Trung Quốc tuyên bố đã bước sang giai đoạn mới trong cuộc chiến chống dịch COVID-19 trong nước và đề nghị được đóng vai trò lớn hơn trong cuộc chiến chống dịch trên toàn cầu, báo South China Morning Post ngày 12-3 đưa tin.
Phát biểu tại Quảng Châu, chuyên gia dịch tễ học hàng đầu Trung Quốc - ông Chung Nam Sơn cho biết "sau những gì chúng ta đã trải qua, Trung Quốc có thể giữ vai trò lớn hơn".
Ông cũng nhấn mạnh "trao đổi và hỗ trợ giữa các nước là rất quan trọng" và hy vọng mỗi nước đều hành động một cách nghiêm túc.
Chuyên gia Chung Nam Sơn muốn Trung Quốc đóng vai trò lớn hơn trong cuộc chiến chống dịch COVID-19 trên toàn cầu. Ảnh: SCMP
Chuyên gia Chung cho rằng Trung Quốc cần có các biện pháp để giảm nguy cơ lây nhiễm do các ca nhiễm bệnh từ nước ngoài. Đặc biệt, nhiều ca bệnh trong số này không xuất hiện triệu chứng nên càng khó bị phát hiện.
"Chúng tôi phát hiện một nửa trong 79 ca bệnh từ bên ngoài Trung Quốc không xuất hiện triệu chứng. Tôi tin rằng nếu biết mình nhiễm bệnh, những người này sẽ không tới đây. Điều này có thể gợi ý rằng một số nước đã không xem xét dịch bệnh một cách nghiêm túc" - ông Chung nói.
Ông khuyến cáo các du khách có nguy cơ nhiễm bệnh cao là những người đến từ các nước có nhiều ca bệnh. Những người này nên được cách ly 14 ngày ngay khi nhập cảnh và cần được xét nghiệm để xác nhận có nhiễm COVID-19 hay không.
Hiện nay, Trung Quốc đã tăng cường các hoạt động hỗ trợ các đối tác nước ngoài khi mà số ca nhiễm ở trong nước giảm, còn nhiều nước khác như Ý, Iran và Hàn Quốc trở thành ổ dịch mới.
Ngày 11-3, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị thông báo cho người đồng cấp Ý, ông Luigi Di Maio rằng Trung Quốc sẽ gửi các trang thiết bị và nhân viên y tế tới hỗ trợ quốc gia Nam Âu chống dịch. Trong cùng ngày, một nhóm chuyên gia đã rời Thượng Hải để sang Rome, hỗ trợ giới chức y tế Ý.
Ông Chung cũng nhận định các biện pháp kiểm soát được tăng cường để kiểm soát dịch bên trong lãnh thổ Trung Quốc là hiệu quả. Ông hy vọng các nước cũng hành động một cách "nghiêm túc và chủ động" và trông chờ bước ngoặt của dịch sẽ diễn ra khi nhiệt độ lên cao.
Chuyên gia Chung Nam Sơn cũng lưu ý đến tỉ lệ tử vong cao ở bên ngoài Trung Quốc. Ở Ý, tỉ lệ tử vong là khoảng 6%. Với các ổ dịch bên ngoài Trung Quốc, tỉ lệ tử vong trung bình là 3,2% - ngang bằng tỉ lệ ở tâm dịch Vũ Hán trong giai đoạn dịch bệnh mới bùng phát.
Ông hy vọng "ngày càng nhiều các nước sẽ không đối phó với dịch COVID-19 giống như dịch cúm thông thường". Tuy nhiên, ông cho biết nhiều chuyên gia ở Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc và nhiều nước khác có quan điểm chống dịch khác Trung Quốc.
"Trung Quốc đã chiến đấu chống dịch COVID-19 trong hai tháng. Chúng ta có kinh nghiệm và học được nhiều bài học. Điều cấp bách là chúng ta có thể chia sẻ cách sử dụng thuốc và các liệu pháp điều trị. Bằng việc xem xét kinh nghiệm của chúng ta, (các nước - PV) có thể tránh việc đi lệch hướng và cứu sống nhiều người" - vị chuyên gia nói.
Dẫn lại kinh nghiệm trong dịch SARS hồi năm 2002-2003, ông Chung khuyến cáo không nên quá trông chờ vào tiến độ điều chế vaccine hay việc xây dựng phác đồ điều trị chung.
Đề cập việc một số bệnh nhân được phát hiện "tái nhiễm" COVID-19, ông cho rằng có thể những người này đã không bình phuc hoàn toàn ngay từ đầu.
"Theo quan điểm khoa học về miễn dịch, hầu hết các bệnh nhân đã bình phục có thể tạo ra kháng thể để tiêu diệt virus và tỉ lệ bệnh nhân đã bình phục tái nhiễm là rất thấp" - ông Chung giải thích.
Theo South China Morning Post, Trung Quốc phát hiện thêm 20 ca nhiễm mới và thêm bảy người chết vì COVID-19 trong ngày 12-3. Tổng số ca nhiễm COVID-19 ở Trung Quốc đang là 80.813 người và số ca tử vong là 3.176 người. Có gần 63.000 bệnh nhân đã được xuất viện.
Toàn thế giới đã có gần 131.900 ca nhiễm COVID-19, trong đó có khoảng 4.950 người tử vong và gần 69.900 người đã xuất viện.