Yếu tố không ngờ có thể khiến Nga khó tấn công Ukraine

Đài CNN ngày 10-2 cho công bố một số ảnh vệ tinh do hãng công nghệ Maxar (Mỹ) chụp cho thấy Nga vẫn đang tập trung lực lượng bao quanh Ukraine và lần này binh sĩ Nga được thấy rõ là đang được phân bổ thành theo ba hướng chính là ở bán đảo Crimea, phía tây Nga và Belarus. So với tháng trước, số binh sĩ Nga tăng thêm khoảng vài trăm người, trong khi nhiều khu vực được điều động thêm nhiều xe thiết giáp, trực tăng và lực lượng pháo binh; một số tàu chiến Nga mới cũng được phát hiện ở Sevastopol - cảng chính của Crimea.

Các động thái trên phản ánh căng thẳng giữa Nga và Ukraine cùng phương Tây nói chung chưa hạ nhiệt mà còn đang có dấu hiệu tăng dần về độ nghiêm trọng, bất chấp nỗ lực ngoại giao từ các bên liên quan. Dù vậy, CNN cho rằng ít nhất trong những tháng sắp tới sẽ rất khó có khả năng Nga mở đợt tấn công chính thức Ukraine bởi nhiều lý do, trong đó có một yếu tố ít được nói tới là vấn đề thời tiết.

Xe tăng Nga xuất hiện ở một thị trấn vùng biên giới Nga - Ukraine hồi tháng 1. Ảnh: AFP

Thời tiết đang có lợi cho phía Ukraine

Theo đó, ở Ukraine hằng năm có một cái gọi là rasputitsa - cụm từ để chỉ việc bùn lầy xuất hiện hình thành theo từng lớp rất dày vào mùa xuân khiến việc di chuyển qua lại giữa Nga và Ukraine bằng đường bộ trở nên khó khăn. Tác động của nó hiện rõ nhất vào tháng 3 khi băng tuyết bắt đầu tan.

Tuy nhiên, điều bất thường là mùa đông năm 2021 không khắc nghiệt như mọi năm ở phần lớn lãnh thổ Ukraine nên có thể rasputitsa sẽ còn tới sớm hơn nữa. Khi một nhóm PV của CNN di chuyển từ TP cảng phía đông Mariupol tới TP Zaporizhia ở miền Trung Ukraine hôm 1-2, trời bắt đầu đổ mưa khiến tài xế người bản địa tỏ ra kinh ngạc bởi bình thường thì giờ này là tuyết đang rơi. Khi tới nơi, tuyết ở Zaporizhia cũng đang trong trạng thái dần tan. Ngay cả vào lúc nửa đêm, khi sương mù xuất hiện, nhiệt độ vẫn ở trên ngưỡng đóng băng.

Theo dữ liệu của chương trình khoa học Trái đất Copernicus của Liên minh châu Âu (EU), phần lớn khu vực Đông Âu có nhiệt độ trên mức trung bình trong tháng 1. Nhiệt độ ở Ukraine cao hơn 1-3 độ C so với mức trung bình 30 năm qua do tác động của biến đổi khí hậu. Cũng trong tháng 1, Đông Âu ẩm ướt hơn thông thường - nghĩa là ít sương giá hơn và nhiều bùn đất hơn.

“Những gì chúng ta nhìn thấy trong dài hạn là số ngày tuyết phủ và những đêm băng giá sẽ ít hơn. Hiện tượng khí hậu ấm lên xảy ra ở đây mạnh hơn so với mức trung bình toàn cầu” - Giám đốc Phòng thí nghiệm khí hậu ứng dụng thuộc Viện Khí tượng thủy văn Ukraine Svitlana Krakovska cho hay.

Hiện giới phân tích quân sự đang thảo luận xem liệu tình hình thời tiết nói trên tiếp diễn ở Ukraine có ảnh hưởng đến bất cứ kế hoạch tấn công nào nhằm vào Ukraine hay không. Video do chính các binh sĩ Nga đăng tải cho thấy tại một số khu vực lực lượng nước này đang triển khai, mặt đất ngập nước và bùn lầy.

Giới chức Mỹ từng nhận định trong trường hợp Nga mở chiến dịch tấn công Ukraine thì sẽ phải chọn thời điểm thời tiết nhiệt độ xuống thấp tới mức đóng băng để phát huy hiệu quả và thuận tiện cho vấn đề hậu cần.

Tại một cuộc họp báo hồi cuối tháng trước, Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ Mark Milley cũng đánh giá rằng “điều kiện tối ưu” cho các phương tiện bánh xích quân sự của Nga di chuyển phải là bề mặt Ukraine đóng băng gần hết. Miền Đông Ukraine chủ yếu là vùng đất nông nghiệp - điều kiện lý tưởng cho xe tăng hoạt động nhưng khu vực biên giới phía bắc Ukraine giáp Belarus có rất nhiều đầm lầy, có thể kìm chân lực lượng tấn công nếu chúng chưa đóng băng. Do đó, có thể thấy tình hình bùn đất dày và thời tiết ấm lên ở Ukraine đang trì hoãn đáng kể kế hoạch của Nga và có thể là lý do chính khiến nước này tới giờ vẫn chưa động binh.

Không nên đưa ra kết luận vội vàng

Dù vậy, về vấn đề thời tiết ở Ukraine và kế hoạch tiến quân của Nga, chuyên gia Dara Massicot thuộc Viện Rand Corporation (Viện Nghiên cứu chính sách của chính phủ Mỹ) lại có quan điểm khác. Cụ thể, bà cho rằng kể cả khi mặt đất đóng băng tạo điều kiện thuận lợi cho lực lượng của Nga, nó cũng không phải yếu tố quyết định tất cả.

“Cần lưu ý là các tên lửa dẫn đường chính xác, các hệ thống pháo tầm xa và các cuộc không kích không bị ảnh hưởng bởi yếu tố này. Mây mù cũng không ảnh hưởng đến khả năng tấn công các căn cứ quân sự, sở chỉ huy trên mặt đất” - chuyên gia này khẳng định. Nga được cho là đã triển khai một số lượng lớn tên lửa đạn đạo Iskander có tầm bắn 450 km đến gần Ukraine từ tháng trước.

Bà Massicot còn cảnh báo thêm là năng lực tác chiến của quân đội Nga đã được cải thiện đáng kể trong 10 năm gần đây. Không quân Nga hiện sở hữu hệ thống liên lạc và định vị mục tiêu tốt hơn, phi công cũng có thêm nhiều kinh nghiệm sau thời gian thực chiến ở chiến trường Syria nên có khả năng hoạt động hiệu quả ở các điều kiện thời tiết khác nhau. Hàng trăm xe tăng Nga triển khai gần biên giới Ukraine cũng sẽ không bị cản trở quá nhiều bởi mặt đất mềm mặc dù chúng có thể di chuyển nhanh hơn nếu mặt đất đóng băng.

Tuy nhiên, các đơn vị xe tăng, thiết giáp còn phải phụ thuộc vào đoàn xe hậu cần, với những chiếc xe tải quân sự có thể dễ dàng bị sa lầy khi vượt địa hình. Đó là lý do Nga đã triển khai một số phương tiện như xe cứu hộ hoặc xe bắc cầu để giúp giải quyết vấn đề như vậy. Cầu phao cũng xuất hiện trên các đoàn xe lửa tới Belarus vào cuối tháng trước.

“Tôi nghĩ việc trông chờ yếu tố thời tiết để ngăn cản các cuộc tấn công của Nga vào Ukraine là điều tương đối phi thực tế lúc này. Thay vào đó, tiến trình đàm phán giữa Mỹ và NATO (Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương) với Nga về các yêu cầu an ninh khu vực của họ mới đóng vai trò quyết định” - bà Massicot nhận định.•

 

Chính phủ Anh hôm 10-2 đã công bố đạo luật mới cho phép nước này mở rộng đáng kể phạm vi trừng phạt nhắm đến cả người dân, doanh nghiệp và các thực thể khác của Nga trong trường hợp nước này có bất kỳ hành vi gây hấn nào nhắm vào Ukraine, theo đài BBC.

Nga, Belarus khởi động tập trận chung sát Ukraine

Nga và Belarus ngày 10-2 đã khởi động cuộc tập trận quân sự chung, động thái khiến các nước phương Tây lo ngại Moscow đang lên kế hoạch hành động làm leo thang căng thẳng trong vấn đề Ukraine, đài RT đưa tin. Trước đó, Bộ Quốc phòng Nga cho biết một cuộc kiểm tra với các lực lượng ứng phó của Nga và Belarus đang diễn ra theo hai giai đoạn.

Giai đoạn đầu kéo dài đến ngày 9-2, bao gồm việc tái bố trí quân đội và thành lập các lực lượng đặc nhiệm ở Belarus, cũng như các hoạt động đảm bảo an ninh cho các cơ sở quân sự.

Cuộc tập trận “Union Resolve 2022” (Quyết tâm đồng minh 2022) được tổ chức ở giai đoạn 2 của cuộc kiểm tra này, dự kiến diễn ra từ ngày 10 đến 20-2 trên lãnh thổ Belarus.

Cuộc tập trận nhằm kiểm tra và thúc đẩy năng lực của hai quốc gia trong việc “ngăn chặn và đẩy lùi sự tấn công từ nước ngoài”.

RT dẫn lời các quan chức cho biết cuộc tập trận sẽ tăng cường năng lực phòng thủ biên giới và chuẩn bị cho binh sĩ đối phó với nhiều tình huống bị quân địch xâm nhập. Lực lượng tập trận bao gồm bộ đội mặt đất, các thiết bị hạng nặng như xe tăng, pháo binh và lực lượng không quân.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm