Báo South China Morning Post dẫn thống kê từ Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) cho biết tính đến 19 giờ ngày 23-2, tổng số ca tử vong trên toàn cầu vì dịch viêm đường hô hấp cấp do virus Corona chủng mới (tên chính thức COVID-19) là 2.463, tăng một ca so với số liệu ban sáng và tổng số ca nhiễm là 78.800, tăng 76 ca. Có 23.092 trường hợp được chữa khỏi.
Tính đến nay có 24 ca tử vong được ghi nhận ngoài lãnh thổ Trung Quốc đại lục, gồm tám ca ở Iran, sáu ca ở Hàn Quốc, ba ca ở Nhật, hai ca ở đặc khu Hong Kong, hai ca ở Ý, một ca ở Đài Loan, một ca ở Pháp và một ca ở Philippines.
Số ca nhiễm COVID-19 ở Italy vượt mốc 100, hủy tuần lễ thời trang Milan
Người đứng đầu vùng Lombardy thông báo số ca nhiễm COVID-19 tại đây đã lên 89 trường hợp, nâng tổng số ca nhiễm tại Ý lên hơn 100. Như vậy, với số ca nhiễm COVID-19 tăng đột biến, Ý trở thành nước có nhiều người nhiễm COVID-19 nhất châu Âu.
Ý đã ghi nhận hai trường hợp thiệt mạng tính tới thời điểm này, một người đàn ông và một người phụ nữ đều trong độ tuổi 70.
Thị trấn Codogno, nơi dịch bệnh bùng phát trở nên vắng vẻ. Ảnh: AP
Chính quyền vùng Lombardy cho biết các trường hợp nhiễm bệnh hầu hết đều bắt nguồn từ một người đàn ông 38 tuổi. Vấn đề là người này không hề có lịch sử đi lại tới Trung Quốc và vẫn chưa thể xác định người đàn ông này bị nhiễm bệnh như thế nào.
Lombardy với dân số hơn 10 triệu người và GDP 381 tỉ euro là trung tâm công nghiệp và dịch vụ quan trọng nhất của Ý, có đóng góp quan trọng vào nền kinh tế nước này. Việc dịch bệnh virus COVID-19 bùng phát ở đây có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế đất nước.
Một loạt các thị trấn ở miền bắc Ý đã "đóng cửa", ngừng các hoạt động của trường học, nhà hàng và nhà máy. Thủ phủ của Lombardy là Milan cũng đóng cửa các cơ quan hành chính.
Show diễn thời trang của nhà thiết kế Giorgio Armani, một phần của Tuần lễ Thời trang Milan diễn ra tuần này cũng đã bị hủy. Khách mời được yêu cầu ở nhà và xem buổi trình diễn sẽ được ghi hình trong phòng trống và được phát trực tuyến trên mạng xã hội.
6 người tử vong vì COVID-19 ở Hàn Quốc, 602 ca nhiễm bệnh
Hãng tin Yonhap cho hay tính đến chiều 23-2, Hàn Quốc ghi nhận thêm hai ca tử vong do lây nhiễm COVID-19, nâng số người tử vong tại nước này lên sáu ca. Số người nhiễm bệnh ở nước này là 602 trường hợp, cao thứ ba thế giới.
Trước tình hình trên, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã quyết định nâng cảnh báo dịch bệnh lên mức cao nhất, từ cảnh báo “màu cam” lên cảnh báo “đỏ”.
Du khách đeo khẩu trang ở Gwanghwamun, cổng chính vào cung điện Gyeongbok Palace, một danh thắng ở Seoul hôm 22-2. Ảnh: AP
Hiện Bệnh viện Daenam ở Cheongdo nơi ghi nhận ca tử vong thứ tư do COVID-19 tại Hàn Quốc đã phải cách ly hoàn toàn. Đây được xem là "điểm nóng" của dịch bệnh khi có hơn 110 ca nhiễm, trong đó có chín nhân viên y tế.
Các quan chức y tế nước này lo ngại sẽ có thêm nhiều ca nhiễm mới tại bệnh viện này do nguy cơ lây nhiễm chéo giữa các bệnh nhân.
Ca nhiễm ở Iran tăng vọt lên 43, tám người tử vong
Theo Reuters, phát biểu trên truyền hình, người phát ngôn Bộ Y tế Iran, ông Kianush Jahanpur cho biết đã có thêm 15 trường hợp nhiễm COVID-19 được ghi nhận ở nước này trong ngày 22-2.
Như vậy tới thời điểm này, Iran đã có 43 ca nhiễm COVID-19 nhưng điều đáng lo ngại là đã có tới tám trường hợp tử vong, nhiều nhất bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc.
Sự quan ngại gia tăng khi Canada ngày 22-2 ghi nhận một trường hợp nhiễm COVID-19 sau khi trở về từ Iran. Lebanon cũng ghi nhận trường hợp đầu tiên nhiễm virus ở nước này, cùng là một công dân trở về từ Iran.
Iran đã đóng cửa các trường học, đại học và trung tâm văn hóa trên khắp 14 tỉnh của đất nước, bắt đầu từ ngày 23-2 sau khi có năm trường hợp tử vong vì COVID-19. Iran cũng là nước đầu tiên ở khu vực Trung Đông ghi nhận trường hợp tử vong vì virus.
Dịch bệnh bắt đầu bùng phát ở Iran hôm 19-2 và nhanh chóng lây lan trong bối cảnh có các lo ngại về khả năng chống chọi với dịch bệnh của quốc gia Hồi giáo - vốn thiếu hụt các nguồn lực do kinh tế đang khủng hoảng.