Tình hình bên trong Mỹ - tâm dịch COVID-19 mới thế nào?

Tính tới sáng sớm  27-3 (giờ địa phương), Mỹ đang có 85.749 ca nhiễm với 1.304 người chết vì COVID-19, theo số liệu từ trang web thống kê Worldometters. Số ca nhiễm của Mỹ vẫn đứng đầu thế giới, trên cả Trung Quốc (81.340) và Ý (80.589).

Nhân viên y tế chuẩn bị sơ tán các thủy thủ bị bệnh trên một du thuyền đậu ở cảng Miami, bang Florida (Mỹ) ngày 26-3. Ảnh: REUTERS

Dù đứng đầu về số ca nhiễm nhưng số ca tử vong của Mỹ đứng thứ sáu thế giới. Có thể thấy tỉ lệ tử vong của Mỹ vẫn khá thấp so với năm nước đứng trên.

Cụ thể, tỉ lệ tử vong của Mỹ hiện là hơn 1,5%, trong khi đó Ý hơn 10%  (8.215 trong 80.589 ca nhiễm), Tây Ban Nha hơn 7,5% (4.365, trong 57.786 ca nhiễm), Trung Quốc hơn 4% (3.292 trong 81.340 ca nhiễm), Iran 7,3% (2.378 trong 32.332 ca nhiễm), Pháp 5,8% (1.696 trong 29.155 ca nhiễm).

Tâm dịch New York: Dịch chưa qua, bắt đầu nói tới kinh tế

New York vẫn là bang có dịch nặng nhất với gần một nửa số ca nhiễm và 1/3 số ca tử vong của cả nước. Họp báo về COVID-19 ngày 26-3, Thống đốc New York - ông Andrew Cuomo nói số ca nhiễm tăng mỗi ngày nhưng tỉ lệ tăng có giảm là điều khích lệ.

Ông Cuomo có vẻ tự tin hơn về tình hình thiết bị bảo hộ cá nhân tại các bệnh viện, nhưng còn thiết bị y tế hỗ trợ điều trị như máy trợ thở thì vẫn rất thiếu thốn. Hãng tin Reuters cho biết một bệnh viện ở TP New York đã phải thử nối dây chia một cái máy trợ thở sử dụng cùng lúc cho hai bệnh nhân.

Ngoài ra ông Cuomo cũng cho biết một mục tiêu của bang New York là tăng số giường bệnh từ 53.000 hiện tại lên 140.000.

Di chuyển một bệnh nhân vào xe cấp cứu ở quận Manhattan, TP New York, bang New York (Mỹ), ngày 26-3. Ảnh: REUTERS

Ông Cuomo cho biết các chuyên gia y tế đang nghiên cứu để nhận diện kháng thể COVID-19 trong người các bệnh nhân đã hồi phục. Huyết tương có kháng thể của họ có thể sẽ được dùng điều trị cho người bệnh và xây dựng miễn dịch với virus cho họ. Theo lời ông Cuomo, tin mừng là hiện 80% người nhiễm có thể tự hồi phục ở nhà mà không cần phải đến bệnh viện.

Ông Cuomo lệnh yêu cầu dân ở trong nhà “có thể không phải là chiến lược y tế công cộng tốt nhất”. Ông Cuomo nói cách thông minh nhất là có một chiến lược y tế công cộng trong đó có “chiến lược quay lại làm việc”.

“Điều chúng ta đã làm là đóng cửa mọi thứ. Đó là chiến lược y tế công cộng của chúng ta. Chỉ việc đóng cửa mọi thứ, mọi cơ sở làm ăn, người lao động lớn tuổi, người trẻ tuổi, người lớn tuổi, người thấp, người cao. Đóng cửa tất cả trường học, mọi thứ” - ông Cuomo nói tại cuộc họp báo.

"Nếu bạn nghĩ lại hoặc có thời gian phân tích chiến lược y tế công cộng này, tôi không biết các bạn có nói đó là cách ly mọi người hay không. Tôi thậm chí không biết chắc đó có phải là chiến lược y tế công cộng tốt nhất hay không. Người trẻ cách ly cùng người già có thể không phải là chiến lược y tế công cộng tốt nhất, vì người trẻ có thể lây bệnh cho người già” - ông Cuomo nói thêm.

Ông Cuomo nhấn mạnh tính cần thiết của cả y tế công cộng và tăng trưởng kinh tế: “Chúng ta phải làm cả hai điều này. Chúng ta sẽ nghiên cứu nó”.

Ông Cuomo cũng nhắc đến số liệu thống kê thất nghiệp, cho thấy có tới 3,3 triệu người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp trong tuần rồi. Con số này gần gấp 5 so với số 695.000 người đệ đơn xin trợ cấp thất nghiệp thời suy thoái năm 1982.

Các bang Washington, California thêm nghiêm trọng

Lệnh yêu cầu ở trong nhà tại bang Washington – bang có dịch đầu tiên ở Mỹ và hiện là một trong những bang có dịch nặng nhất Mỹ với 3.200 ca nhiễm và 147 người chết – sẽ hết hạn vào ngày 6-4. Ngày 26-3 Thống đốc Jay Inslee nói ông có thể kéo dài thêm, vì nhận thấy lệnh này có hiệu quả ở khu vực TP Seattle.

Nhân viên y tế tại một điểm xét nghiệm COVID-19 ở TP Seattle, bang Washington (Mỹ) ngày 26-3. Ảnh: REUTERS

Tỉ lệ lây nhiễm của California - bang đông dân nhất nước Mỹ - gần bằng New York. Tình hình các TP Los Angeles, San Francisco đều rất nghiêm trọng.

Thống đốc bang California - ông Gavin Newsom nói số người được xét nghiệm ở bang này vẫn còn hạn chế - chỉ mới 66.800 người. Khả năng số ca nhiễm ở California sẽ còn tăng cao một khi bang mở rộng xét nghiệm.

Điểm nóng mới: bang Lousianna

Bên cạnh New York, Washington và California, bang Lousianana cũng đang ngày càng báo động với làn sóng lây nhiễm ngày càng mạnh.

Nhu cầu máy trợ thở ở Lousianna đặc biệt ở TP New Orleans tăng lên gấp đôi. Hiện 80% bệnh nhân cấp cứu COVID-19 ở Lousianna phải dùng máy trợ thở, so với tỉ lệ thông thường là 30%-40%.

Thống đốc John Bel Edwards nói đến ngày 2-4 các bệnh viện New Orleans sẽ không còn máy trợ thở, và đến ngày 7-4 thì sẽ không còn giường, “nếu chúng ta không sớm làm thẳng đường cong”.

“Đây không phải là phỏng đoán, cũng không phải là giả thuyết mong manh, Đây là cái sẽ xảy ra” - Thống đốc Edwards nói khi họp báo ngày 26-3.

Mỹ sẽ có thay đổi trong hướng dẫn chống dịch

Đến thời điểm này đã có năm bang New York, California, New Jersey, Connecticut và Illinois ra sắc lệnh hành pháp yêu cầu đóng cửa mọi cơ sở kinh doanh không thiết yếu, đề nghị người dân làm việc tại nhà trừ khi làm trong các ngành thiết yếu.

Theo lời Phó Tổng thống Mike Pence ngày 26-3, cuối tuần này Tổng thống Donald Trump sẽ nhận bản đề xuất từ các cố vấn về các bước đi tiếp theo trong cuộc chiến chống COVID-19 cũng như kích thích lại kinh tế.

Tổng thống Mỹ Donald Trump họp báo về COVID-19 tại Nhà Trắng ngày 26-3. Ảnh: REUTERS

Trong lá thư viết gửi đến các thống đốc ngày 26-3 ông Trump nói chính phủ ông đang làm việc tiến tới ra một bộ hướng dẫn mới để tư vấn thống đốc các bang về các thay đổi trong việc giữ khoảng cách xã hội, áp dụng với mức rủi ro lây nhiễm ở từng địa phương (cao, vừa, thấp).

Ngày 16-3 Nhà Trắng ban hành chính sách “15 ngày kiềm hãm đà lây” với các hướng dẫn giữ khoảng cách xã hội, làm việc tại nhà khi có thể, tránh tụ tập hơn 10 người. Chính sách này sẽ kết thúc vào ngày 30-3. Chưa rõ hướng dẫn mới sẽ thế nào.

 Một hy vọng trong ngày 26-3 là Tiến sĩ Anthony Fauci - Giám đốc Viện các bệnh dị ứng và truyền nhiễm quốc gia Mỹ cho rằng thời tiết ấm lên khi hè tới có thể giúp kiềm dịch, dù virus có thể xuất hiện lại vào mùa đông.

“Chúng tôi hy vọng chúng ta sẽ có một sự thuyên giảm khi đến tháng 4, 5, 6” - ông Fauci nói trên đài phát thanh WNYC.

Tuy nhiên, dựa vào phân tích dữ liệu từ chính phủ và các bệnh viện, trường Y đại học Washington ước tính rằng COVID-19 có thể sẽ giết hơn 81.000 người ở Mỹ trong bốn tháng tới và dịch sẽ chưa giảm cho đến tháng 6.

Số bệnh nhân nhập viện dự kiến sẽ đạt đỉnh cả nước trong tuần thứ hai của tháng 4, kế đó sẽ có thêm nhiều bang đạt đỉnh. Đến tháng 6, số người chết mỗi ngày có thể giảm nhiều, nhưng ít nhất cũng tầm 10 người/ngày.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm