Trung Quốc bị tố gây sức ép các hãng, đòi họ 'nghỉ chơi' Lithuania vì Đài Loan

Trong một bản tin độc quyền do hãng Reuters phát đi hôm 9-12, một quan chức chính phủ và một hội doanh nghiệp Lithuania cho biết rằng Trung Quốc gần đây đã yêu cầu các công ty đa quốc gia cắt đứt quan hệ với Lithuania, nếu không sẽ đối mặt việc phải đứng ngoài thị trường Trung Quốc.

Trung Quốc đã giáng cấp quan hệ ngoại giao với Lithuania hồi tháng trước, sau khi Đài Loan mở văn phòng đại diện tại thủ đô Vilnius.

Cờ Lithuania và cờ EU tại một cửa khẩu ở Lithuania. Ảnh: REUTERS

Trung Quốc coi Đài Loan là một phần lãnh thổ và đã tăng cường gây sức ép lên các nước nhằm giáng cấp hoặc cắt đứt quan hệ với hòn đảo này.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân hôm 9-12 nói Trung Quốc tuân theo các quy định thương mại quốc tế và một lần nữa chỉ trích Lithuania về lập trường của Vilnius đối với Đài Loan.

Kim ngạch thương mại trực tiếp của Lithuania với Trung Quốc khá khiêm tốn, nhưng nền kinh tế dựa vào xuất khẩu của quốc gia vùng Baltic là nơi có hàng trăm công ty sản xuất những sản phẩm như đồ nội thất, thiết bị laser, thực phẩm và quần áo cho các công ty đa quốc gia bán sang thị trường Trung Quốc.

“Trung Quốc đã gửi thông điệp đến các công ty đa quốc gia rằng nếu các công ty sử dụng phụ tùng, linh kiện và hàng tiếp liệu có nguồn gốc Lithuania thì sẽ không được phép bán sang thị trường Trung Quốc hoặc lấy nguồn cung cấp ở Trung Quốc nữa” – Thứ trưởng Ngoại giao Lithuania Mantas Adomenas nói với Reuters.

“Chúng tôi đã thấy một số công ty hủy hợp đồng với các nhà cung cấp của Lithuania” – quan chức này cho biết thêm nhưng không tiết lộ tên của các công ty hay nhà cung cấp bị ảnh hưởng.

Liên đoàn các nhà công nghiệp Lithuania, tổ chức đại diện cho hàng nghìn công ty của nước này, xác nhận rằng một số công ty đa quốc gia mua hàng từ các nhà cung cấp Lithuania đang là mục tiêu bị phía Trung Quốc nhắm đến.

“Tuần này là lần đầu tiên chúng tôi chứng kiến việc Trung Quốc gây áp lực trực tiếp lên một nhà cung cấp, đòi họ bỏ hàng hóa do Lithuania sản xuất. Trước đây, chúng tôi chỉ thấy có những lời đe dọa là điều đó có thể xảy ra, bây giờ chúng đã trở thành hiện thực” - ông Vidmantas Janulevicius, Chủ tịch Liên đoàn, nói với Reuters.

“Đối với chúng tôi, điều đau nhất là công ty đó là của châu Âu. Nhiều doanh nghiệp Lithuania là các bên cung cấp cho các công ty như vậy” – ông Janulevicius nói thêm về tập đoàn đa quốc gia bị gây sức ép. Tương tự Thứ trưởng Adomenas, ông Janulevicius cũng không đề cập tên của bất kỳ công ty nào.

Lithuania đang xem xét việc thành lập một quỹ để bảo vệ các công ty địa phương khỏi sự trả đũa của phía Trung Quốc, một quan chức chính phủ cấp cao nói với Reuters.

Chính phủ Lithuania đang thảo luận với các công ty có nguy cơ bị ảnh hưởng xấu từ mối bất hòa với Trung Quốc về việc có thể trợ giúp tài chính, chẳng hạn như cấp các khoản vay, theo quan chức trên.

Lithuania cũng đã kêu gọi hỗ trợ từ Liên minh châu Âu (EU).

Trong một bức thư được gửi vào đầu tuần này cho các quan chức hàng đầu của Ủy ban châu Âu và được Reuters nhìn thấy, Ngoại trưởng Lithuania Gabrielius Landsbergis đã viết: “Một phản ứng mạnh mẽ là cần thiết ở cấp độ EU để gửi tín hiệu tới Trung Quốc rằng áp lực kinh tế có động cơ chính trị là không thể chấp nhận được và sẽ không được dung thứ”.

Ủy ban châu Âu đã đáp lời phía Lithunia trong một tuyên bố rằng EU sẵn sàng đứng lên chống lại mọi loại áp lực chính trị và các biện pháp cưỡng ép nhằm vào bất kỳ quốc gia thành viên nào.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm