Báo South China Morning Post (SCMP) dẫn số liệu từ Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc (NHC) cho biết tính đến 18 giờ 49 phút ngày 17-3, tổng số ca tử vong trên toàn cầu vì dịch viêm đường hô hấp cấp do virus Corona chủng mới (dịch COVID-19) là 7.415 (tăng 294 so với trưa cùng ngày). Tổng số ca nhiễm là 183.005. Có 79.638 ca chữa khỏi.
Trung Quốc có 80.881 ca nhiễm, trong đó có 3.226 ca tử vong.
Số ca tử vong ngoài Trung Quốc đại lục tính đến thời điểm hiện tại là 4.189. Trong đó, Ý cao nhất với 2.158 ca, Iran 988 ca, Tây Ban Nha 491 ca, Hàn Quốc 81 ca, Nhật Bản 31 ca, Philippines 12 ca, Iraq 10 ca, Pháp 148 ca; Thụy Sĩ, Đức 14 ca; Mỹ 71 ca, Anh 55 ca, Hà Lan 24 ca; Na Uy,Thụy Điển, Áo ba ca; Bỉ, Úc, Indonesia năm ca; Đan Mạch, Ai Cập, đặc khu Hong Kong, Algeria bốn ca; Malaysia, Ireland, Argentina, Bulgaria, Ecuador, Morocco hai ca; Canada, Hy Lạp bốn ca; Slovenia, Bahrain, Pakistan, Thái Lan, Luxembourg, Đài Loan, Panama, Albani, Hungary, CH Dominican, Guyana, Sudan, Guatemala, Ukraine một ca; Ba Lan, Ấn Độ, Lebanon ba ca; San Marino chín ca.
Sẽ không có miễn dịch suốt đời với COVID-19
Theo hãng Sputnik, GS Mikhail Shchelkanov - trưởng phòng thí nghiệm sinh thái vi sinh vật của ĐH Liên bang Viễn Đông (FEFU) của Nga nhận định miễn dịch với virus Corona chủng mới gây dịch COVID-19 sẽ không bền vững và không phải là dạng miễn dịch suốt đời.
Nhân viên y tế đưa một bệnh nhân nhiễm COVID-19 thuộc diện chăm sóc đặc biệt vào bệnh viện dã chiến Columbus Covid 2 ở Rome (Ý).
Phát biểu tại cuộc họp của hội đồng bác học tại Trường ĐH Liên bang Viễn Đông, GS Schelkanov nói: "Khả năng miễn dịch với virus Corona chủng mới không phải là suốt đời và không phải là bền vững nhất, như đối với bệnh cúm cũng vậy... Đáng tiếc đây là thực tế phổ biến đối với tất cả loại virus gây ra bệnh về đường hô hấp".
Chuyên gia Trung Quốc: Người nhóm máu A nguy cơ nhiễm COVID-19 cao hơn
Theo một nghiên cứu sơ bộ trên bệnh nhân nhiễm COVID-19 ở Trung Quốc, những người thuộc nhóm máu A dễ bị nhiễm virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh COVID-19 hơn, trong khi những người nhóm máu O thì khả năng kháng virus tốt hơn.
Các chuyên gia Trung Quốc nói những bệnh nhân nhóm máu A có tỉ lệ nhiễm cao hơn và có xu hướng phát triển triệu chứng nặng hơn. Ảnh: SCMP
Theo SCMP, nghiên cứu do nhà khoa học và các bác sĩ đến từ nhiều TP của Trung Quốc bao gồm Bắc Kinh, Vũ Hán, Thượng Hải và Thâm Quyến thực hiện.
Theo đó, các nhà nghiên cứu Trung Quốc đã lấy mẫu máu của hơn 2.000 bệnh nhân nhiễm COVID-19 ở Vũ Hán và Thâm Quyến rồi so sánh các mẫu này với các mẫu máu của những người khỏe mạnh bình thường.
Qua quá trình nghiên cứu, họ phát hiện ra rằng những bệnh nhân nhóm máu A có tỉ lệ nhiễm cao hơn và có xu hương phát triển triệu chứng nặng hơn. Trong khi đó, bệnh nhân nhóm máu O có nguy cơ nhiễm virus thấp hơn đáng kể so với các nhóm máu khác.
“Những người thuộc nhóm máu A cần được tăng cường bảo vệ hệ miễn dịch để giảm nguy cơ nhiễm trùng, được theo dõi thận trọng cũng như liệu trình điều trị tích cực hơn” - chuyên gia nghiên cứu Wang Xinghuan, người đứng đầu nhóm nghiên cứu thuộc Trung tâm Y học tại BV Zhongnan (Vũ Hán), cho hay.
Trong số 206 bệnh nhân tử vong vì COVID-19 tại Vũ Hán thì có đến 85 bệnh nhân nhóm máu A, chiếm tỉ lệ 63%.
TS Gao Yingdai, chuyên gia nghiên cứu đến từ một phòng thí nghiệm ở Thiên Tân, cho rằng nghiên cứu mới có thể hữu ích cho các chuyên gia y tế nhưng người dân cũng không vì thế mà hoang mang.
“Nếu bạn thuộc nhóm máu A, bạn không cần phải hoảng sợ. Điều này không có nghĩa là chắc chắn bạn sẽ bị nhiễm. Còn nếu bạn thuộc nhóm máu O, điều đó cũng không có nghĩa là bạn an toàn tuyệt đối. Bạn vẫn cần rửa tay và làm theo hướng dẫn của cơ quan y tế” - chuyên gia Gao khuyến cáo.
Chuyên gia cảnh báo Mỹ có thể trở thành Ý thứ hai
Theo đài CNN, hai tuần trước, việc giữ khoảng cách giữa người Mỹ với nhau chỉ là một đề nghị. Còn hiện giờ, sau khi số ca nhiễm COVID-19 tại Mỹ tăng lên hơn 3.000 chỉ trong sáu ngày thì ít nhất 12 lãnh đạo TP và tiểu bang đã biến những đề nghị này thành mệnh lệnh.
Một hành khách đi qua một bảng thông tin chuyến bay tại sân bay quốc tế San Francisco (Mỹ). Ảnh: AP
Các quan chức y tế công cộng nhận định Mỹ đã và đang đạt đến điểm bùng phát của dịch COVID-19. Các chuyên gia cảnh báo rằng nếu người dân không thực hiện nghiêm túc lời kêu gọi hành động, Mỹ có thể đối mặt với một kịch bản tương tự như ở Ý. Ý là quốc gia châu Âu ảnh hưởng nặng nhất từ dịch COVID-19 với ít nhất 24.747 ca nhiễm và 1.089 ca tử vong.
“Chúng ta cùng số ca nhiễm mà Ý có hai tuần trước. Chúng ta có một lựa chọn để thực hiện. Chúng ta có thực sự muốn dựa vào những chiến lược giữ khoảng cách xã hội, giảm thiểu và làm phẳng đường cong hay chúng ta chỉ muốn để virus lây lan một cách tự nhiên và cuối cùng giống như Ý?” - Tổng y sĩ Mỹ Jerome Adams nói.
"Làm phẳng đường cong" được đề cập đến ở đây chính là trì hoãn và giảm thấp đỉnh dịch xuống dưới mức mà hệ thống y tế có thể đáp ứng.
Mỹ hiện ghi nhận 4.379 ca nhiễm và 71 ca tử vong. Washington và New York là những bang bị ảnh hưởng nặng nhất ở Mỹ và cả hai bang đều có hơn 900 ca nhiễm. Sau đó là California với 450 ca nhiễm. Tại Mỹ, chỉ có một bang chưa báo cáo ca nhiễm nào là Tây Virginia.
WHO kêu gọi kiểm tra tất cả trường hợp nghi nhiễm COVID-19
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo đại dịch COVID-19 là “cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu của thời đại chúng ta” và kêu gọi các quốc gia kiểm tra tất cả trường hợp nghi nhiễm COVID-19.
Các kệ hàng hết sạch hàng tại một siêu thị ở Gelsenkirchen, Đức. Ảnh: AP
Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesu nói: “Chúng tôi có một thông điệp đơn giản gửi đến tất cả quốc gia: Kiểm tra, kiểm tra và kiểm tra. Kiểm tra mọi trường hợp nghi nhiễm COVID-19. Nếu họ xét nghiệm kết quả dương tính, hãy cách ly họ và tìm ra ai là người đã tiếp xúc gần với họ hai ngày trước khi họ biểu hiện triệu chứng và rồi cũng xét nghiệm những người đó. Chúng ta không thể ngăn chặn đại dịch này nếu chúng ta không biết ai bị nhiễm”.