tay súng Takfiri đã hành hình mà không qua xét xử dân thường ở đông bắc Syria có thể bị coi là một "tội ác chiến tranh". Và vì Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn cho nhóm này, chính quyền Ankara có thể "phải chịu trách nhiệm" về tội ác này, đài PressTV của Iran đưa tin.
Văn phòng Cao ủy LHQ về Nhân quyền (OHCHR) cho biết ngày 15-10, các nhân viên của họ đang xem xét hai đoạn phim riêng biệt "ghi lại những vụ hành hình được cho là không qua quá trình xét xử do các tay súng thuộc nhóm vũ trang Ahrar al Sharqiya có liên kết với Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành vào ngày 12-10".
Người phát ngôn OHCHR Rupert Colville. Ảnh: LHQ
Người phát ngôn OHCHR Rupert Colville cho biết các thước phim đã được chia sẻ rộng rãi lên mạng xã hội, "cho thấy những tay súng này tự quay lại cảnh hành hình ba tù nhân người Kurd" trên đường cao tốc. "Chỉ một trong số ba tù nhân đang mặc quân phục", ông nói thêm.
Cũng theo ông Colville, OHCHR đã nhận được báo cáo về vụ hành quyết ông Hevrin Khalaf, Tổng thư ký của Phong trào vì tương lai của người Kurd ở Syria, cùng trên chính con đường đó.
Ông còn cho biết LHQ đang cố gắng xác minh những cảnh phim và các thông tin chi tiết về các sự kiện này và nhấn mạnh theo luật pháp quốc tế, "việc hành hình mà không qua xét xử là một hành vi phạm tội nghiêm trọng và có thể bị coi là một tội ác chiến tranh".
Ông cũng cảnh báo rằng: "Thổ Nhĩ Kỳ có thể bị coi là quốc gia chịu trách nhiệm về các hành vi phạm tội của các lực lượng vũ trang có liên hệ với Ankara, nếu nước này kiểm soát hiệu quả hoạt động của các nhóm này hoặc các hành động trong quá trình tội ác được thực hiện".
Vị này cũng kêu gọi Ankara "ngay lập tức khởi động một cuộc điều tra công bằng, minh bạch và độc lập về tất cả các vụ việc này". Thổ Nhĩ Kỳ cũng phải "bắt giữ những người chịu trách nhiệm, mà qua các đoạn phim được chia sẻ trên các phương tiện truyền thông xã hội, có thể xác định một số nhân vật trong nhóm này".
Các chiến binh thuộc Lực lượng Dân chủ Syria (SDF), do người Kurd lãnh đạo, cuối tuần qua cho biết ít nhất chín dân thường đã bị hành hình trong chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ tại khu vực đông bắc Syria.
Cuộc tấn công quân sự mang tên "Chiến dịch Mùa xuân Hòa bình" được Thổ Nhĩ Kỳ phát động vào đêm 9-10 nhằm “dọn sạch” khu vực biên giới có các phần tử khủng bố tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) và SDF do người Kurd lãnh đạo.
Chiến dịch quân sự này của Thổ Nhĩ Kỳ gặp phản ứng mạnh từ Mỹ và Liên minh châu Âu (EU). Mỹ đã ban hành các lệnh trừng phạt nhắm vào nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ. EU cũng lên tiếng chỉ trích, riêng Đức và Pháp đã tuyên bố ngừng bán vũ khí cho Thổ Nhĩ Kỳ, vì chiến dịch quân sự này.
Iran và Nga cũng lên tiếng kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ chấm dứt hành động quân sự của mình ở Syria, nhắc lại nội dung của Hiệp định Adana được ký kết năm 1998. Theo đó, Thổ Nhĩ Kỳ được phép vượt qua biên giới với Syria không quá 10 km để tấn công vào các lực lượng khủng bố, nhưng không được quyền đóng quân lâu dài trên lãnh thổ Syria.
Mới đây, trước nguy cơ giao tranh trực tiếp giữa lực lượng chính quyền Ankara và Damascus, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan cho biết mục tiêu cao nhất của chiến lược quân sự này là quét sạch quân khủng bố và nước này vẫn tôn trọng lãnh thổ của Syria.