Tính đến 7 giờ 20 sáng 26-4 (giờ Việt Nam), trang thống kê Worldometer dẫn nguồn cơ quan y tế các nước ghi nhận toàn thế giới đã có 202.976 người tử vong vì đại dịch viêm đường hô hấp cấp do virus SARS-CoV-2 gây ra (tên chính thức là đại dịch COVID-19), trong tổng số 2.913.954 ca nhiễm.
Như vậy, so với tối qua, số ca tử vong tăng 5.206 ca, số ca nhiễm tăng 70.143 ca. Hiện đại dịch đã lan ra 210 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Ngoài ra, thế giới cũng có 834.381 bệnh nhân đã xuất viện sau khi điều trị và cho kết quả âm tính, tăng 24.436 người so với số liệu tối qua.
Đại dịch COVID-19 đã lấy đi 200.000 sinh mạng trên toàn cầu
Sau khi TP Vũ Hán (Trung Quốc) báo cáo ca tử vong đầu tiên liên quan đến dịch COVID-19 từ ngày 10-1, chỉ 91 ngày sau thế giới ghi nhận số ca tử vong vượt 100.000 và chỉ sau 16 ngày nữa con số này đã lên tới hơn 200.000 người.
Nhân viên y tế đang đo thân nhiệt cho một phụ nữ ở New Delhi, Ấn Độ vào ngày 20-4. Ảnh: REUTERS
Theo hãng tin Reuters, ước tính mỗi năm thế giới có 400.000 người chết vì bệnh sốt rét - một trong những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nhất thế giới hiện nay. Như vậy, chỉ sau gần bốn tháng, số người tử vong vì bệnh dịch COVID-19 đã bằng 1/2 số người tử vong vì sốt rét trong một năm.
Trong hơn 200.000 sinh mạng đã bị đại dịch COVID-19 cướp đi, hơn một nửa ở Mỹ, Tây Ban Nha và Ý.
Tính đến sáng 26-4 (giờ Việt Nam), Mỹ đã mất đi hơn 54.000 người vì đại dịch, trong khi ở Ý, Tây Ban Nha và Pháp con số tử vong được thông báo dao động 22.000-26.000 người.
Châu Á và khu vực Mỹ Latinh đã thông báo hơn 7.000 ca tử vong, trong khi tại Trung Đông con số đã lên tới 8.800. Số ca tử vong tại châu Phi khoảng 1.350.
Số người chết vì đại dịch trên toàn cầu tiếp tục tăng với tốc độ 3%-4% liên tiếp trong 10 ngày qua, dù tỉ lệ đó đã có chậm lại so với đầu tháng. Các chuyên gia cho rằng con số tử vong thực sự có thể còn cao hơn con số được báo cáo do nhiều quốc gia không ghi nhận những trường hợp tử vong tại viện dưỡng lão hoặc những nơi khác ngoài bệnh viện.
Mỹ: Nguy cơ dịch bùng phát mạnh hơn rất lớn
Vào ngày 25-4, nhiều người Mỹ đã đổ xô đến các bãi biển lớn ở Mỹ khi chính quyền ở nhiều bang bắt đầu dỡ bỏ lệnh cấm, mặc cho việc Mỹ vừa báo cáo số ca nhiễm COVID-19 cao kỷ lục một ngày trước đó.
Mọi người đổ ra bãi biển của thành phố Huntington (bang California) vào ngày 25-4. Ảnh: REUTERS
Các tiệm làm tóc và một số cửa hàng khác ở bang Georgia, Oklahoma cũng đã mở cửa kinh doanh lại được hai ngày sau một tháng phải đóng cửa vì lệnh cấm.
Nhiều bang khác cũng đang tiến hành các bước mở cửa lại nền kinh tế, mặc cho nhiều chuyên gia y tế lo ngại rằng việc gia tăng tiếp xúc giữa người với người sẽ làm tăng nguy cơ bùng phát dịch trở lại.
Thống đốc bang New York - ông Andrew Cuomo hôm 25-4 đã lặp lại lời cảnh báo rằng việc cho phép các doanh nghiệp mở cửa lại quá sớm là điều rất mạo hiểm.
Thủ tướng Anh sẽ bắt đầu làm việc lại từ tuần sau
Phát ngôn viên của dinh Thủ tướng Anh hôm 25-4 xác nhận rằng Thủ tướng Anh Boris Johnson sẽ trở lại làm việc vào ngày 27-4. Thủ tướng Johnson đã hồi phục hoàn toàn sau khi bị nhiễm COVID-19 vào đầu tháng 4 và phải chữa trị tại bệnh viện.
Thủ tướng Johnson sẽ trở lại làm việc trong bối cảnh nền kinh tế nước Anh đang đình trệ do đất nước phải phong tỏa nhiều ngày để kiềm chế sự lây lan của virus SARS-CoV-2. Bên cạnh đó, tình hình dịch bệnh ở Anh vẫn còn phức tạp và số người chết vẫn tiếp tục tăng.
Hôm 25-4, Anh báo cáo thêm 813 trường hợp tử vong, đưa tổng số ca tử vong ở nước này lên 20.319, cao thứ năm thế giới. Bộ trưởng Nội vụ Anh - bà Priti Patel gọi đó là một cột mốc bi thảm và kêu gọi người dân tiếp tục tuân thủ các quy tắc giãn cách xã hội.
Trong khi đó, nhiều nhà lập pháp muốn dần nới lỏng các hạn chế để vực dậy nền kinh tế đang xuống dốc. Các nhà dự báo ngân sách cho rằng nước Anh có thể đang đối mặt với suy thoái kinh tế sâu nhất trong 300 năm.
Pháp chuẩn bị mở cửa lại nền kinh tế
Đến sáng 26-4, Pháp ghi nhận thêm 1.660 ca nhiễm và 369 ca tử vong do dịch COVID-10, đưa tổng số ca nhiễm và tử vong của nước này lần lượt lên 161.488 và 22.614.
Văn phòng Thủ tướng Pháp Edouard Philippe cho biết thủ tướng sẽ trình bày kế hoạch mở cửa lại đất nước vào ngày 28-4, từ đó chính phủ sẽ tranh luận và đưa ra quyết định cuối cùng.
Thủ tướng Pháp Edouard Philippe phát biểu tại một buổi họp báo tại Paris (Pháp) ngày 19-4. Ảnh: AFP
Tổng thống Emmanuel Macron ra lệnh phong tỏa toàn quốc từ ngày 17-3 để làm giảm sự lây lan của dịch bệnh COVID-19. Lệnh phong tỏa sẽ hết hiệu lực vào ngày 11-5 tới.
Tổng thống Macron nói rằng ông đang nhắm đến việc sẽ giảm bớt một số biện pháp phong tỏa trong giai đoạn đầu mở cửa lại nền kinh tế.
Bộ trưởng Giáo dục Pháp Jean-Michel Blanquer cho biết trên tài khoản Twitter rằng chính phủ đang cân nhắc cho học sinh đi học trở lại sau khi hết thời hạn phong tỏa vào ngày 11-5. Ông Jean-Michel Blanquer cũng dẫn lời hội đồng khoa học tư vấn cho chính phủ rằng các học sinh ở độ tuổi 11-18 nên đeo khẩu trang khi đi học trở lại để phòng ngừa lây nhiễm COVID-19 trong trường học.