Báo South China Morning Post (SCMP) dẫn số liệu từ Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc cho biết tính đến 6 giờ 11 phút ngày 3-3, tổng số ca tử vong vì dịch viêm đường hô hấp cấp do virus Corona chủng mới (COVID-19) gây ra là 3.084. Tổng số ca nhiễm là 90.182. Có 44.969 ca được chữa khỏi.
Bảng thống kê tình hình dịch COVID-19 trên toàn thế giới của SCMP tính đến 6 giờ 11 phút ngày 3-3.
Tại Trung Quốc, số ca nhiễm và tử vong lần lượt là 80.026 và 2.912.
Có 172 ca tử vong vì dịch COVID-19 được ghi nhận ngoài lãnh thổ Trung Quốc đại lục. Cụ thể, Hàn Quốc 26 ca, Ý 52 ca, Iran 66 ca, Nhật Bản 12 ca (đã tính sáu ca trên du thuyền Diamond Princess neo tại nước này), Pháp bốn ca, đặc khu Hong Kong hai ca, Mỹ sáu ca, Thái Lan một ca, Úc một ca, Anh một ca, Đài Loan một ca, Philippines một ca.
Riêng tại Việt Nam, có 16/16 trường hợp nhiễm đã chữa khỏi và không ghi nhận ca nhiễm mới kể từ ngày 13-2. Hiện có 105 người nghi nhiễm đang được cách ly tại Việt Nam.
Iran: 66 người chết, 1.500 người nhiễm COVID-19
Theo hãng Reuters, trong thông báo được phát trên truyền hình nhà nước Iran hôm 2-3, Thứ trưởng Y tế Iran Alireza Raisi cho biết tính đến nay, 66 người đã tử vong vì dịch COVID-19 tại nước này.
“Các con số mới nhất mà chúng tôi có được là 523 ca nhiễm mới và 12 ca tử vong mới, như vậy cho đến thời điểm hiện tại tổng số người nhiễm là 1.501 và tổng số người chết là 66” - ông Raisi cho biết.
Iran hiện là nước có số ca tử vong vì virus COVID-19 lớn nhất bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc. Iran cũng bị coi là “ổ dịch” COVID-19 tại vùng Vịnh.
Hàng loạt quan chức và nghị sĩ Iran đã bị xác nhận nhiễm COVID-19, trong đó có trường hợp của cố vấn lãnh tụ tối cao Iran Seyed Mohammad Mir-Mohammadi, người đã tử vong hôm 2-3.
Trước đó, cựu Đại sứ Iran tại Vatican - ông Hadi Khosroshahi, cũng đã qua đời vì dịch bệnh này tuần trước.
EU nâng cảnh báo nguy cơ dịch bệnh từ mức vừa phải lên mức cao
Cơ quan kiểm soát dịch bệnh Liên minh châu Âu (ECDC) đã nâng mức cảnh báo về virus COVID-19 từ mức vừa phải lên mức cao, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) - bà Ursula von der Leyen, cho biết ngày 2-3, theo SCMP.
“ECDC hôm nay thông báo rằng mức độ rủi ro đã tăng từ mức vừa phải lên mức cao đối với người dân ở EU. Nói cách khác, virus tiếp tục lây lan” - bà Leyen nói.
Một đàn ông đeo khẩu trang đi qua nhà thờ St.Louis cho người Pháp ở Rome (Ý). Ảnh: AFP
Tính đến ngày 2-3, ECDC ghi nhận 89.006 ca nhiễm trên toàn thế giới tại 68 quốc gia. Riêng tại châu Âu, Ủy viên châu Âu phụ trách sức khỏe và an toàn thực phẩm Stella Kyriakides, cho biết đã xác nhận 2.100 ca nhiễm và 38 ca tử vong tại 18 nước thành viên EU.
Ý là “ổ dịch” nghiêm trọng nhất châu Âu với 2.036 ca nhiễm COVID-19, trong đó có 52 trường hợp tử vong tính đến sáng 3-3.
“Các nước thành viên khác đối mặt với những thách thức khác nhau liên quan tới dịch COVID-19. Ở Ý tình hình không giống như các nước khác” - bà Kyriakides nói.
Bồ Đào Nha xác nhận hai ca nhiễm COVID-19 đầu tiên hôm 2-3. Bệnh nhân đầu tiên là một bác sĩ ở TP Porto được xác nhận dương tính với COVID-19, Bộ trưởng Y tế Bồ Đào Nha Marta Temido nói.
Người đàn ông này có khả năng bị nhiễm virus khi đi du lịch ở Ý, bà Temido nói. Bệnh nhân nhập viện từ tối 1-3 và tình hình đã ổn định, bà Temido nói thêm.
Ca thứ hai là một người đàn ông 33 tuổi vừa trở về từ Tây Ban Nha - nơi số ca nhiễm tính đến ngày 1-3 là 110.
Bà Temido cho hay Bồ Đào Nha có thể chứng kiến tình hình tương tự như ở Ý, song nước này đã chuẩn bị tốt cho tình huống như vậy.
Trong khi đó, toàn bộ 17 thành viên chính quyền vùng Lombardy của Ý sẽ phải làm xét nghiệm sau khi một ủy viên Hội đồng phát triển kinh tế vùng dương tính với virus Corona chủng mới.
Lombardy là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nhất từ dịch COVID-19. Khoảng 90% trong số 1.694 ca nhiễm của Ý tập trung ở khu vực dân cư giàu có của Lombardy, Veneto và Emilia Romagna.
Thống đốc Lombardy Attilio Fontana đã tự cách ly sau khi ủy viên Hội đồng phát triển kinh tế vùng nói trên nhận kết quả dương tính.
Tại Đức, số ca nhiễm COVID-19 đã tăng lên 150, Viện Kiểm soát dịch bệnh chính thức ở Berlin (Đức) báo cáo ngày 2-3.
Tại Công quốc Andorra, chính phủ nước này ngày 2-3 thông báo một người đàn ông 20 tuổi có các triệu chứng nhẹ gần đây đã tới Ý là ca nhiễm COVID-19 đầu tiên được xác nhận tại nước này. Bệnh nhân ở Milan (Ý) gần đây và nhập viện hôm 29-2. Kết quả xét nghiệm cho thấy người này dương tính với virus COVID-19 và vẫn trong viện để xét nghiệm thêm.
Hãng thông tấn RIA (Nga) đưa tin một công nhân Nga vừa từ Ý trở về đã được chẩn đoán mắc COVID-19. Ba công dân Nga khác đang được điều trị ở Nga sau khi họ bị nhiễm virus COVID-19 trên tàu du lịch Diamond Princess neo ở Nhật. Trước đó, hai công dân Trung Quốc được đưa tới bệnh viện ở Nga và được xác nhận nhiễm virus nhưng đã hồi phục.
Một nhân viên y tế mặc đồ bảo hộ hỗ trợ một đàn ông khi anh ta chuẩn bị bỏ phiếu tại một điểm bỏ phiếu đặc biệt dành cho những người đang bị cách ly tại nhà ở Israel. Ảnh: REUTERS
Tại Pháp, Hội chợ sách Paris - sự kiện thường niên lớn nhất của ngành công nghiệp xuất bản của Pháp bị hủy do chính phủ hạn chế các sự kiện ngoài trời có sự tham gia của hơn 5.000 người.
Các nhà tổ chức cho biết hội chợ dự kiến diễn ra từ ngày 20 đến 23-3, thường thu hút hơn 160.000 du khách.
Trong diễn biến liên quan cùng ngày 2-3, Ủy viên châu Âu về các vấn đề kinh tế - ông Paolo Gentiloni tuyên bố EU sẵn sàng triển khai mọi biện pháp có thể để giảm những tác động của dịch COVID-19 đối với nền kinh tế của khu vực.
Tại buổi họp báo ở Brussels (Bỉ), ông Gentiloni cho rằng EU cần mở rộng các biện pháp tài chính ngay tại thời điểm này, "không quá sớm cũng như không quá muộn" để đối phó với dịch bệnh.
Ông cũng nhận định biện pháp kinh tế của Ý nhằm đối phó với dịch bệnh hiện nay là phù hợp và EU sẽ xem xét yêu cầu của chính quyền Rome về việc nới lỏng các nguyên tắc tài chính của EU trên tinh thần thiện chí.
Nga: 24 người nhập viện, 83 người bị cách ly tại nhà ở thủ đô Moscow
Thị trưởng Moscow - ông Sergey Sobyanin, cho biết các bác sĩ đã xác nhận ca nhiễm COVID-19 đầu tiên ở thủ đô Nga và những ai tiếp xúc với đàn ông nhiễm bệnh này đã nhập viện hoặc cách ly.
Ông Sobyanin trong một tuyên bố cho biết trong vòng 24 giờ kể từ khi phát hiện những dấu hiệu nhiễm bệnh đầu tiên ở người đàn ông này hôm 28-1, danh sách toàn bộ những người tiếp xúc gần đây với ông ấy đã được thiết lập, bao gồm người thân, bạn bè, người quen và những hành khách trên cùng chuyến bay từ Ý trở về với người này.
“Sáu người thân và năm người quen biết của bệnh nhân đã nhập viện. Đối với những hành khách trên chuyến bay từ Ý trở về cùng với người này, 13 người đã nhập viện và 83 người bị cách ly” - tuyên bố cho biết.
Công dân Nga nói trên được cho nhiễm COVID-19 trong thời gian du lịch ở Ý. Người này trở về nhà ngoại ô Moscow chỉ hơn một tuần trước và vài ngày sau xuất hiện các triệu chứng nhiễm virus đường hô hấp cấp tính và nhanh chóng được nhập viện.
Triều Tiên có gần 7.000 ca nghi nhiễm virus COVID-19
Triều Tiên đã đưa thêm 3.900 người vào giám sát y tế do xuất hiện các triệu chứng nhiễm virus Corona chủng mới, nâng số người nghi nhiễm COVID-19 đang được theo dõi tại nước này lên 7.000.
Thông tin này được hãng thông tấn Yonhap (Hàn Quốc) dẫn báo Rodong Sinmun - cơ quan ngôn luận của đảng Lao động Triều Tiên ngày 1-3 cho biết.
Công nhân đeo khẩu trang trước một bệnh viện dã chiến đã đóng cửa ở TP Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc) sau khi những bệnh nhân cuối cùng đã xuất viện. Ảnh: REUTERS
Cụ thể, Rodong Sinmun cho biết khoảng 2.420 người ở tỉnh Pyongan Nam và 1.500 người ở tỉnh Gangwon của Triều Tiên đang được giám sát y tế nhằm ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan ở nước này.
Hôm 24-2, Đài phát thanh trung ương Triều Tiên (KCBS) cho hay có khoảng 3.000 người đang được giám sát y tế ở tỉnh Pyongan Bắc, giáp biên giới Trung Quốc.
Tuy nhiên, theo Yonhap, cả Rodong Sinmun và KCBS đều không nói rõ quy trình giám sát y tế đòi hỏi những gì và ai là người phải tuân thủ thủ tục này.
Theo Rodong Sinmun, cơ quan y tế Triều Tiên tăng cường giám sát những người có bệnh tim, bệnh hô hấp và tăng huyết áp. Tờ báo cũng cho biết chính phủ cấp cho những người đang được theo dõi y tế các đồ đạc cần thiết. Thông tin này dẫn đến suy đoán có thể họ được cách ly tại nhà.
Triều Tiên tuần trước cho biết đã cách ly khoảng 380 người nước ngoài để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh và đóng cửa một số cơ sở công cộng.
Triều Tiên đã thực hiện các biện pháp phòng ngừa khá nhanh như thắt chặt biên giới với Trung Quốc và tăng gấp đôi thời gian cách ly lên 30 ngày đối với những người trở về từ nước ngoài.
Mặc dù đến nay vẫn xác nhận chưa có ca nhiễm COVID-19 nào nhưng Triều Tiên vẫn bị coi là nước dễ bị tổn thương trước dịch bệnh do nước này có chung đường biên giới dài với Trung Quốc.