Khi ngày càng nhiều người bị buộc phải ở nhà suốt để hạn chế lây lan dịch bệnh COVID-19, liệu chúng ta sẽ thấy một loạt em bé ra đời "chín tháng, 10 ngày" sau đại dịch?
Chắc chắn bạn đã từng nghe người ta bàn tán về chuyện này trên mạng xã hội hay nơi nào đó. Giờ chúng ta sẽ nhìn nhận vấn đề này ở một đất nước cụ thể: Mỹ - nước đang có dịch nghiêm trọng nhất thế giới và hơn 90% dân số đang phải ở trong nhà để ngăn dịch lây lan.
Liệu khả năng này sẽ xảy ra ở Mỹ? Theo các nhà nhân khẩu học Mỹ thì điều này khó xảy ra trong khoảng thời gian này, thậm chí họ còn cho rằng tỉ lệ sinh ở Mỹ sẽ giảm hơn bình thường, theo đài CNN.
"Đây không phải là thời điểm và môi trường thích hợp để các cặp vợ chồng nghĩ đến chuyện sẽ chào đón một em bé ra đời" - ông Kenneth Johnson, giáo sư xã hội học và nhà nhân khẩu học tại ĐH New Hampshire (Mỹ), nói.
Ngay cả trước khi đại dịch xảy ra, các nhà nhân khẩu học cho biết sự kết hợp của các yếu tố - sinh ít hơn, tử vong nhiều hơn và nhập cư ít hơn - đã tạo ra một "cơn bão hoàn hảo" làm chậm sự tăng trưởng dân số ở nhiều quốc gia. Vậy nên, sau khi đại dịch xảy ra, dân số Mỹ sẽ tiếp tục giảm.
Thiếu ổn định kinh tế khiến tỉ lệ sinh giảm
Lý do đầu tiên khiến tỉ lệ sinh giảm là kinh tế khó khăn. Việc thiếu ổn định tài chính sẽ khiến các cặp vợ chồng trì hoãn hoặc thậm chí từ bỏ quyết định có con. Một ví dụ điển hình là cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu bắt đầu vào cuối năm 2007.
Các nhà nhân khẩu học Mỹ cho rằng tỉ lệ sinh sẽ giảm sau đại dịch COVID-19. Ảnh: CNN
"Số ca sinh giảm đáng kể. Điều đó không quá bất thường. Nó vẫn thường xảy ra trong thời kỳ kinh tế khó khăn. Nhưng điều đáng ngạc nhiên là kể từ đó, tỉ lệ sinh đã không quay trở lại như trước. Nó giảm dần cho đến nay" - ông Johnson nói thêm.
Vậy nên các nhà nhân khẩu học chắc chắn rằng không lý do gì mà một đại dịch như COVID-19 lại khiến tỉ lệ sinh tăng trở lại.
"Thảm họa này không giống như mất điện hay một cơn bão. Nó sẽ tác động lâu dài lên nền kinh tế. Và kinh tế bất ổn định sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu sinh con. Tỉ lệ sinh sẽ còn giảm" - ông Rogelio Sáenz, giáo sư Khoa nhân khẩu học tại ĐH Texas ở San Antonio, nói.
Số người chết của Mỹ năm 2019 cao nhất từ trước đến nay
Năm 2019, Mỹ có tổng cộng 3,79 triệu em bé được sinh ra - con số thấp nhất kể từ năm 1986. Cũng trong năm ngoái, Mỹ có số người chết cao chưa từng có là 2,83 triệu người, đa phần là chết vì già.
Trường hợp ca sinh nhiều hơn ca tử sẽ được gọi là dân số "tăng tự nhiên". Tuy nhiên, khi số ca tử nhiều hơn ca sinh thì được gọi là "giảm tự nhiên". Nhìn chung, dân số Mỹ vẫn đang trong quá trình "tăng tự nhiên" nhưng không cao.
Nếu một ngày số ca tử bắt đầu vượt xa số ca sinh, xã hội sẽ bắt đầu gặp phải nhiều vấn đề. Hãy tưởng tượng viễn cảnh khi ngày càng nhiều người nghỉ hưu nhưng lớp người trẻ ở độ tuổi lao động ngày càng ít đi, hay việc người già ngày càng nhiều nhưng lại không đủ số người trẻ để chăm sóc họ. Điều này có thể sắp xảy ra ở Mỹ.
Dữ liệu chính phủ được công bố gần đây cho thấy tỉ lệ tăng dân số của Mỹ thấp nhất trong hơn một thế kỷ, chỉ đạt 0,48% vào năm 2019 - mức thấp nhất kể từ năm 1919 khi xảy ra đại dịch cúm. Trong năm đó, 675.000 người Mỹ đã chết vì đại dịch.
"Có khả năng dân số sẽ tiếp tục giảm trong năm tới" - ông Sáenz nói.
Nhập cư giảm
Các nhân viên Hải quan Mỹ đứng bên cạnh một biển báo đóng cửa biên giới Mỹ-Canada ở Lansdowne, Ontario (Canada). Ảnh: CNN
Tuy nhiên, ông Frey nói rằng nếu tỉ lệ sinh không tăng thì nhập cư lại là hy vọng duy nhất để Mỹ có thể lấy lại mức cân bằng dân số.