Hôm 22-3, cơ quan chức năng Trung Quốc cho biết sau 36 tiếng kể từ khi máy bay của hãng China Eastern Airlines chở 132 người bị rơi ở khu vực tỉnh Quảng Tây, lực lượng cứu hộ vẫn chưa tìm thấy người sống sót nào và quá trình tìm kiếm vẫn đang tiếp tục, tờ Thời báo Hoàn cầu đưa tin.
Chưa tìm thấy người sống sót, quá trình điều tra khó khăn
Giám đốc an toàn hàng không của Cục hàng không dân dụng Trung Quốc Zhu Tao phát biểu trong cuộc họp báo rằng cho đến thời điểm hiện tại, các đội cứu hộ vẫn chưa tìm thấy người nào sống sót sau thảm kịch. Ông cho biết thêm rằng nhiệm vụ trọng tâm lúc này là tìm kiếm hộp đen máy bay.
Ông Zhu nói: "Máy bay đã bị hư hại nghiêm trọng trong vụ tai nạn, do đó việc tìm kiếm và cuộc điều tra sẽ gặp phải nhiều khó khăn. Với thông tin hiện có, chúng tôi vẫn chưa có kết luận rõ ràng về nguyên nhân vụ tai nạn".
Lực lượng cứu hộ tại hiện trường máy bay rơi. Ảnh: XINHUA
Ông cho biết thêm rằng chiếc máy bay gặp nạn đã không phản hồi các cuộc gọi liên tục từ kiểm soát viên hàng không trong quá trình hạ cánh nhanh đột ngột.
Hiện tại, đã có 2.000 nhân viên cứu hộ và cứu hoả từ tỉnh Quảng Tây và các tỉnh lân cận đến hiện trường tìm kiếm cứu nạn. Hiện trường vụ tai nạn là một vùng đồi núi, khó tiếp cận nên công tác cứu hộ cũng gặp phải nhiều khó khăn.
Nỗ lực tìm kiếm hộp đen
Chiếc máy bay gặp nạn có hai hộp đen, một trong buồng lái và một ở đuôi máy bay để ghi lại nhiều dữ liệu khác nhau và việc tìm kiếm các hộp đen là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu lúc này.
Hộp đen máy bay thường có màu đỏ cam tươi để có thể dễ dàng tìm thấy sau tai nạn máy bay. Các thiết bị này được chế tạo để chịu được nổ, không phân huỷ, không cháy ở nhiệt độ cao hay không hư hỏng khi bị ngâm nước. Pin của chúng có tuổi thọ khoảng 30 ngày, kể từ khi máy bay gặp nạn.
Đài truyền hình trung ương Trung Quốc CCTV đưa tin rằng cơ quan điều tra ngay tại hiện trường đã lệnh tiếp tục tìm kiếm hộp đen máy bay và có thể phải tìm xuyên đêm thứ hai rồi sau đó sẽ tiến hành phân tích, điều tra nguyên nhân.
Lực lượng tìm kiếm cứu nạn làm việc xuyên đêm 21-3. Ảnh: GETTY
Hôm 21-3, công ty công nghệ DJI Technology đã điều một nhóm máy bay không người lái (drone) đến hiện trường để hỗ trợ điều tra. Các thiết bị này được trang bị tia hồng ngoại và hệ thống quan sát ban đêm có thể ghi lại các hình ảnh và video trong điều kiện ánh sáng kém hoặc khuất tầm nhìn.
Trước đó, trong ngày 21-3, Phó Thủ tướng Lưu Hạc đã đến Quảng Tây để giám sát các hoạt động tìm kiếm và cứu nạn. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng đã nói rằng ông “sốc” sau khi nghe tin dữ và yêu cầu nhanh chóng điều tra, cứu hộ cứu nạn.
Đại diện của hãng hãng không China Eastern Airline - ông Sun Shiying nói: "Máy bay phản lực B737-800 gặp nạn này đáp ứng các tiêu chuẩn bay trước khi cất cánh và các điều kiện kỹ thuật đều ổn định. Các thành viên phi hành đoàn có sức khỏe tốt và kinh nghiệm bay của họ phù hợp với các yêu cầu quy định”.
Hôm 22-3, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết cơ quan này tin rằng tất cả các hành khách trên máy bay đều là công dân Trung Quốc.