Cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều tại Hà Nội kết thúc chiều qua mà không có tuyên bố chung.
Chiều 28-2, họp báo tại khách sạn JW Marriott sau thượng đỉnh, Tổng thống Mỹ Donald Trump nói lý do hai bên không thể đi đến thỏa thuận là vì bất đồng về vấn đề dỡ bỏ trừng phạt.
Cụ thể theo ông Trump, Triều Tiên yêu cầu Mỹ dỡ bỏ trừng phạt “hoàn toàn”, điều ông không thể chấp nhận.
“Đó là về trừng phạt. Về cơ bản họ muốn trừng phạt được gỡ bỏ hoàn toàn và chúng tôi không thể làm điều đó”.
Theo ông Trump, nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un nói sẵn sàng gỡ bỏ khu phức hợp hạt nhân chính Yongbyon, nhưng muốn trước hết các lệnh trừng phạt phải được gỡ bỏ. Ông Trump đã lên đường về nước sau cuộc họp báo.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Ngoại trưởng Mike Pompeo họp báo tại khách sạn JW Marriott ở Hà Nội sau cuộc gặp thượng đỉnh thứ hai với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Ảnh: CNN
Trong khi đó, tối 28-2, phái đoàn Triều Tiên tổ chức họp báo tại khách sạn Melia về sự kiện thượng đỉnh. Các quan chức Triều Tiên nói rằng nước này chỉ yêu cầu Mỹ dỡ bỏ một phần trừng phạt để đổi lấy việc phá bỏ khu phức hợp hạt nhân Yongbyon.
Theo nội dung họp báo, Triều Tiên nói chính phủ Kim Jong-un đề nghị ngừng chương trình hạt nhân, thử nghiệm tên lửa tầm xa, đổi lại, phía Mỹ gỡ bỏ một phần các lệnh cấm vận cho Triều Tiên.
"Triều Tiên đưa ra một đề xuất mang tính thực tế là chấm dứt chương trình thử nghiệm hạt nhân và tên lửa tầm xa để đổi lại việc Mỹ gỡ bỏ một phần lệnh cấm vận"- Bộ trưởng Ngoại giao Ri Yong-ho nói với các phóng viên ở Hà Nội.
Bộ trưởng Ri nói thêm: "Nếu các lệnh cấm vận của Mỹ được gỡ bỏ một phần thì Triều Tiên sẽ tháo dỡ vĩnh viễn các cơ sở hạ tầng sản xuất hạt nhân ở Yongbyon, dưới sự giám sát của các chuyên gia người Mỹ".
Cụ thể, Vietnamnet dẫn lời Bộ trưởng Ngoại giao Triều Tiên thông tin: "Trong 2 ngày hội đàm, các lãnh đạo Triều Tiên và Mỹ đã có các cuộc thảo luận nghiêm túc... Mục tiêu của cuộc gặp thượng đỉnh lần hai là xây dựng lòng tin, cùng giải quyết các thách thức, trở ngại còn lại sau cuộc gặp thượng đỉnh ở Singapore và đưa ra những đề xuất giúp đem lại kết quả tốt đẹp.
Các lệnh cấm vận của Mỹ hiện nay đang ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân Triều Tiên. Chúng tôi cam kết sẽ giải trừ hạt nhân hoàn toàn và phá hủy các cơ sở hạt nhân hiện có, bao gồm cả các cơ sở làm giàu uranium và plutonium trước sự chứng kiến của Mỹ và các chuyên gia kỹ thuật đến từ những quốc gia khác.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trong cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 28-2. Ảnh: GT
"Chúng tôi không đề nghị dỡ bỏ mọi lệnh cấm vận, mà chỉ một phần các lệnh cấm vận đó. Hiện có tổng cộng bảy lệnh cấm vận của Mỹ chống Triều Tiên, nhưng chúng tôi chỉ đề xuất gỡ bỏ năm nghị quyết cấm vận mà Liên hợp quốc đã thông qua trong năm 2016 và 2017, căn cứ vào những gì chúng tôi đã thực hiện và mức độ tin tưởng đã đạt được giữa Triều Tiên và Mỹ..."
Tham gia cuộc họp báo cùng với Bộ trưởng Ngoại giao Ri Yong-ho còn có Thứ trưởng Ngoại giao Choe Son-hui.
Hãng tin Bloomberg (Mỹ) dẫn lời bà Choe nói rằng: "Chủ tịch Kim cảm thấy ông không hiểu cách người Mỹ tính toán. Tôi có cảm giác rằng ông Kim đang không còn muốn tiếp tục các cuộc đàm phán."
Kênh Youtube của mạng lưới truyền hình Global News (Canada) đã tổ chức phát trực tiếp chương trình họp báo của phía Triều Tiên. Chương trình tổ chức bằng tiếng Triều Tiên và có thông dịch bằng tiếng Anh khi Bộ trưởng Ri Yong-ho phát biểu mở đầu cuộc họp báo.
Tuy nhiên, sau đó đến phiên Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Choe Son-hui phát biểu thì không có thông dịch.
Động thái họp báo này của Triều Tiên khá bất ngờ khi trước đó, Triều Tiên không lên tiếng khi Mỹ - Triều quyết định hủy bỏ buổi ăn trưa của hai nhà lãnh đạo Trum - Kim và buổi lễ ký tuyên bố chung.
Kết thúc ngày thứ hai thượng đỉnh Mỹ-Triều, cả hai nước gần như không đạt tiến bộ nào khi không có tuyên bố chung. Dù vậy, phát biểu của ông Trump cho thấy tình hình quan hệ hai nước không xấu đi.