Thế giới bắt đầu mở cửa lại: Không mất cảnh giác

Trong bối cảnh xuất hiện nhiều tín hiệu cho thấy tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến tích cực, chính phủ nhiều nước hiện đang xem xét dỡ bỏ các biện pháp phong tỏa. Tuy nhiên, các chuyên gia lo ngại chính phủ các nước sẽ chịu sức ép kinh tế và xã hội trong việc dỡ bỏ phong tỏa sớm và những động thái như vậy có thể khiến COVID-19 có điều kiện trở lại.

Tiềm ẩn nguy cơ tái bùng phát

GS Jeffrey Shaman thuộc ĐH Columbia (Mỹ) khuyến cáo rằng một khi những biện pháp giãn cách xã hội được dỡ bỏ, dịch COVID-19 sẽ có cơ hội bùng phát trở lại. Thậm chí, ngay cả khi quốc gia đó đã kiểm soát được dịch COVID-19 trong phạm vi nước mình, nó vẫn có thể tái xâm nhập từ một quốc gia khác. Vấn đề này đang được rất nhiều quốc gia lưu tâm vì COVID-19 chưa có vaccine và số người mang miễn dịch trong  cộng đồng chưa nhiều.

Đầu tháng 3, Singapore được cả thế giới nhìn nhận như một hình mẫu về kiểm soát dịch bệnh hiệu quả khi đảo quốc sư tử chỉ ghi nhận 100 ca nhiễm bệnh. Thế nhưng đến nay, số ca nhiễm bệnh tại Singapore chạm mốc 10.000 người. Phần lớn làn sóng lây nhiễm dịch bệnh lần thứ hai liên quan đến các công dân về từ những điểm nóng như Mỹ, Anh. Điều khiến các nhà chức trách nước này đau đầu hơn ở lần thứ hai này có sự gia tăng các ca bệnh lây nhiễm trong cộng đồng và các ca không rõ nguồn gốc.

Bên cạnh đó, các ổ dịch của Singapore cũng bùng phát ở hàng loạt khu nhà ở đông đúc, chật chội dành cho người lao động nước ngoài. Điều này cho thấy việc tái bùng phát dịch bệnh có thể xuất hiện ở những khu vực đông dân, kém vệ sinh và kiểm soát lỏng lẻo. Bất cứ điểm yếu nào trong hệ thống y tế công cộng sẽ bị dịch bệnh tấn công ngay lập tức.

Người dân Vũ Hán sinh hoạt bình thường sau khi dỡ bỏ lệnh phong tỏa. Ảnh: REUTERS

Tiêu chí nào để dỡ bỏ biện pháp hạn chế?

Đứng trước nhiệm vụ bảo vệ sức khỏe cộng đồng và thúc đẩy nền kinh tế, các quốc gia đã đưa ra lựa chọn khác nhau sau khi cân nhắc tình hình trong nước. Nhiều quốc gia như Anh vẫn duy trì, thậm chí kéo dài và tăng cường các biện pháp này. Để ngăn chặn dịch bệnh leo thang, chính phủ Anh ngày 16-4 quyết định kéo dài lệnh phong tỏa toàn quốc thêm ít nhất ba tuần. Ngoại trưởng Anh Dominic Raab cảnh báo nới lỏng bất cứ biện pháp nào cũng có thể gây tổn hại cho sức khỏe cộng đồng và nền kinh tế.

Song Anh cũng tính đến kế hoạch dỡ bỏ biện pháp hạn chế nếu nước này đáp ứng được năm tiêu chí.

Những biện pháp phong tỏa vẫn đang phát huy hiệu quả và người dân nên sẵn sàng thích nghi một lối sống mới trong khi dịch bệnh COVID-19 đang dần được kiểm soát. Không nên vội vã dỡ bỏ phong tỏa cho đến khi có vaccine hoặc thuốc đặc trị.

Giám đốc WHO khu vực Tây Thái Bình Dương - ông TAKESHI KASAI 

Đầu tiên, Anh phải đảm bảo được năng lực ứng phó của hệ thống y tế trong trường hợp tái bùng phát. Thứ hai, số ca tử vong do COVID-19 trong ngày phải giảm liên tục và Anh phải chắc chắn đã qua đỉnh dịch. Thứ ba, số liệu từ nhóm chuyên gia cố vấn cho chính phủ Anh phải cho thấy tỉ lệ lây nhiễm đã giảm tới mức có thể kiểm soát được. Thứ tư, năng lực làm xét nghiệm và thiết bị bảo hộ cá nhân đều phải được giải quyết và nguồn cung có thể đáp ứng nhu cầu trong tương lai. Thứ năm, Anh phải bảo đảm mọi sự điều chỉnh đối với các biện pháp hiện nay sẽ không có nguy cơ gây ra đợt bùng phát dịch lần thứ hai.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), quyết định của các chính phủ phải bảo vệ sức khỏe con người trước tiên. WHO khuyến cáo các chính phủ không nên dỡ bỏ tất cả biện pháp hạn chế cùng một lúc, mà nên dần dỡ bỏ có kiểm soát.

Trong chiến lược mới cập nhật, WHO đã xây dựng sáu tiêu chí để các nước đánh giá khi cân nhắc dỡ bỏ biện pháp hạn chế: (1) Kiểm soát được sự lây lan; (2) Hệ thống y tế đủ năng lực phát hiện, xét nghiệm, cách ly, điều trị mọi ca bệnh và truy tìm những người tiếp xúc người bệnh; (3) Nguy cơ bùng phát dịch bệnh tại những nơi đặc biệt như cơ sở y tế, viện dưỡng lão... được giảm xuống mức thấp nhất; (4) Các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh được triển khai tại công sở, trường học và những nơi thiết yếu đối với hoạt động của người dân; (5) Kiểm soát nguy cơ có ca nhiễm từ nước ngoài; (6) Các nước nên giáo dục toàn diện, gắn kết và trao quyền cho cộng đồng để thích nghi với chuẩn mực mới.

SARS-CoV-2 là chủng virus mới và đại dịch COVID-19 do virus này gây ra tăng tốc rất nhanh nhưng giảm tốc lại chậm. Do đó, ngay cả lúc dịch bệnh có dấu hiệu hạ nhiệt tại các điểm nóng như Ý và Tây Ban Nha thì giới chức ở đây vẫn hết sức thận trọng. Khi đối mặt với một thảm họa như COVID-19, thế giới không được phép mất cảnh giác, bởi vì chỉ cần một quyết định không đúng đắn cũng có thể tạo kẽ hở để dịch bệnh bùng phát làn sóng thứ hai, làm sụp đổ hệ thống y tế và buộc các nền kinh tế lại phải đóng cửa hoàn toàn.

Bài học từ lịch sử

COVID-19 không phải là đợt dịch bệnh đầu tiên mà con người trải qua với số ca nhiễm và tử vong lên tới hàng triệu người. Vào năm 1918, đại dịch cúm Tây Ban Nha đã cướp đi sinh mạng của hơn 50 triệu người trong nhiều đợt, đợt sau nghiêm trọng hơn đợt trước.

Các đại dịch cúm tiếp sau đó cũng kéo dài trong nhiều đợt, như đợt dịch cúm năm 1957, 1968. Gần đây, đại dịch cúm H1N1 năm 2009, khởi phát hồi tháng 4 nhưng sau đó đã xuất hiện làn sóng dịch bệnh thứ hai ở Mỹ và châu Á vào mùa thu cùng năm. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm