Bóng đá Việt Nam từng ở vị trí số 1 Đông Nam Á trên cả phương diện thành tích lẫn bảng xếp hạng FIFA. Và để tiến thêm bước nữa, tức bước ra ngoài khu vực Đông Nam Á lại luôn là một thách thức đòi hỏi rất nhiều mà chiếc cúp vô địch AFF mới chỉ là bước kích hoạt cho hàng loạt điều kiện cần và đủ.
Vô địch Đông Nam Á lần đầu năm 2008 và phát biểu “sốc” của HLV Calisto
Năm 2008, lần đầu tuyển Việt Nam vô địch Đông Nam Á, trong khi cả nước đang vui mừng với chiến thắng, đặc biệt là thắng đương kim vô địch Singapore trên sân Kallang và thắng cả Thái Lan trên thánh địa Rajamangala thì HLV Calisto bình thản phát biểu “sốc”: “Vô địch Đông Nam Á nhưng công bằng mà nói thì mặt bằng chung của bóng đá Việt Nam vẫn thua Thái Lan. Chúng ta thắng họ trong một trận đấu và một giải đấu nhờ tinh thần và quyết tâm cao hơn. Để duy trì chiến thắng đó bóng đá Việt Nam cần thay đổi từ chất lượng CLB, chất lượng giải V-League và đặc biệt là công tác, hệ thống đào tạo trẻ...”.
Ông Calisto khi ấy vừa là HLV đội tuyển vừa là HLV CLB Đồng Tâm Long An nên ông hiểu rất rõ về mặt bằng chung của bóng đá Việt Nam. Điều ông cảnh báo cũng được chính những nhà làm bóng đá lưu tâm nhưng để thực hiện chỉ để giữ ngôi vô địch Đông Nam Á thì bóng đá Việt Nam thất bại. Hai năm sau cũng chính ông Calisto dẫn dắt đội tuyển Việt Nam đá AFF Cup 2010 thì đội tuyển Việt Nam thua Philippines trên sân nhà và thất bại trước Malaysia sau hai lượt đấu bán kết.
Để lấy lại chức vô địch Đông Nam Á đấy, đúng 10 năm sau lần vô địch năm 2018, bóng đá Việt Nam mới thực hiện được.
Lần lên đỉnh Đông Nam Á thứ hai năm 2018 và sự hụt hẫng sau đó
Chỉ với một chức vô địch Đông Nam Á nhưng phải mất chu kỳ 10 năm theo biểu đồ hình sin thì đúng là quá lâu. Nhưng 10 năm đấy là quả ngọt của một thế hệ cầu thủ mới được đầu tư tốt qua nền tảng đào tạo trẻ của các CLB mà điển hình là HA. Gia Lai của bầu Đức và Hà Nội của bầu Hiển.
Bóng đá Việt Nam nhận sự kỳ vọng sau chức vô địch AFF Cup đầy tự hào bởi một thế hệ cầu thủ nửa cũ (từng vô địch năm 2018) nửa mới.
Năm 2018, với lứa cầu thủ trẻ lên đỉnh Đông Nam Á dưới tay HLV Park Hang-seo đã cho thấy sự đầu tư đúng khi trước đó vào đầu năm 2018, lứa trẻ đấy đã vào đến chung kết giải U-23 châu Á, chỉ chịu thua U-23 Uzbekistan.
Chức vô địch AFF Cup 2018 đến như một sự tất yếu từ tập thể đa phần là lứa U-23 từng lên ngôi á quân châu Á hồi đầu năm. Ngay trong ngày mừng công, HLV Park Hang-seo đã trải lòng với chia sẻ rất thật: “Tôi hạnh phúc khi được làm việc với tập thể những cầu thủ giỏi và đầy quyết tâm với tinh thần thi đấu không bỏ cuộc. Chúng ta đã đạt được những thành tích ở khu vực Đông Nam Á và tôi muốn cùng các học trò chinh phục những mục tiêu cao hơn như giải vô địch châu Á - Asian Cup và vòng loại World Cup... Nhưng muốn đạt những mục tiêu trên chúng ta phải làm việc cật lực và có được sự đầu tư tương xứng...”.
AFF Cup 2020 và 2022, đội tuyển Việt Nam không bảo vệ được chiếc cúp Đông Nam Á và cả hai lần này nhà vô địch đều là Thái Lan. HLV Park Hang-seo cũng chia tay sau hơn năm năm gắn bó với bóng đá Việt Nam. Một lần nữa lại cho thấy đứng trên đỉnh Đông Nam Á và khi bắt tay vào mục tiêu cao hơn, xa hơn chiếc cúp trong khu vực thì bóng đá Việt Nam lại gặp khó và thậm chí là đánh rơi cả thành tích đạt được trong khu vực.
Sau chức vô địch AFF Cup 2024 là gì?
Những người làm chuyên môn, những người thực tế với bóng đá Việt Nam thì đang nghĩ đến vòng loại Asian Cup sắp diễn ra mà đối thủ cạnh tranh lớn nhất vòng bảng là Malaysia. Nói nhà vô địch Đông Nam Á 2024 mà dè chừng Malaysia thì có vẻ vô lý nhưng rõ ràng mặt bằng bóng đá Đông Nam Á nói chung sự chênh lệch lớn hay tạo cách biệt vượt trội gần như là không có.
Indonesia chưa lần nào vô địch AFF Cup nhưng đi đường tắt bằng chính sách nhập tịch ồ ạt nhưng cũng chỉ tạo kỷ lục Đông Nam Á dự vòng loại World Cup so với Thái Lan và Việt Nam. Tại AFF Cup 2024, không có nửa đội hình nhập tịch Indonesia lập tức bị loại ngay từ vòng bảng.
Bóng đá Việt Nam nhận sự kỳ vọng sau chức vô địch AFF Cup đầy tự hào bởi một thế hệ cầu thủ nửa cũ (từng vô địch năm 2018) nửa mới. HLV Kim Sang-sik cũng chưa dám hứa hẹn gì hoặc cảnh báo gì như hai người tiền nhiệm Calisto và Park Hang-seo. Mới chỉ là những mong muốn đạt đến tầm châu Á và World Cup nhưng rõ ràng để đạt được như thế thì mặt bằng bóng đá Việt Nam phải thay đổi rất rất nhiều, nhất là hệ thống đào tạo trẻ, chất lượng các CLB và chất lượng V-League... Điều mà từ năm 2008, sau chức vô địch AFF Cup đầu tiên, bóng đá Việt Nam hầu như cứ dậm chân tại chỗ ở phần chân đế và những thay đổi theo mùa AFF Cup chỉ là phần ngọn được gia cố.•