Tính đến 6 giờ 15 ngày 28-4 (giờ Việt Nam), trang thống kê Worldometer dẫn nguồn cơ quan y tế các nước ghi nhận toàn thế giới có 211.200 người tử vong vì đại dịch viêm đường hô hấp cấp do virus SARS-CoV-2 gây ra (tên chính thức là đại dịch COVID-19), trong tổng số 3.058.987 ca nhiễm.
Các nhân viên y tế chuẩn bị xét nghiệm COVID-19 tại một ký túc xá dành cho lao động nước ngoài ở Singapore. Ảnh: GETTY
Như vậy, so với tối 27-4, số ca tử vong tăng 3.315 ca, số ca nhiễm tăng 46.554 ca.
Ngoài ra, thế giới ghi nhận 919.727 bệnh nhân COVID-19 được chữa khỏi.
10 quốc gia có số người tử vong vì COVID-19 cao nhất thế giới gồm: Mỹ (56.647), Ý (26.977), Tây Ban Nha (23.521), Pháp (23.293), Anh (21.092), Bỉ (7.207), Đức (6.061), Iran (5.806), Trung Quốc (4.633), Hà Lan (4.518).
10 quốc gia có số người nhiễm COVID-19 cao nhất thế giới: Mỹ (1.007.949), Tây Ban Nha (229.422), Ý (199.414), Pháp (165.842), Đức (158.434), Anh (157.149), Thổ Nhĩ Kỳ (112.261), Iran (91.472), Nga (87.147), Trung Quốc (82.830).
Mỹ: Hơn 1 triệu ca nhiễm, báo động tình trạng uống chất khử trùng ở New York
Một tuần mới trong mùa đại dịch COVID-19 ở Mỹ bắt đầu bằng việc số ca nhiễm vượt mốc 1 triệu và một số thành phố, bang đang chuẩn bị nới lỏng các hạn chế không ra khỏi nhà.
Theo trang thống kê Worldometer, Mỹ hiện có 1.007.949 ca nhiễm và 56.647 ca tử vong do COVID-19.
Nhân viên y tế điều trị một bệnh nhân COVID-19 ở Bệnh viện Stamford tại TP Stamford, bang Connecticut (Mỹ). Ảnh: GETTY
Dù số ca nhiễm tiếp tục tăng, một số tiểu bang và thành phố vẫn chuẩn bị thông báo mở cửa kinh tế trong tuần này. Đội đặc nhiệm ứng phó COVID-19 của Nhà Trắng trích dẫn một mô hình của ĐH Washington và nói rằng không bang nào nên mở cửa kinh tế trước ngày 1-5 và một số bang nên chờ lâu hơn nữa.
Tại bang New York - nơi có dịch nghiêm trọng nhất tại Mỹ, tỉ lệ nhập viện, đặt nội khí quản và tử vong giảm, Thống đốc bang New York - ông Andrew Cuomo, cho biết.
Các quan chức ở tất cả cấp chính quyền đang cân nhắc cách tiến hành và khi nào mở cửa lại cộng đồng.
Tuy vậy, Trung tâm Kiểm soát chất độc New York ghi nhận sự gia tăng các trường hợp người dân uống chất khử trùng, tẩy rửa. Tình trạng này tăng nhiều sau khi Tổng thống Donald Trump hai ngày trước đề nghị rằng ông muốn tìm hiểu cách tiêm chất khử trùng vào cơ thể bệnh nhân COVID-19 nhằm tiêu diệt virus, theo báo Straits Times.
Ông Pedro Frisneda - phát ngôn viên Sở Y tế và Sức khỏe tâm thần TP New York, nói với đài phát thanh NPR rằng trong 18 giờ tính đến 15 giờ ngày 24-4, Trung tâm Kiểm soát chất độc ghi nhận 30 trường hợp, trong đó "chín ca tiếp xúc rõ ràng dung dịch khử trùng Lysol, 10 trường hợp liên quan thuốc tẩy và 11 trường hợp liên quan các chất tẩy rửa gia dụng khác".
Cùng kỳ năm ngoái, số trường hợp được ghi nhận là 13. Hiện chưa rõ các trường hợp mới được báo cáo có nhằm mục đích tiêu diệt COVID-19 hay không.
Tiến sĩ Oxiris Barbot - Ủy viên cơ quan y tế New York, đã cảnh báo người dân New York không tiêm, uống thuốc tẩy hoặc các chất khử trùng khác. Bà cho biết việc nạp chất khử trùng bằng mọi cách, dưới mọi hình thức như tiêm, nuốt hay bôi lên da đều gây hại cho cơ thể.
Châu Âu rục rịch mở cửa trở lại
Các chính phủ ở châu Âu đã bắt đầu tăng cường kế hoạch cho giai đoạn tiếp theo trong cuộc chiến chống COVID-19 khi một số quốc gia thuộc tâm dịch đã ghi nhận số ca tử vong do COVID-19 ít hơn.
Ý và Tây Ban Nha - hai quốc gia có dịch nghiêm trọng nhất tại châu Âu cùng với nước láng giềng Pháp đã rục rịch chuẩn bị mở cửa kinh tế sau nhiều tuần phong tỏa.
Một cụ bà đeo khẩu trang ngồi trên xe buýt ở Berlin (Đức). Ảnh: AP
Thủ tướng Ý Giuseppe Conte hôm 26-4 đã vạch ra thời gian biểu đưa mọi thứ trở lại bình thường. Ông thông báo các nhà máy, công trường xây dựng và các doanh nghiệp có thể nối lại hoạt động ngay sau khi họ áp dụng các biện pháp an toàn chống virus.
Ông Conte cũng nói bắt đầu từ ngày 4-5, công viên sẽ mở cửa lại, các đám tang sẽ được phép tổ chức, vận động viên có thể tiếp tục tập luyện và mọi người có thể đến thăm họ hàng sống trong cùng khu vực. Nếu mọi chuyện suôn sẻ, các cửa hàng và viện bảo tàng sẽ mở cửa vào ngày 18-5, nhà hàng, tiệm cà phê sẽ mở cửa vào ngày 1-6.
Tuy nhiên, ông Conte cảnh báo nếu mọi người không đeo khẩu trang và không tuân thủ các quy tắc giãn cách xã hội, “đường cong truyền nhiễm sẽ tăng trở lại, lúc đó sẽ vượt tầm kiểm soát, số người chết sẽ tăng và chúng ta sẽ gặp thiệt hại kinh tế không thể khắc phục”.
Cũng trong ngày 26-4, tại Tây Ban Nha - nơi dịch COVID-19 đang dịu bớt, đường phố lại vang lên những tiếng la hét vui sướng của trẻ em và tiếng xe đạp sau khi những đứa trẻ dưới 14 tuổi được phép ra đường với sự giám sát của bố mẹ trong 1 giờ.
Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez trong ngày 28-4 sẽ trình bày một kế hoạch chi tiết về việc “xuống thang” lệnh phong tỏa của nước này. Ông Sanchez nói: “Thận trọng tối đa sẽ là kim chỉ nam cho chúng tôi để mở cửa trở lại”.
Một sĩ quan cảnh sát đi xe đạp tuần tra Công viên Victoria ở London (Anh). Ảnh: GETTY
Tương tự như vậy, Thủ tướng Pháp Édouard Philippe cho hay ông sẽ tiết lộ một “chiến lược giải mã quốc gia” vào ngày 28-4.
Các quốc gia châu Âu khác đang tiến xa hơn trong việc nới lỏng các hạn chế. Đức đã cho phép các cửa hàng kinh doanh mặt hàng không thiết yếu và các cơ sở khác hoạt động trở lại hồi tuần qua. Đan Mạch cũng đã mở cửa trường học dành cho học sinh đến lớp 5.
Tại Thụy Sĩ, các tiệm làm tóc, tiệm massage, người bán hoa và trung tâm làm vườn được phép hoạt động trở lại hôm 27-4. Trong khi đó, tại Na Uy, các trường tiểu học cho những học sinh nhỏ tuổi nhất đã mở cửa. Các tiệm làm tóc và bác sĩ da liễu cũng được phép nối lại kinh doanh.
Với hơn 100.000 người tử vong do COVID-19 trong khu vực, châu Âu trở thành khu vực bị ảnh hưởng nặng nhất và đang đối mặt với một cuộc suy thoái tồi tệ nhất trong ký ức.
WHO: COVID-19 còn lâu mới chấm dứt, lo ngại về trẻ em
Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) - ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, ngày 27-4 cảnh báo rằng đại dịch COVID-19 “còn lâu mới kết thúc” và làm gián đoạn các dịch vụ y tế thông thường, đặc biệt là làm gián đoạn việc tiêm chủng cho trẻ em ở những nước nghèo nhất.
WHO lo ngại sự gia tăng trường hợp nhiễm và tử vong do COVID-19 ở châu Phi, Đông Âu, Mỹ Latinh và một số nước châu Á, dù các con số này đã san phẳng hoặc giảm xuống ở một số quốc gia giàu có hơn.
Trụ sở của WHO ở Geneva (Thụy Sĩ). Ảnh: REUTERS
“Chúng ta còn một chặng đường dài phía trước và nhiều việc phải làm” - ông Tedros nói tại một hội nghị trực tuyến ở Geneva (Thụy Sĩ). Ông nói thêm rằng có thể ngăn được làn sóng lây nhiễm thứ hai bằng những hành động đúng đắn.
Ông Tedros lo ngại rằng sức khỏe của trẻ em đang bị đe dọa bởi tác động khẩn cấp của COVID-19 đối với các chương trình vaccine dành cho các bệnh khác.
“Trẻ em có thể có nguy cơ mắc bệnh nặng hoặc tử vong do COVID-19 tương đối thấp nhưng có thể có nguy cơ cao mắc các bệnh khác vốn có thể ngăn ngừa bằng vaccine” - ông Tedros nói.
Khoảng 13 triệu người đã bị ảnh hưởng trên toàn cầu do trì hoãn việc tiêm chủng định kỳ chống lại các bệnh như bại liệt, sởi, dịch tả, sốt vàng và viêm màng não, ông Tedros cho biết.
Việc thiếu hụt vaccine chống lại các bệnh khác được ghi nhận tại 21 quốc gia. Nguyên nhân là do những hạn chế về biên giới và gián đoạn di chuyển giữa mùa dịch COVID-19, ông Tedros dẫn số liệu của Liên minh vaccine toàn cầu GAVI cho biết.
“Số ca mắc bệnh sốt rét ở châu Phi hạ Sahara có thể gấp đôi” - ông Tedros cảnh báo, đề cập tác động tiềm năng của COVID-19 đối với các dịch vụ sốt rét thông thường.
Ông Tedros khẳng định WHO đang làm việc với các quốc gia để hỗ trợ khu vực này.