Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo người dân nên sử dụng khẩu trang hay các vật che miệng khác như một biện pháp giảm nguy cơ lây lan virus SARS-CoV-2 gây dịch COVID-19, đài CNA đưa tin.
Ông Mike Ryan - Giám đốc điều hành Chương trình ứng phó khẩn cấp của WHO - cho rằng "ý tưởng sử dụng các vật che miệng mũi hoặc miệng để ngăn chặn nguy cơ việc ho hoặc hắt hơi có thể khiến mầm bệnh vào môi trường và lây cho người khác" là hợp lý.
Tuy nhiên, "chúng ta phải để dành khẩu trang lọc khuẩn, khẩu trang phẫu thuật và khẩu trang y tế cho những nhân viên ở tuyến đầu".
Tổng Giám đốc WHO, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus (giữa), Giám đốc điều hành Chương trình ứng phó khẩn cấp Mike Ryan (trái) và Giám đốc kỹ thuật Chương trình ứng phó khẩn cấp Maria van Kerkhove (phải). Ảnh: REUTERS
Ông Ryan cho biết thế giới vẫn đang trong "một cuộc tranh luận rất quan trọng và lành mạnh" về việc đeo khẩu trang vì vẫn chưa chắc chắn liệu virus SARS-CoV-2 có lây truyền trong không khí hay không.
Ví dụ như ông Anthony Fauci - Giám đốc Viện Dị ứng và bệnh truyền nhiễm quốc gia của Mỹ - hôm 3-4 đã bắt đầu khuyến cáo người dân nên đeo khẩu trang khi ra ngoài. Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đề xuất người dân dùng khăn quàng cổ để che mũi và miệng, trong trường hợp không có khẩu trang.
Dù vậy, ông Ryan cũng nhắc lại rằng con đường lây nhiễm chính là tiếp xúc gần với người bệnh hoặc tiếp xúc với các bề mặt mang mầm bệnh.
Trong khi vẫn cảnh báo người dân không nên phủ nhận sự cần thiết của việc thường xuyên rửa tay và giữ khoảng cách xã hội, vị chuyên gia của WHO cho rằng khẩu trang nên là một phần của chiến lược toàn diện để phòng bệnh.
"Chúng ta có thể nhận thấy một cách rõ ràng rằng các trường hợp sử dụng khẩu trang ở trong cộng đồng, gồm cả khẩu trang vải hay khẩu trang tự làm ở nhà, có thể giúp ích trong việc phản ứng toàn diện trước dịch bệnh này", ông Ryan nói.
Nói về tình trạng tử vong vì COVID-19, ông Ryan cho rằng hệ thống y tế bị quá tải ở một số nước với các nhân viên y tế bị kiệt sức là một nhân tố tác động đến tỉ lệ tử vong.
"Chúng ta cần giảm những cơn sóng thần bệnh nhân đang ập đến để giúp các bác sĩ, y tá và những nhân viên y tế khác có thêm cơ hội cứu sống nhiều người hơn", ông nhấn mạnh.
Bà Maria van Kerkhove - Giám đốc kỹ thuật Chương trình ứng phó khẩn cấp của WHO - cảnh báo không nên so sánh tỉ lệ tử vong giữa các quốc gia vì một số nước chỉ đang tập trung vào các ca bệnh nặng mà bỏ qua việc thống kê cả những trường hợp nhẹ.
Bà cho rằng con số đáng quan tâm ngay lúc này là nhóm tuổi của các bệnh nhân nặng buộc phải chuyển vào các cơ sở chăm sóc đặc biệt.
Dẫn số liệu từ Ý và Trung Quốc, bà van Kerkhove cảnh báo ngày càng nhiều người trẻ (trong nhóm tuổi trên 30-59) nhiễm COVID-19 cần đến sự chăm sóc đặc biệt và có thể tử vong.
Trong khi đó, người cao tuổi và người có bệnh lý nền sẽ có tình trạng bệnh nặng hơn và có nguy cơ tử vong cao hơn, bà lưu ý.
Hiện nay, toàn thế giới đã báo cáo gần 1.100.000 ca nhiễm COVID-19, trong đó 59.160 trường hợp đã tử vong, theo chuyên trang theo dõi số liệu Worldometer.
Mỹ đang là nước có số ca nhiễm cao nhất thế giới (hơn 277.000 người - 7.392 trường hợp tử vong), tiếp theo sau là Ý và Tây Ban Nha (đều gần 120.000 người nhiễm bệnh).
Ý và Tây Ban Nha cũng là hai nước có số ca tử vong vì COVID-19 cao nhất thế giới, với 14.681 trường hợp ở Ý và 11.198 trường hợp ở Tây Ban Nha.