Viện Virus Vũ Hán - tâm điểm tranh cãi về nguồn gốc của virus gây dịch COVID-19 vừa bị tấn công mạng, báo South China Morning Post (SCMP) dẫn thông tin từ tổ chức SITE Intelligence Group.
SITE Intelligence Group là một tổ chức phi chính phủ của Mỹ có trụ sở tại bang Maryland, chuyên theo dõi các hoạt động trực tuyến của các nhóm cực đoan cánh hữu và các tổ chức thánh chiến.
Viện Virus học Vũ Hán - nơi chứa các mầm bệnh cấp độ 4 (P4) – nguy hiểm nhất
Viện Virus học Vũ Hán trực thuộc Học viện Khoa học Trung Quốc. Đây có thể coi là nơi tập trung bộ sưu tập của Trung Quốc về các chủng virus, là ngân hàng virus lớn nhất châu Á với hơn 1.500 chủng virus, theo thông tin từ trang web của viện.
Viện Virus học Vũ Hán là tâm điểm tranh cãi về nguồn gốc của virus gây dịch COVID-19. Ảnh: AFP
Trong Viện Virus học Vũ Hán là nơi duy nhất ở Trung Quốc có phòng thí nghiệm được trang bị các thiết bị tiên tiến và an ninh tối đa đầu tiên của châu Á để quản lý, nghiên cứu các mầm bệnh cấp độ 4 (P4) - các mầm bệnh nguy hiểm nhất, các virus nguy hiểm có rủi ro cao lây truyền từ người sang người, như virus Ebola (sốt xuất huyết).
Viện Virus học Vũ Hán nằm cách khu chợ bán động vật hoang dã ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc) - nơi phát hiện ca nhiễm COVID-19 đầu tiên - không xa. Điều này khiến nhiều người củng cố thêm các giả thuyết rằng virus rò rỉ từ phòng thí nghiệm của viện này ra khu chợ.
Viện Virus học Vũ Hán có phòng thí nghiệm quản lý, nghiên cứu các mầm bệnh cấp độ 4 (P4) – các mầm bệnh nguy hiểm nhất. Ảnh: AFP
Tuy nhiên, Viện Virus học Vũ Hán và chính phủ Trung Quốc nhiều lần bác bỏ. WHO và nhiều chuyên gia y tế cũng không nghiêng về khả năng này.
Tin tặc muốn tìm thông tin nhạy cảm về COVID-19 từ WHO
Bên cạnh Viện Virus học Vũ Hán còn có một số mục tiêu khác mà những kẻ tấn công mạng nhắm tới đợt này, trong đó có Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), theo SITE Intelligence Group.
Theo thông tin từ SITE Intelligence Group thì nhiều địa chỉ thư điện tử (email) và tài liệu của nhiều nhân viên WHO đã bị rò rỉ và bị lan truyền trực tuyến từ ngày 21-4. Các thông tin được chia sẻ trên các nền tảng trực tuyến Telegram, Twitter…, đặc biệt được chia sẻ nhiều trong bộ phận các phần tử cực đoan cánh hữu.
Ngày 23-4, WHO xác nhận khoảng 450 địa chỉ email và mật khẩu của mình bị rò rỉ. Tuy nhiên, WHO cho rằng điều này không gây rủi ro cho hệ thống của WHO vì các dữ liệu liên quan đến các địa chỉ email bị rò rỉ không mới. Dù thế WHO cũng cho biết vụ tấn công mạng này có ảnh hưởng đến một hệ thống mạng nội bộ mở rộng, vốn được các nhân viên hiện tại và các nhân viên đã về hưu cũng như các đối tác dùng. WHO cũng ghi nhận số lượng các vụ tấn công mạng nhắm vào WHO từ đầu năm đến nay nhiều hơn so với cùng thời điểm này năm ngoái.
“Số vụ tấn công mạng lúc này nhiều hơn năm lần so với số vụ tấn công mạng nhắm vào tổ chức (WHO - PV) cùng thời điểm này năm ngoái” - SCMP dẫn thông báo từ WHO.
(Từ trái sang): Giám đốc Chương trình Khẩn cấp thuộc WHO - ông Michael Ryan, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus, Giám đốc Chuyên môn của WHO - bà Maria Van Kerkhove trong một cuộc họp báo về COVID-19. Ảnh: AFP
Một số email bị rò rỉ của WHO có dữ liệu liên quan đến tổ chức Bill and Melinda Foundation, Trung tâm Kiểm soát và Phòng, chống dịch bệnh Mỹ, Ngân hàng thế giới, Viện Y tế Quốc gia Mỹ, SITE Intelligence Group cho biết.
Chưa rõ ai thực hiện các vụ tấn công mạng này, tuy nhiên SITE Intelligence Group cho rằng mục tiêu của những kẻ tấn công là nhằm thu thập các thông tin nhạy cảm về COVID-19.
“Điều duy nhất quan trọng (với cộng đồng cực hữu - SCMP) là thu thập được dữ liệu để phục vụ các mục đích riêng của mình, mà trong trường hợp này là để lan truyền các thuyết âm mưu về nguồn gốc "phòng thí nghiệm" của virus Corona (gây dịch COVID-19 - PV), cũng như các ý tưởng khác” - theo bà Rita Katz, Giám đốc điều hành SITE Intelligence Group.
Ngày 24-4, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nói: “Các vụ tấn công mạng nhằm vào các tổ chức đang chiến đấu với đại dịch phải bị cả thế giới lên án”, tuy nhiên không đề cập đến Viện Virus học Vũ Hán.
Tuần trước, Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) cũng nói mình có bằng chứng cho thấy một số tin tặc được sự ủng hộ của chính phủ nước ngoài đang nhắm vào các viện nghiên cứu COVID-19 của Mỹ, khả năng lớn là muốn tìm thông tin liên quan nghiên cứu thuốc và vaccine. Tuy nhiên, FBI không nêu rõ tên nước nào hay tổ chức nào ở Mỹ.