Một ca hiến tinh tại Mỹ được trả từ 15 đến 200 USD, tùy theo cơ sở tiếp nhận và ngày càng thu hút nhiều nam thanh niên “tay trắng” tìm đến, ngoài những người hiến tinh vì lòng nhân đạo. Chính từ đây, các ngân hàng tinh trùng đang cạnh tranh với nhiều ý tưởng mới lạ.
Nếu người cho “giống” là SV Harvard thì quá tuyệt vời!
Điểm chung của các ngân hàng tinh trùng là họ rao bán “tinh trùng của người có học vấn cao” kèm theo ảnh của đương sự khi còn nhỏ và mở chi nhánh ngay sát các trường đại học nổi tiếng nhất của Mỹ. Ngân hàng tinh trùng Cryos vừa mở một chi nhánh chỉ cách University of Central Florida, TP Orlando có vài bước chân. Bởi nam sinh viên giờ đây đang được ưu tiên “quan tâm” do họ trẻ, khỏe và độ tuổi từ 19 đến 39 được đánh giá là “khung tuổi vàng” cho chất lượng tinh trùng tốt nhất. Nhưng đây không là lý do duy nhất, các ngân hàng tinh trùng còn muốn tìm ra được những đối tượng thông minh, có trí tuệ cao cho một lượng khách hàng nữ cũng đang tăng từng ngày và càng khó tính. Cho nên nếu bạn là sinh viên ĐH Harvard thì quá tuyệt vời!
“Chỉ một liều nhưng nhiều tinh trùng gấp đôi”
Theo catalogue, khách hàng có thể chọn “giống” cho mình theo sở thích, từ chọn chủng tộc, màu mắt, màu da, tuổi, chiều cao, cân nặng, cho đến nhóm máu, trình độ học vấn… Hơn nữa, các ngân hàng còn cẩn thận cung cấp những chi tiết nhỏ nhất có thể được về đối tượng như năng khiếu âm nhạc, thể thao, tôn giáo và thậm chí là lá số tử vi. Nhiều cơ sở còn khuyến mãi thêm các dịch vụ “hậu mãi” như “được phỏng vấn người cha tương lai của con bạn qua điện thoại”… California Sperm Bank thì hoạt động theo mô hình gần giống McDonald là bình bầu “nhân vật của tháng” và đăng tải trên trang mạng của mình: Tháng 5 vừa rồi là nhân vật số 52ELF, xuất thân Trung Quốc, là con một, đam mê xe hơi và bài poker, tự đánh giá mình là “người phiêu lưu hiện đại”.
Nhu cầu thụ tinh nhân tạo ngày càng tăng tại Mỹ, các ngân hàng tinh trùng đang nắm bắt cơ hội.
Để quảng cáo hiệu quả hơn, Fairfax Cryobank luôn niêm yết các bản mẫu để khách hàng so sánh đối chiếu. Nhiều slogan hấp dẫn đã ra đời như Pacific Reproductive tự giới thiệu mình là nơi cung cấp tinh trùng “giá hạ” nhưng “chỉ một liều nhưng nhiều tinh trùng hơn gấp đôi so với nơi khác”. Và còn nhiều slogan khác như “Người cha có bằng cấp cao đang ở đây”, “Chuyên dành cho các cặp đồng tính nữ”, “Ngân hàng chúng tôi được khách hàng công nhận là cơ sở tốt nhất”…
Thụ tinh ảo để tìm ra “tinh trùng hoàn hảo”
Các ngân hàng tinh trùng hoạt động như một dạng siêu thị hàng hóa và khách hàng sẽ chọn mua tinh trùng như thể người nông dân mua những gói hạt giống cây trồng. Muốn có thế hệ cây con khỏe mạnh thì giống phải tốt. Đơn giản là như vậy!
Bởi trong phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm, khách hàng sợ nhất là đứa con tương lai của họ sẽ mắc phải các căn bệnh di truyền từ người cha sinh học của bé. Cho nên tại Mỹ, có một doanh nghiệp đi tiên phong trong việc giám định chất lượng tinh trùng hiến tặng để khoanh vùng sớm những “người cha không hoàn hảo”. Công ty GenePeeks đã ký kết hợp tác với hai ngân hàng tinh trùng Manhattan Cryobank tại New York và European Sperm Bank USA tại Seattle để áp dụng phương pháp “phôi thai ảo” nhằm có thể phát hiện sớm những căn bệnh di truyền của thai nhi, bằng cách ứng dụng tin học để “thụ tinh ảo” giữa ADN của người hiến tinh và người mẹ tương lai.
Mỗi khi có một khách hàng nữ muốn có “tinh trùng hoàn hảo” thì họ phải bỏ ra số tiền là 1.500 euro để được chọn. Khách sẽ gửi mẫu nước bọt của mình qua đường bưu điện, Công ty GenePeeks hoàn tất mọi công đoạn còn lại và thông báo kết quả cho khách. Một phần mềm ứng dụng thuật toán do nhà di truyền học Lee Silver thuộc ĐH Princeton sẽ giúp mô phỏng các tương tác di truyền giữa ADN của cha mẹ trong quá trình thụ tinh và phát triển của phôi thai để “vẽ” ra trước hình hài của đứa bé trong tương lai. Vì đây là phôi thai ảo nên phần mềm này sẽ tự do “thiết kế” ra hàng ngàn mẫu phôi thai có thể có để thẩm định rủi ro mắc phải của hơn 500 căn bệnh di truyền khác nhau trên một mẫu thử.
“Xưởng” thiết kế đặc điểm thể chất cho thai nhi
Nếu như đã có thể phòng ngừa sớm các rủi ro về bệnh lý cho các ca thụ tinh trong ống nghiệm từ một người hiến tinh vô danh thì tại sao lại không thể giả định các tình huống tương tự để “thiết kế” các đặc điểm thể chất cho thai nhi? Tại Mỹ, việc chẩn đoán di truyền các phôi thai từ thụ tinh nhân tạo là hợp pháp: Ba ngày sau khi trứng được thụ tinh, một tế bào phôi sẽ được tách ra để xét nghiệm mã di truyền.
Encino, một khu ngoại ô khá giả của TP Los Angeles và Fertility Institute, là “xưởng” thiết kế trẻ em nằm trong một cơ ngơi nhỏ nhắn nhưng hiện đại trên tuyến đại lộ chính của TP này. Bên trong, tất cả đều mới toanh, tiện nghi và đầy màu sắc. Thoạt nhìn thì ai cũng nhận ra đó là một dưỡng đường tư nhân chuyên về thụ tinh trong ống nghiệm như bao nơi khác trên tất cả TP lớn của nước Mỹ.
BS Jeffrey Steinberg, Giám đốc trung tâm này, cho biết cơ sở ông có dịch vụ chọn giới tính cho thai nhi vì nhu cầu này khá nhiều và tất nhiên là cho khách hàng độc thân và các cặp đồng tính. Ông cho biết: “Tôi đã đón tiếp một bệnh nhân là một phụ nữ độc thân muốn làm mẹ đơn thân của một cô con gái”.
Đối với các cặp đồng tính nữ thì phức tạp hơn vì bác sĩ phải lấy trứng của một trong hai phụ nữ của “đôi vợ chồng” đó rồi cho thụ tinh với một mẫu tinh trùng mà họ đã chọn qua catalogue, cuối cùng thì phôi thai sẽ được cấy vào tử cung của người phụ nữ còn lại của cặp đồng tính đó. Do đó, hai đối tượng đồng tính này sẽ là “cha” và “mẹ” của đứa bé bởi mỗi người đều góp phần vào việc tạo ra đứa bé: một người thì cho trứng, một người thì mang thai!
Còn đối với các cặp đồng tính nam thì lại nhiêu khê hơn nữa, bởi phải tìm được hai đối tượng: Một phụ nữ cho trứng và một phụ nữ chịu mang thai hộ. Trứng sẽ được thụ tinh bằng tinh dịch hỗn hợp của cặp “gay” đó, với tỉ lệ 50/50, mỗi người một nửa!
Từng xảy ra “tai nạn” với “con giống” Dự án tìm cho ra “tinh trùng hoàn hảo” của Công ty GenePeeks ra đời từ ý tưởng thiết tha của một phụ nữ Mỹ tên là Anne Morriss, đã nhận tinh trùng từ một ngân hàng để có con nhưng sau đó đã hạ sinh một bé trai bị mắc phải căn bệnh di truyền nặng gây thiếu hụt MCAD, một enzym chủ yếu trong chuyển hóa năng lượng mà đáng lẽ ra căn bệnh này có thể phát hiện sớm. Hiện nay đứa bé đã được bảy tuổi và khỏe mạnh nhưng trải nghiệm buồn này đã thôi thúc Anne Morriss, đã tốt nghiệp Harvard Business School, thành lập Công ty GenePeeks trong mục đích bảo đảm an toàn tuyệt đối chất lượng tinh trùng của người hiến tặng, giúp mẹ tròn con vuông một cách khoa học. |