WHO công bố kế hoạch chấm dứt tình trạng khẩn cấp COVID-19 toàn cầu vào năm 2022

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Theo tờ The Hill, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm 30-3 đã công bố kế hoạch mới nhằm chấm dứt tình trạng khẩn cấp toàn cầu liên quan đến đại dịch COVID-19 trong năm 2022.

Thừa nhận đại dịch COVID-19 vẫn là một cuộc khủng hoảng toàn cầu, nhưng WHO cho biết tổ chức đã vạch ra hướng đi phù hợp để chấm dứt tình trạng khẩn cấp toàn cầu một khi kế hoạch mới được triển khai nhanh chóng.

Theo WHO, hai mục tiêu chính trong kế hoạch lần này là giảm số ca mắc COVID-19 cùng chẩn đoán và điều trị bệnh nhân một cách hiệu quả để giảm nguy cơ tử vong.

WHO cho biết hai mục tiêu này có thể đạt được thông qua việc tăng cường hoạt động giám sát và theo dõi, cải thiện tình trạng phân phối vaccine thiếu công bằng trên toàn cầu, tăng cường hệ thống chăm sóc sức khỏe và nguồn vật tư y tế, cũng như nâng cấp hoạt động nghiên cứu và phân tích dữ liệu.

Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus. Ảnh: AL JAZEERA

Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết tính đến thời điểm hiện tại, đã có hơn sáu triệu người chết trên khắp thế giới do COVID-19 và số ca tử vong vẫn đang tăng hàng ngày, với hơn 75.000 người đã chết vì dịch bệnh chỉ trong tuần đầu tiên của tháng 2.

Tuy nhiên, ông Tedros khẳng định thế giới hiện đã có đủ "các công cụ để lập kế hoạch ứng phó với mọi tình huống”.

"Chúng ta đang đứng ở giai đoạn then chốt và đầy nguy hiểm trong cuộc chiến chống lại COVID-19. Mặc dù không thể dự đoán chính xác cách thức phát triển của virus SARS-CoV-2, nhưng chúng ta biết rằng các biến thể mới sẽ phát sinh và phát triển thành các biến thể mớu khi quá trình lây lan tiếp tục” - ông Tedros nói.

Tổng Giám đốc WHO khẳng định ông “có thể nhìn về tương lai với hy vọng rằng chúng ta có thể chấm dứt đại dịch COVID-19 thông qua kế hoạch mới của tổ chức".

Bên ngoài trụ sở Tổ chức Y tế Thế giới WHO. Ảnh: THE HILL

Một mục tiêu chính khác của WHO chính là đạt được 70% tỉ lệ tiêm chủng toàn cầu, cao hơn nhiều so với tỉ lệ hiện tại ở một số quốc gia nghèo.

Trong số 194 quốc gia thành viên của WHO, 21 quốc gia có tỉ lệ tiêm vaccine dưới 10% và 75 quốc gia khác có tỉ lệ tiêm vaccine dưới 40%.

Theo WHO, việc giải quyết sự bất bình đẳng về khả năng tiếp cận hệ thống chăm sóc sức khỏe và thiết bị bảo vệ cá nhân cũng là vấn đề cấp thiết cần giải quyết, cũng như hỗ trợ và bảo vệ lực lượng y tế trên toàn cầu.

Tổ chức này cho biết có khoảng 115.000 nhân viên y tế đã qua đời vì dịch bệnh trên toàn thế giới trong khoảng thời gian từ tháng 1-2020 đến tháng 5-2021.

WHO còn đề cập việc điều chỉnh hệ thống báo cáo COVID-19, cho phép các quốc gia có thể tự điều chỉnh hệ thống giám sát số ca nhiễm và tử vong ở nước mình, song các quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề với tỉ lệ tiêm chủng thấp vẫn nên tiếp tục báo cáo về cho WHO.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm