Chuyện quen thuộc nói hoài nói mãi là rác như núi ở các bãi biển Cồn Vàng - Thái Bình, Nghệ An, Thanh Hóa, Phan Thiết… Chuyện được ca tụng dù mấy mươi năm rồi mới làm được và chưa ai dám chắc rằng sẽ giữ gìn được bao lâu, là cấm bán hàng rong, ăn nhậu ở biển Vũng Tàu.
Trong câu chuyện thứ hai, có nhiều ý kiến trong đó có các chuyên gia du lịch cho rằng “hầu như ở các nước, việc buôn bán hàng rong (ăn uống) trên bãi biển đã bị cấm từ lâu” (!?); và thường lấy bãi biển ở các xứ du lịch phát triển dẫn chứng. Dĩ nhiên là ai cũng ủng hộ việc giữ gìn bãi biển sạch đẹp nhưng thiết nghĩ vẫn cần phải nói lại cho rõ về câu chuyện “hàng rong bị cấm bán trên bãi biển”. Để có cách nhìn khác, từ đó có thể nghĩ về cách tiếp cận giải quyết vấn đề khác.
Trước tiên, về việc xả rác trên bãi biển, theo thiển ý người viết, có ba vấn đề chính là người bán, người mua và chính quyền. Chính quyền cần có những biện pháp răn đe, xử phạt phù hợp sẽ làm giảm các việc này - ví dụ như việc phạt xả rác ở Singapore. Người mua cần được giáo dục ý thức, đây là câu chuyện dài tập. Nhóm thứ ba, những người bán hàng rong, hàng quán ăn nhậu trên bãi biển là nhóm quy mô khá nhỏ, có thể dễ tác động hơn. Và họ cũng có thể góp phần tác động phần nào đến khách hàng của mình.
Tôi từng đến bãi biển Bang Saen, tỉnh Chonburi, cách Bangkok 80 km trên đường đi Pattaya, rất quen thuộc với người Thái. Ngày Pattaya còn là làng chài vô danh thì Bang Saen đã là nơi nghỉ mát phổ biến, cửa ngõ ra biển xả stress của người Bangkok và nhiều vùng lân cận. Bây giờ cũng vậy, khách nước ngoài đổ xô về Pattaya, còn ở Bang Sean vẫn dù lọng ngút ngàn bãi biển dài hàng kilomet xanh mát bóng dừa để phục vụ người bản địa.
Không như các chuyên gia Việt đã nói, Bang Saen vẫn cho các quầy bán hàng ăn uống bia bọt, hàng rong vẫn thúng mủng tôm cua cá ghẹ lăng xăng trên bãi biển. Dù hầu hết gia đình, nhóm bạn trẻ ngồi chơi dưới bãi biển hôm lễ hội Wan Lai hoành tráng tháng 4 rồi tôi ghé đều có các túi rác xách theo, khi đứng lên… vẫn còn sót lại một ít rác trên bãi biển.
Thế nhưng sáng hôm sau ra biển sớm đón bình minh, khách thấy sạch bong, dù không thấy xe rác, bóng công nhân vệ sinh nào. Thấy hàng quán lăng xăng dọn hàng, dựng dù… tôi tiến đến, ngỡ ngàng chứng kiến những người bán hàng quét rác trên bãi biển và trước khi hốt rác đổ vào thùng họ đã rây cát bằng rổ rá (ảnh), lược cát xong mới đổ rác vào thùng, trả cát lại cho biển! Tại sao rây cát? Tôi hỏi. “Mình làm sạch biển thì khách mới ghé chơi chứ! Mà tụi mình cũng có phần trong việc này nên quét dọn là phải mà. Còn rây cát hả, nếu không rây đổ hết vào thùng thì nặng lắm, tội mấy anh chị công nhân vệ sinh. Mà không rây, cứ hốt hết cát đổ thùng mai mốt biển còn gì cát…”. Những câu trả lời chân chất của người miệt biển làm tôi đứng người.
Không chỉ ở Bang Saen mà ở nhiều bãi biển khác của Thái Lan như Cha Am, Phetchaburi, Prachua Kiri Khan… vẫn có hàng rong/hàng quán trên bãi biển. Ở bãi Patong, Phuket… có cấm nhưng vì nhiều lý do khác chứ không phải vì việc xả rác.
Quay trở lại vấn đề muôn thuở biển và rác ở Việt Nam, không cần đao to búa lớn… chỉ cần làm từng bước nhỏ, từ nhóm nhỏ để lan truyền. Về mặt dân sinh có lẽ ổn hơn vì hàng quán, hàng rong trên biển là cứu cánh của nhiều hộ gia đình. Hơn thế nữa, hàng rong hay ẩm thực tươi ngon trên bãi biển, nhâm nhi cùng vài ly bia mát lạnh cũng là những thú vui hấp dẫn cho khách du lịch. Chưa thể yêu cầu họ rây cát ngay từ bây giờ nhưng có thể là các chương trình giáo dục, biện pháp giữ vệ sinh, của họ và của khách. Sao không thử?