Tình hình dịch COVID-19 tính đến tối 10-5

Tính đến 19 giờ tối 10-5 (giờ Việt Nam), trang thống kê Worldometer dẫn nguồn cơ quan y tế các nước ghi nhận toàn thế giới đã có 280.938 người tử vong vì đại dịch viêm đường hô hấp cấp do virus SARS-CoV-2 gây ra (tên chính thức là đại dịch COVID-19), trong tổng số 4.124.758 ca nhiễm.

Như vậy, so với sáng cùng ngày, số ca tử vong tăng 771 người, số ca nhiễm tăng 27.245 người. Hiện đại dịch lan ra 212 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Ngoài ra, thế giới cũng có 1.452.788 bệnh nhân đã xuất viện sau khi điều trị và cho kết quả âm tính, tăng 18.433 người so với sáng cùng ngày.

Nhân viên y tế tại khu cách ly của một bệnh viện ở TP Seattle, Mỹ ngày 4-5. Ảnh: REUTERS

Cháy bệnh viện điều trị hàng trăm bệnh nhân COVID-19 ở Nga 

Tờ The Moscow Times đến tối 10-5 (giờ Việt Nam) ghi nhận trong 24 giờ qua, Nga có thêm 11.012 người nhiễm COVID-19, đưa tổng số bệnh nhân COVID-19 ở nước này lên 209.688.

Đây là ngày thứ tám liên tiếp Nga ghi nhận số ca nhiễm trong một ngày vượt mốc 10.000 người và hiện là quốc gia có số người nhiễm nhiều thứ năm thế giới - sau Mỹ, Tây Ban Nha, Ý và Anh. 

Hãng tin TASS cho biết sở dĩ số ca nhiễm tăng mạnh thời quan qua là do các cơ quan y tế Nga đẩy mạnh công tác xét nghiệm với hơn 5,2 triệu mẫu bệnh phẩm đã được phân tích. 

Số ca tử vong ở Nga cũng tăng 88 người trong 24 giờ qua, lên 1.915.

Thủ đô Moscow tiếp tục là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất với 109.740 ca nhiễm và 1.068 người chết vì COVID-19. Thị trưởng TP Moscow - ông Sergei Sobyanin mới đây đã tuyên bố kéo dài lệnh phong tỏa Moscow đến hết ngày 31-5 (giờ địa phương). Trong khi đó, lao động Nga trên toàn quốc được nghỉ có trả lương đến hết ngày 11-5 (giờ địa phương), hiện chưa có thông báo gia hạn thêm.

Đáng chú ý, Bộ Tình trạng Khẩn cấp Nga ngày 10-5 ra thông báo một vụ hỏa hoạn đã xảy ra tại BV Spasokukotsky phía Tây Bắc thủ đô Moscow làm ít nhất một người thiệt mạng, theo The Moscow Times. Được biết vào thời điểm xảy ra vụ cháy, bệnh viện này đang điều trị khoảng 700 bệnh nhân COVID-19.

Lửa được cho là đã lan xuống tận khu điều trị tích cực khiến gần 300 người phải sơ tán. Chính quyền Moscow tuyên bố sẽ tích cực điều tra làm rõ nguyên nhân sự việc.

Nhật Bản chuẩn bị thử nghiệm lâm sàng thuốc điều trị COVID-19 mới

Trang thống kê Worldometer đến tối 10-5 (giờ Việt Nam) ghi nhận Nhật Bản trong 24 giờ có thêm 88 ca nhiễm COVID-19 và 17 trường hợp tử vong mới. Tổng số ca tử vong và số nạn nhân thiệt mạng hiện lần lượt là 15.663 ca và 607 người. 

Tờ The Japan Times cùng ngày dẫn lời Bộ trưởng Kinh tế Nhật Bản Yasutoshi Nishimura khẳng định Tokyo đang xem xét khả năng dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp ở một số địa phương không phải là điểm nóng COVID-19 trước khi lệnh này hết hiệu lực vào ngày 31-5 (giờ địa phương). 

Ông Nishimura cũng nhấn mạnh việc dỡ bỏ phải thực hiện với tinh thần cẩn trọng và căn cứ vào số liệu thống kê ở địa phương đó. Cụ thể, thống kê phải cho thấy được là số ca nhiễm và ca tử vong mới thực sự đang giảm và khả năng tái bùng phát thấp. Hiện khoảng 13 tỉnh đáp ứng được tiêu chí này. 

Trong khi đó, đài NHK ngày 10-5 đưa tin các chuyên gia thuộc ĐH Tokyo đang thử nghiệm một loại thuốc tên Futhan trong điều trị các bệnh nhân nhiễm COVID-19.  Futhan lâu nay được dùng để điều trị viêm tụy cấp và các bệnh gây đông máu. 

Việc thử nghiệm dựa trên một số nghiên cứu phát hiện ra rằng sức khỏe của nhiều người nhiễm COVID-19 diễn biến xấu khi cơ thể bắt đầu hình thành nhiều cục máu đông.

Theo NHK, hiện Futhan hiện đang được tiến hành thử nghiệm lâm sàng trên trên 160 bệnh nhân COVID-19 tại Bệnh viện ĐH Tokyo và năm cơ sở y tế khác ở Nhật Bản. Đến nay chưa có kết quả chính thức về tính hiệu quả của loại thuốc này nhưng các thử nghiệm bước đầu trong phòng thí nghiệm cho kết quả khá khả quan. 

Anh: Cần hết sức thận trọng khi tái mở cửa kinh tế

Theo ghi nhận của trang thống kê Worldometer đến tối 10-5 (giờ Việt Nam), Anh trong 24 giờ qua có thêm 3.896 ca nhiễm COVID-19 mới, nâng tổng số bệnh nhân ở đây lên 215.260. Số ca tử vong cũng tăng 346 người, lên 31.587. Hiện Anh là vùng dịch lớn thứ tư thế giới - sau Mỹ, Tây Ban Nha và Ý.  

Cùng ngày, Bộ trưởng Nhà ở Anh Robert Jenrick khẳng định các động thái mở cửa lại nền kinh tế Anh trong thời gian tới sẽ được tiến hành một cách thận trọng và chậm rãi, theo hãng tin Sky News.

Ông Jenrick nhấn mạnh thời điểm nới lỏng các biện pháp hạn chế đi lại sẽ công bố một khi chính phủ nhận thấy tỉ lệ lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng đã giảm. Bên cạnh đó, nếu sau khi nới lỏng mà tỉ lệ tăng trở lại thì London sẽ buộc lòng phải tái áp đặt phong tỏa như trước. 

Thủ tướng Anh Boris Johnson trong tối 10-5 dự kiến tuyên bố kế hoạch dỡ bỏ phong tỏa. Ông đồng thời cũng sẽ công bố một hệ thống cảnh báo để thông báo về cách thức và những nơi có thể được nới lỏng phong tỏa.

Theo hãng tin Sky News, hệ thống cảnh báo dự kiến sẽ bao gồm gồm năm cấp độ - tương tự hệ thống cảnh báo khủng bố để giúp người dân lẫn quan chức nắm được tình hình dịch COVID-19. Bộ trưởng Jenrick cho biết có khả năng Anh đang ở mức cảnh báo thư tư trong hệ thống này.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm