Thiếu tá Nguyễn Minh Cương, Phó Trưởng phòng 5, Cục Cảnh sát ma túy, Bộ Công an, cho biết tình trạng sản xuất ma túy tổng hợp (methamphetamine) trong nước đang có dấu hiệu tăng trở lại.
Sản xuất ma túy ngày càng dễ hơn
Năm 1995, Công an TP.HCM bắt giữ một người Đài Loan sản xuất ma túy tổng hợp để chuyển ra nước ngoài tiêu thụ. Đây là vụ phát hiện, bắt giữ sản xuất trái phép ma túy tổng hợp đầu tiên tại Việt Nam. Từ đó đến nay, lực lượng cảnh sát ma túy cả nước đã phát hiện, bắt giữ trên 20 vụ việc có liên quan đến sản xuất ma túy tổng hợp từ các loại tiền chất, hóa chất. Mới đây nhất, Công an TP.HCM lại phát hiện tổ hợp sản xuất ma túy “khủng” nhất từ trước đến nay.
Theo Thiếu tá Cương, việc sản xuất ma túy tổng hợp ngày càng đơn giản vì tiền chất “rất sẵn”, quản lý lại lỏng lẻo. Công thức điều chế cũng đang trở nên “dễ có” hơn vì các băng nhóm tội phạm mua bán hoặc móc nối với những người từng ra nước ngoài tham gia sản xuất ma túy mang công thức về nước…
Trong thời gian 2010-2013 rộ lên tình trạng các băng nhóm sản xuất ma túy vì giá rất đắt nhưng sau đó chựng lại vì các băng nhóm tuồn vào Việt Nam, giá chỉ còn khoảng 200 triệu đồng/kg. Tuy nhiên, gần đây Việt Nam phối hợp với các quốc gia siết chặt nguồn ma túy thẩm lậu qua biên giới, ma túy đá trong nước bắt đầu khan hiếm, các băng nhóm lén lút sản xuất trở lại.
Trước đây, tội phạm ma túy thường chiết xuất tiền chất từ các loại thuốc trị cảm cúm thông thường. Bị công an đánh mạnh, Bộ Y tế siết chặt các loại thuốc có khả năng dùng vào việc sản xuất ma túy nên các băng nhóm tội phạm quay sang chiết xuất các loại dược liệu thay thế như cây ma hoàng, tinh dầu xá xị… làm nguyên liệu.
Một phần tang vật xưởng ma túy của Văn Kính Dương vừa bị Công an TP.HCM thu giữ. Ảnh: NT
Khó đấu tranh
Thiếu tá Cương khẳng định: Điều tra các vụ sản xuất ma túy đang gặp khó. Bởi luật không quy định tội vi phạm về quản lý sử dụng tiền chất mà chỉ có tội mua bán, tàng trữ, vận chuyển, chiếm đoạt tiền chất để sản xuất ma túy. Vì vậy, các vụ việc liên quan đến tiền chất mới chỉ dừng lại ở xử lý vi phạm hành chính. Muốn buộc tội phải thu được thành phẩm hoặc chứng minh được mục đích “để sản xuất ma túy” mà điều này không hề dễ.
“Có những vụ nấu chưa thành đã bị bắt, theo phương châm bóp từ trong trứng, sau này phải chứng minh chúng sản xuất với đầy đủ đồ nghề bị thu giữ, chúng mới thừa nhận. Nếu phát hiện đồ nghề nhưng không có hóa chất hoặc thành phẩm, công an chẳng làm gì được” - Thiếu tá Cương than.
Cũng theo ông Cương, tiền chất, hóa chất một mặt được sử dụng hợp pháp, một mặt nó lại có khả năng dùng vào việc sản xuất ma túy nên là vấn đề nan giải với các cơ quan quản lý chuyên ngành (y tế, công thương, hải quan).
Hiện Việt Nam có 43 loại tiền chất, Bộ Y tế quản lý chín loại, Bộ Công thương 34 loại. Trong y tế, các tiền chất được quản lý tương đối chặt nhưng ngành công thương còn lỏng lẻo. Các cơ quan mới chỉ dừng lại ở mức cấp phép xuất-nhập khẩu, quá trình mua bán, tồn trữ, mục đích sử dụng không kiểm soát nổi.
Ngoài ra, các doanh nghiệp, cá nhân liên quan đến sản xuất tiền chất thường không biết về loại chất mà họ sản xuất có thể được sử dụng vào mục đích sản xuất ma túy nên có ai mua là bán.
Các vướng mắc, khó khăn trên tồn tại nhiều năm nhưng chưa tháo gỡ, góp phần cho các băng nhóm rục rịch sản xuất ma túy trở lại.
Siết quản lý tiền chất, hóa chất sản xuất ma túy Tình hình ma túy diễn biến phức tạp, các chất ma túy tổng hợp ngày càng bị lạm dụng và có chiều hướng gia tăng, xuất hiện nhiều chất ma túy mới nhưng chưa được quy định dẫn đến việc phát hiện, bắt giữ, điều tra, xử lý gặp khó. Vì vậy Bộ Công an đang xây dựng dự thảo “Nghị định sửa đổi, bổ sung danh mục các chất ma túy và tiền chất…” để quản lý, đấu tranh với loại tội phạm này. Theo dự thảo, bổ sung lá cây khat và gần 260 chất hướng thần mới thuộc nhóm cần sa tổng hợp (theo thống kê của Cơ quan Phòng, chống ma túy và tội phạm của Liên Hiệp Quốc - UNODC); phân loại tiền chất thành hai nhóm thu hẹp phạm vi cấp phép cho Bộ Công Thương từ 35 loại xuống còn chín loại… để quản lý, kiểm soát, xử lý với loại tội phạm ma túy. Dự thảo đang được đưa ra lấy ý kiến góp ý. |