Tính đến 6 giờ 30 sáng 6-4, trang thống kê Worldometer dẫn nguồn cơ quan y tế các nước ghi nhận trên toàn cầu có 69.346 người tử vong vì đại dịch viêm đường hô hấp cấp do virus SARS-CoV-2 gây ra (tên chính thức là đại dịch COVID-19), 1.269.299 ca nhiễm.
Như vậy, so với ngày 5-4, số ca tử vong tăng 3.510 người, số ca nhiễm tăng 51.209 người. Hiện đại dịch đã lan ra 208 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Thế giới đã có 261.200 bệnh nhân được xuất viện sau khi điều trị và cho kết quả âm tính, tăng 7.451 người so với ngày 5-4.
Nhân viên y tế di chuyển bệnh nhân nhiễm COVID-19 ở thị trấn Watford, Anh ngày 2-4. Ảnh: BBC
Thủ tướng Anh Boris Johnson nhập viện sau 10 ngày cách ly
Thủ tướng Anh Boris Johnson nhập viện ở London vào tối 5-4 (giờ địa phương). Ông bắt đầu xuất hiện một số triệu chứng nhẹ và xác nhận nhiễm COVID-19 từ ngày 27-3 và quyết định tự cách ly tại dinh thủ tướng ở số 10 phố Downing tại London trong bảy ngày.
Thủ tướng Johnson vốn dự kiến sẽ chấm dứt cách ly, quay trở lại làm việc bình thường vào ngày 3-4 sau khi hoàn tất bảy ngày cách ly nhưng hai ngày qua ông phải tiếp tục cách ly vì vẫn còn sốt, đến chiều 5-4 thì nhập viện.
“Theo lời khuyên của bác sĩ, tối nay thủ tướng đã nhập viện để nghỉ ngơi. Đây là một bước đề phòng, khi sau 10 ngày có kết quả dương tính với virus mà thủ tướng vẫn tiếp tục có các triệu chứng” - CNA dẫn thông báo của văn phòng thủ tướng Anh.
Như vậy, việc nhập viện của Thủ tướng Johnson 55 tuổi không phải là cấp cứu và được hiểu là quyết định thận trọng vì các triệu chứng vẫn chưa kết thúc.
Theo văn phòng thủ tướng Anh, nếu Thủ tướng Johnson không còn khả năng lãnh đạo chính phủ thì Ngoại trưởng Dominic Raab sẽ là người thay thế. Nhưng hiện tại dù nhập viện nhưng Thủ tướng Johnson vẫn tiếp tục làm việc, giữ liên lạc, chỉ đạo các bộ trưởng và quan chức.
Thủ tướng Johnson là lãnh đạo thế giới đầu tiên nhiễm COVID-19. Bộ trưởng Y tế Matt Hancock - xác nhận nhiễm COVID-19 sau Thủ tướng Johnson 2 tiếng - đã quay trở lại làm việc từ ngày 3-4 sau một tuần cách ly tại nhà.
Ông Dominic Cummings - cố vấn thân cận của Thủ tướng Johnson cũng đã nhiễm COVID-1 và vẫn đang cách ly.
Trưởng cố vấn y tế của chính phủ - GS Chris Whitty cũng phát triệu chứng bệnh nhưng chưa có thông tin xác nhận ông nhiễm.
Nữ hoàng Anh lên tiếng về đại dịch COVID-19
Trong bài phát biểu trực tiếp trên truyền hình ngày 5-4, nữ hoàng Anh Elizabeth II khẳng định Anh sẽ giành chiến thắng trong cuộc chiến chống lại đại dịch COVID-19 dù có thể còn nhiều khó khăn phía trước, theo tờ The Guardian.
Bà kêu gọi người Anh tiếp tục quyết tâm thực hiện phong tỏa và tự cách ly như cách mà thế hệ cha ông nước này từng trải qua Thế chiến II. "Dù nước Anh trước đây đã đối mặt với nhiều thách thức, song lần này là một khác biệt. Lần này, chúng ta và tất cả quốc gia trên thế giới cùng nỗ lực chung, vận dụng những tiến bộ khoa học vĩ đại và lòng trắc ẩn trong mỗi con người để hàn gắn nỗi đau. Chúng ta sẽ thành công và thành công đó thuộc về tất cả chúng ta” -nữ hoàng Elizabeth II nhấn mạnh.
Bà cũng không quên gửi lời cám ơn đến tất cả nhân viên y tế Anh đang ngày đêm làm việc trên tuyến đầu chống dịch. Nỗ lực của họ sẽ được người dân ghi nhận và đánh giá cao.
"Những giờ làm việc vất vả của các bạn sẽ đem chúng ta trở về gần hơn với cuộc sống bình yên vốn có" - nữ hoàng chia sẻ.
Tính đến sáng 6-4, Anh ghi nhận 47.806 ca nhiễm COVID-19 với 4.934 người tử vong.
Trung Quốc xuất khẩu hơn 4 tỉ khẩu trang, thu lời hơn 1 tỉ USD
Trung Quốc đến nay đã xuất khẩu gần 4 tỉ khẩu trang ra phần còn lại của thế giới khi các hoạt động sản xuất ở nước này dần quay lại nhịp độ bình thường, hãng tin AFP ngày 5-4 cho hay.
Cụ thể, một quan chức hải quan Trung Quốc cho biết nước này đã xuất khẩu 3,86 tỉ khẩu trang, 37,5 triệu bộ trang phục bảo hộ y tế, 16.000 máy thở và 2,84 triệu bộ xét nghiệm COVID-19 đến hơn 50 quốc gia tính từ ngày 1-3. Lợi nhuận thu được đạt 1,45 tỉ USD.
Dù vậy, gần đây nhiều nước tỏ ý lo ngại về chất lượng gia công của trang thiết bị y tế Trung Quốc sản xuất khi tình trạng sản phẩm lỗi xuất hiện ngày càng nhiều.
Đơn cử, Hà Lan tuần trước đã cho thu hồi 600.000 khẩu trang trong lô hàng 1,3 triệu chiếc từ Trung Quốc vì không đạt chuẩn. Bắc Kinh sau đó phản bác rằng nhà sản xuất "đã nêu rõ đây không phải khẩu trang y tế".
Tây Ban Nha tuần trước cũng ngừng sử dụng hàng ngàn kit xét nghiệm nhanh của Công ty Shenzhen Bioeasy Biotechnology (ở Thâm Quyến, Trung Quốc) sau khi phát hiện tỉ lệ chính xác chưa tới 30%.
Theo một quan chức Bộ Thương mại Trung Quốc, hiện tượng các nước đồng loạt lên tiếng về chất lượng “không phản ánh hoàn toàn về sự việc”.
“Trên thực tế, có nhiều yếu tố khác nhau, chẳng hạn như Trung Quốc có các tiêu chuẩn hay thói quen sử dụng khác với các nước. Thậm chí việc sử dụng sai cũng dẫn đến nghi ngờ về chất lượng” - quan chức này cho biết.
Theo tờ South China Morning Post, sau khi nhiều khách hàng phàn nàn về các sản phẩm kém chất lượng, Trung Quốc đã ra quy định yêu cầu các công ty tại nước này phải được Cục Quản lý sản phẩm y tế quốc gia chứng nhận mới được xuất khẩu.