Tình hình đại dịch COVID-19 tính đến sáng 18-3

Tính đến 6 giờ 30 sáng 18-3, tờ South China Morning Post dẫn nguồn Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc ghi nhận toàn thế giới có 7.790 người tử vong vì đại dịch viêm đường hô hấp cấp do virus SARS-CoV-2 gây ra (tên chính thức là đại dịch COVID-19), 187.665 ca nhiễm.

Như vậy, so với ngày 17-3, số ca tử vong tăng 375 người, số ca nhiễm tăng 4.610 người. Hiện đại dịch đã lan ra 165 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Các cơ quan y tế Trung Quốc cũng cho biết có 79.835 bệnh nhân đã được xuất viện sau khi điều trị và cho kết quả âm tính, tăng 197 người so với ngày 17-3.

Bệnh nhân nhiễm COVID-19 được di chuyển ở BV Emile Muller thuộc TP Mulhouse, Pháp ngày 15-3. Ảnh: AFP

EU đóng cửa biên giới với các nước ngoài khối 30 ngày

Theo đài CNN, Liên minh châu Âu (EU) ngày 18-3 (giờ Việt Nam) đã chính thức áp đặt lệnh cấm nhập cảnh trong 30 ngày đối với những người không phải công dân EU nhằm đối phó với sự bùng phát của đại dịch COVID-19. 

Phát biểu sau cuộc họp trực tuyến với lãnh đạo các nước EU, Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Charles Michel nhấn mạnh EU và các nước thành viên sẽ làm bất kỳ điều gì để ứng phó với các thách thức hiện nay.

Việc đi lại trong nội khối giữa các nước thành viên với nhau tạm thời chưa bị cấm. Công dân và thân nhân của họ ở các nước EU được phép đi qua Đức và điều này cũng áp dụng với các công dân từ Anh, Iceland, Liechtenstein, Na Uy và Thụy Sĩ. Những trường hợp muốn vào vì lý do khẩn cấp như tang lễ hoặc hầu tòa sẽ được cấp phép.

EU cũng tìm cách phối hợp mua thiết bị y tế chung cho các nước thành viên. Các quốc gia thành viên sẽ phối hợp để hồi hương các công dân châu Âu bị mắc kẹt ở nước ngoài bởi vô số lệnh đóng cửa biên giới và cấm giao thông áp được đặt trước sự lan rộng của đại dịch.

Ngoài lệnh cấm trên, tại hội nghị trực tuyến, các nhà lãnh đạo EU cũng đã thảo luận về cuộc chiến chung chống lại những hậu quả nghiêm trọng về kinh tế do đại dịch gây ra, trong đó các nước nhất trí duy trì lưu thông dòng hàng hóa.

Các nhà lãnh đạo EU nhìn chung nhận định đại dịch COVID-19 sẽ gây ra những “hậu quả rất thảm khốc” đối với nền kinh tế.

Le lói chút tích cực từ Ý

Hãng tin Reuters ngày 18-3 dẫn số liệu từ Cơ quan Bảo vệ Dân sự Ý (CPD) ghi nhận trong 24 giờ qua, nước này đã tăng thêm 345 ca tử vong và 3.526 ca nhiễm COVID-19, đưa tổng số người chết lên 2.503 và 31.506 ca nhiễm.

Có thể thấy tuy số ca nhiễm mới tăng đáng kể so với ngày thứ 16-3 nhưng số người chết có giảm đi, bên cạnh đó đã có thêm 192 bệnh nhân hồi phục. Tín hiệu này giúp các nhà chức trách Ý có thêm hy vọng về việc đại dịch ở nước này đang dần tới đỉnh. 

Tuy nhiên, nhận định về diễn biến sắp tới, Giám đốc CPD Angelo Borrelli cho rằng vẫn còn quá sớm để đưa ra đánh giá tổng quát bởi Ý cần hết sức cảnh giác trước khả năng trong những ngày tới dịch lan xuống các tỉnh miền Nam - vốn có hạ tầng y tế yếu kém hơn.

Trong một động thái có liên quan, giới chức Rome cho biết sẽ chi ra 600 triệu euro để quốc hữu hóa hãng hàng không Alitalia, trước đây vốn là hãng hàng không quốc gia của nước này. Thủ tướng Giuseppe Conte cho rằng trong những cuộc khủng hoảng nghiêm trọng như hiện nay, nhà nước cần phải nắm giữ một số tập đoàn trọng điểm.

Mỹ: Ông Trump lạc quan về nền kinh tế, không có ý định phong tỏa

Phát biểu tại cuộc họp báo ở Nhà Trắng hôm 17-3 (giờ địa phương), Tổng thống Mỹ Donald Trump tin rằng nền kinh tế Mỹ dù đang bị COVID-19 tác động sẽ nhanh chóng phục hồi sau khi đại dịch hạ nhiệt. Thậm chí, tiến trình phục hồi này có thể sẽ diễn ra bất chấp đà lây nhiễm của virus, theo tờ The New York Times.

"Chúng ta sẽ chiến thắng dịch bệnh và tôi nghĩ chúng ta sẽ chiến thắng nhanh hơn mọi người nghĩ, tôi hy vọng như vậy", ông Trump nhấn mạnh.

Cùng ngày, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cho biết Tổng thống Trump đang có ý định duy trì các thị trường mở bất chấp cuộc khủng hoảng hiện nay.

Trong khi đó, Thống đốc bang New York Andrew Cuomo cho biết chưa có ý định cách ly hoàn toàn bất kỳ thành phố nào trong bang mặc dù nhiều thành viên trong hội đồng TP New York kêu gọi đây là biện pháp cần thiết, theo đài CNBC.

Việc phong tỏa càng trở nên cấp bách hơn trong bối cảnh đại dịch COVID-19 được dự báo có thể tới ngưỡng đỉnh trong vòng 45 ngày tới.

Hiện chính quyền New York đã phải đề nghị chính quyền liên bang hỗ trợ tiền mặt cho những người bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 dù với hình thức trực tiếp hay gián tiếp bởi thành phố nhiều lắm chỉ có thể trụ được qua mùa hè.

Quyết định đóng cửa 25.000 quán ăn, nhà hàng và các cơ sở này chỉ được phép bán đồ giao cho khách mang đi mà TP New York đưa ra hôm 16-3 sẽ kéo dài ít nhất vài tháng khiến hàng triệu người mất việc.

Kể từ ngày 16-3, 1.800 trường học tại tiểu bang cùng tên đã tạm đóng cửa và chuyển sang học trực tuyến. Các sòng bài, phòng gym cũng đều bị buộc phải đóng cửa và người dân thành phố cũng được thông báo không được tụ tập đám đông quá 50 người. Tuy nhiên, các công viên ở thành phố sẽ vẫn tiếp tục mở cửa.

Tính đến sáng 18-3, Mỹ ghi nhận hơn 5.800 ca nhiễm, 104 trường hợp tử vong. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm